CHIA SẺ CÙNG THẦY CÔ 2022: 15 NĂM XUNG PHONG VƯỢT ĐỒI CỦA CÔ GIÁO MẦM NON

(CTG) Trong cuộc sống vẫn còn có những mảnh đời không được may mắn, nhất là những người dân ở trong vùng sâu vùng xa của các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi mà đường xá còn khó khăn, mật độ dân số thấp và trình độ phát triển chưa cao. Vậy mà có một cô gái trẻ đã không tiếc tuổi xuân của mình đến vùng đất ấy với mong muốn giản đơn - giúp các em nhỏ vùng cao vơi bớt những thiếu thốn và thiệt thòi.

Năm 2007, sau khi hoàn thành tấm bằng tốt nghiệp mầm non, cô giáo Đỗ Thị Loan (SN 1984, Trường Mầm Non Kim Nọi, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã viết đơn tình nguyện lên công tác ngành GD&ĐT của huyện vùng cao. Bằng tấm lòng yêu nghề, sự tâm huyết, sức trẻ của mình, cô Loan mong muốn mang tri thức đến với con em đồng bào các dân tộc - nơi vùng đất miền đất còn nghèo đói, thiếu thốn và khó khăn.

(Cô giáo Đỗ Thị Loan cố gắng lấp đầy những thiếu thốn của các em nhỏ vùng cao)

 

Lớp học vượt đồi.

Tháng 10 cùng năm, cô giáo Đỗ Thị Loan đến nhận công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải, cách trung tâm thị trấn 20km đường quốc lộ và 5km đường đất ngược đồi để đến được trung tâm xã. Cùng với mức lương 400.000đ/ tháng đã từng khiến cô gái trẻ ái ngại nhưng với trái tim nỗ lực và cống hiến, cô Loan hàng ngày vẫn vượt đồi đến trường.

Ngày mới vào nghề, cô giáo Đỗ Thị Loan được giao nhiệm vụ chủ nhiệm một lớp mẫu giáo 5 tuổi. 32 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông điểm bản Trống Páo Sang cách điểm trường chính 5km đường đi bộ mòn dốc đứng và hun hút càng làm cho trái tim cô gái trẻ nồng ấm hơn.

          “Ngày nào cũng vậy, tôi phải dậy thật sớm để đi đến trường hành trình đến điểm trường là những con đường đất, những con dốc cao chót vót. Thời tiết vùng cao lúc nào cũng lạnh hơn vì bị sương mù bao phủ. Sau gần 1 tiếng vượt qua màn sương mù dày đặc, điểm trường đã dần hiện ra trước mắt thì cũng là lúc đôi chân của chúng tôi đã mỏi nhừ có những ngày còn sưng tấy đỏ lên vì cái lạnh vùng cao. Cứ như vậy mỗi ngày trôi qua là bao giọt nước mắt đan xen giữa niềm vui, hạnh phúc và nỗi tủi thân trong tôi” - cô Loan xúc động.

Sau này, khi đã có phương tiện hỗ trợ giảng dạy thì con đường ấy vẫn chẳng dễ hơn là bao. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô Loan thương lắm những lần đồng nghiệp ngã rồi lại ngã, có khi là bánh xe đầy đất, không thể di chuyển phải bỏ lại đường.

Lớp học 100% tiếng địa phương.  

Những ngày đầu lên lớp, cô Loan đã gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp. Ngày ấy, cô giáo chưa có kiến thức về tiếng dân tộc Mông nhưng 100% học sinh của cô lại sử dụng ngôn ngữ địa phương để giao tiếp. Cố gắng nghiên cứu tài liệu, công các chuyên môn và sử dụng song ngữ Tiếng Việt và tiếng địa phương trong quá trình dạy học là tất cả những cố gắng, nỗ lực của cô Đỗ Thị Loan để tiến gần hơn tới trẻ.

(Cô giáo Đỗ Thị Loan nỗ lực tiếp cận tiếng địa phương để gần trẻ hơn)

 

Xa nhà, xa gia đình “quen” rồi.  

Do đặc thù công việc, cô Loan phải thường xuyên xa nhà để đi dạy học, cuối tuần mới có thời gian dành cho gia đình. Cô giáo trẻ vẫn luôn trăn trở rằng chẳng năm nào được đưa con mình đi khai giảng vì cả bố mẹ đều công tác trong ngành giáo dục. Thoáng lúc cô cũng nhụt chí nhưng những ánh mắt ngây thơ của trẻ nhỏ và sự động viên không ngừng của ông xã chính là động lực khiến cho cô giáo vùng cao phải nỗ lực nhiều hơn.

“Trong muôn vàn nghề, nhiều khi cũng không hiểu vì sao mình lại chọn nghề Giáo viên mầm non, cái nghề ấy đã không ít lần phải rơi nước mắt, cái nghề mà chưa từng có cơ hội được đưa con đi học, cái nghề mà sáng ra đã vội vàng đến lớp để đón học sinh cho bố mẹ yên tâm lên nương trong khi đó con mình đang lững thững đi học 1 mình… Nhưng đổi lại cũng có biết bao niềm vui hạnh phúc khi thấy lớp trẻ thơ trưởng thành qua sự chăm sóc của cô. Phải chăng tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp tôi cùng bao cô giáo mầm non vượt qua khó khăn của nghề mà mình đã lựa chọn” - cô Loan chia sẻ.

Hoàn cảnh khó khăn không phải là lý do để ngừng nỗ lực.

Là giáo viên đầu tiên thuộc các trường mầm non của xã mạnh dạn đăng ký tham gia giáo viên dạy giỏi cấp huyện và may mắn đạt giải. Đồng thời, cô giáo Đỗ Thị Loan còn tiên phong tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học cho trẻ, tránh nhàm chán. Hơn hết, sau những lớp tập huấn chuyên môn tại Sở Giáo dục và Đào tạo, cô Loan đã nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai đến đội ngũ giáo viên trong huyện sao cho áp dụng phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Nổi bật, cô giáo đã chủ động sử dụng phần mềm xây dựng bài giảng điện tử và trò chơi để đưa vào dạy học một cách sáng tạo, hiệu quả giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, không cứng nhắc áp đặt trẻ. 
          Cô Đỗ Thị Loan luôn tận dụng khả năng của mình, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn. Sau 15 năm cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục mầm non, cô giáo Đỗ Thị Loan đã đạt được những thành tích xứng đáng: Từ năm học 2010-2011 đến nay luôn được đánh giá xếp loại giỏi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 11 năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, 5 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 3 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 7 năm học đạt CSTĐ cấp cơ sở, 1 năm đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, hai lần được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen. 1 lần được Bộ giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, 1 lần được ban chấp hành liên đoàn lao động tỉnh Yên Bái tặng bằng khen. Nhiều lần được công đoàn giáo dục huyện và Công đoàn giáo dục của sở GD&ĐT khen thưởng, được Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái khen thưởng điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2015-2020. Hội chữ thập đỏ huyện Mù Cang Chải khen thưởng về việc “ đã có thành tích trong công tác từ thiện chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona”…. và nhiều thành tích khen thưởng khác trong công tác Đảng và chính trị.

Cô giáo Đỗ Thị Loan là 1 trong số 68 gương giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.