Tiếp nối truyền thống gia đình
Sinh ra và lớn lên trong gia đình theo nghề điêu khắc gỗ truyền thống, ngay từ nhỏ, Thanh Toản đã quen với âm thanh đục chạm hay mùi thơm của gỗ.
"Vào dịp hè, mình hay đi theo ba phụ điêu khắc gỗ. Nhìn những bức tượng của gia đình làm ra mình luôn hy vọng sau này sẽ được kế nghiệp, tự dựng lên một xưởng gỗ để kinh doanh riêng", Toản nói.
Sau đó, Toản làm nhiều tượng hơn, từ cơ bản đến phức tạp. Đầu năm 2023, Toản lập một xưởng riêng rồi nhập thêm trang thiết bị như: đục sắt, cưa, máy phay gỗ cũng như nguyên liệu để tạo ra nhiều sản phẩm.
Toản cho hay thời gian đầu lập nghiệp, làm những sản phẩm lớn để kinh doanh tương đối gian nan, vất vả.
"Lúc đầu, mình chưa quen tay nên vô tình bị máy cắt vào chân, phải khâu 10 mũi. Có những sản phẩm mình mất gần 1 tháng để hoàn thành, bởi những chi tiết đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo léo cũng như cẩn thận mới tạo được 'hồn' cho bức tượng", Toản kể.
Thu nhập đỉnh điểm hơn 100 triệu đồng/tháng
Hiện tại, Toản tập trung điêu khắc gỗ với hình tượng như: Phật, các linh thú... "Tuy nhiên, sản phẩm điêu khắc gỗ chủ đạo của mình vẫn là các hình ảnh về Phật pháp. Mình quyết định làm dòng tượng này bởi muốn tìm tòi học hỏi và đi sâu với những sản phẩm gỗ độc lạ, ít ai thực hiện được", Toản cho hay.
Để làm ra một sản phẩm điêu khắc hoàn hảo, Toản phải chọn những khúc gỗ tốt, không bị mục, già, sau đó cắt thành khối, đục đẽo, phác họa hình ảnh...
"Để tượng đẹp, thêm phần sắc sảo, người thợ cần biết cách tạo dáng, phác thảo những đường nét lớn, nhỏ trên mỗi tác phẩm. Sau khi đục khúc gỗ thành chi tiết cụ thể, mình sẽ chà giấy nhám, rồi sơn màu bóng", Toản cho hay.
Toản còn nói thêm: "Hầu hết các công đoạn đều được mình làm bằng thủ công, vì vậy khi chọn gỗ phải thật phải cẩn thận, chất lượng, có độ dẻo dai nhất định và không bị cong vênh, nứt hay mối, mọt".