Chàng trai khiếm thị cống hiến hết mình cho công tác thiện nguyện

(CTG) Mắc khiếm thị bẩm sinh, anh Lê Huy Hào (SN 1996) vẫn không nản lòng mà phấn đấu theo học Đại học chuyên ngành công tác xã hội của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đồng thời dấn thân vào nhiều hành trình thiện nguyện, giúp ích cho cộng đồng.

Anh Lê Huy Hào được sinh ra tại tỉnh Điện Biên, một tỉnh miền núi cách xa Hà Nội khoảng 500km. Khoảng cách ấy đối với người bình thường đã khó khăn rồi, đối với những người khuyết tật thị lực bẩm sinh như anh thì khoảng cách ấy là một rào cản không hề nhỏ để có thể cắp sách tới trường.

Anh Lê Huy Hào (thứ 4 từ phải sang) tham gia Hội trợ việc làm cho người khuyết tật được tổ chức bởi Thành đoàn Hà Nội và hội người khuyết tật Hà Nội

Sau nhiều cuộc phẫu thuật không mang lại kết quả như mong đợi, anh không thể đến trường với thị lực chỉ có thể quan sát những vật thể ngay trước mắt. Việc đi học như những bạn bè cùng trang lứa chỉ là niềm mơ ước đi kèm với sự tủi thân mỗi khi bắt gặp câu hỏi “Cậu không đi học à?”. Bởi lẽ, cụm từ khiếm thị, hay dạy học cho người khiếm thị lúc bấy giờ vẫn là những điều khá xa lạ với những người làm công tác giáo dục tại các tỉnh miền núi như Điện Biên. 

Bất lực và chán nản là những cảm giác bủa vây gia đình tôi khi ấy, dường như cánh cổng trường đã đóng lại hoàn toàn với tôi. Cho đến đầu năm 2005, qua một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, bố mẹ tôi biết đến trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội là một ngôi trường có chương trình giáo dục dành cho trẻ em khiếm thị. Sau khi tìm hiểu về nhà trường và chuẩn bị tinh thần cho cậu con trai mới 10 tuổi để bắt đầu một cuộc sống tự lập xa gia đình, tôi được bố mẹ gửi vào khu nội trú dành cho học sinh khiếm thị để theo học tại trường Nguyễn Đình Chiểu - Anh Hào tâm sự.

Quãng thời gian bắt đầu cuộc sống xa nhà quả thực không dễ dàng chút nào đối với cậu bé khiếm thị 10 tuổi. Nỗi nhớ nhà cùng sự bỡ ngỡ khi phải tự chăm sóc bản thân, tự giác trong học tập khiến anh cảm thấy hoang mang, lúc ấy anh chỉ muốn quay trở về nhà để được bố mẹ bao bọc, che chở. Sau khi được các thầy cô làm công tác tư tưởng cộng với sự động viên của gia đình, anh đã hiểu được việc theo học tại nơi đây là cơ hội duy nhất để mình có thể đi học như những người bạn khác và điều đó thôi thúc anh không lùi bước, không được đầu hàng số phận. 

Trong 9 năm học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, anh đã không ngừng nỗ lực trong học tập và tham gia các hoạt động đoàn thể của khu nội trú. Từ một học sinh khiếm thị nhút nhát đến từ miền núi, anh dần trở thành gương mặt quen thuộc trong ban tổ chức các hoạt động phong trào của khối học sinh khiếm thị và tự tin đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong công tác đoàn đội như: Bí thư chi đoàn, Trưởng ban cán sự khối học sinh khiếm thị nhà trường… Chính những trải nghiệm này đã giúp anh vững tin hơn vào khả năng của bản thân và nỗ lực hơn trên những chặng đường sau này. 

Với niềm đam mê tham gia các hoạt động đoàn thể, mong muốn có thể giúp đỡ nhiều hơn cho những người yếu thế trong xã hội mà trong đó có cả đối tượng là người khuyết tật như mình, anh bắt đầu tìm hiểu về ngành công tác xã hội và các trường có đào tạo chuyên ngành này từ mùa hè năm học lớp 11. Đặt quyết tâm theo học ngành mà mình tin tưởng rằng có thể giúp đỡ được nhiều người hơn, anh nỗ lực với tất cả khả năng để có thành tích học tập tốt và tham gia không sót một hoạt động tập thể nào của nhà trường. Thành tích học tập xuất sắc và tham gia tích cực các hoạt động xã hội, anh là một trong số 2 sinh viên khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

Mặc dù có nhiều bỡ ngỡ khi chuyển tiếp vào môi trường giáo dục đại học cùng với những khó khăn không nhỏ trong vấn đề tiếp cận tài liệu cho người khiếm thị, anh không ngừng nỗ lực để theo được chương trình đào tạo của nhà trường. Với sự hỗ trợ của những người bạn cùng lớp, của câu lạc bộ Hoa Đá, Anh đã chủ động hơn trong việc học tập và tham gia các hoạt động tình nguyện. Từ những chương trình đông ấm, tổ chức trung thu cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa hay xóm Phao ngay bãi giữa sông Hồng tới các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội. Trong vai trò Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ, Anh cùng các thành viên của Hoa Đá đã mang sức trẻ và lòng nhiệt huyết đến với nhiều mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. 

Để nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm cho bản thân cũng như những người khuyết tật khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, anh cùng một số người bạn khuyết tật và không khuyết tật triển khai dự án Break The Barriers. Đây là một dự án phi lợi nhuận được triển khai trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2022 với mục tiêu nâng cao kỹ năng, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đồng hành với người khuyết tật trong quá trình hòa nhập tại môi trường làm việc mới. Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại những tác động tích cực tới cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh việc tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng các chương trình hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, người khuyết tật… anh đặc biệt trú trọng tới việc học tập để nâng cao chuyên môn và chuẩn bị hành trang cho bản thân để trở thành một nhân viên công tác xã hội tốt trong tương lai. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập và rèn luyện, anh liên tục nhận được học bổng dành cho sinh viên có điểm số cao trong lớp cùng học bổng dành cho sinh viên xuất sắc do tập đoàn AEON Nhật Bản trao tặng và thành quả ngọt ngào nhất khi anh đạt thành tích thủ khoa tốt nghiệp ngành Công tác xã hội khóa QH2018-X của trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Anh Hào chia sẻ: “Tôi nhớ trong cuốn “Nhà Giả Kim” của tác giả Paulo Coelho có một câu nói rất sâu sắc thế này: “Khi bạn quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp bạn đạt được mục đích đó”. Nhìn lại hành trình của bản thân từ một đứa trẻ khuyết tật không có cơ hội tới trường đến một cử nhân xuất sắc ngành công tác xã hội, tôi tin tưởng sâu sắc rằng khi ta cố gắng hết mình để chạm tới ước mơ, những người thân yêu sẽ đồng hành, ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh để ta vượt qua mọi khó khăn trên con đường phấn đấu”.

Với ý chí vươn lên và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, anh Hào vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức được triển khai từ tháng 5 - 8/2022 nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Chương trình năm nay sẽ tuyên dương 50 đại biểu là thanh niên khuyết tật có độ tuổi không quá 35 (đối với các trường hợp có độ tuổi từ 36 – 40 tuổi nếu có thành tích đặc biệt, Hội đồng sẽ xem xét quyết định). Các cá nhân được tuyên dương sẽ được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cùng các phần thưởng giá trị khác.

Các hoạt động của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội.