Tuổi trẻ Thái Bình tặng quà Cựu TNXP. |
Sự quan tâm kịp thời
Dioxin là chất hữu cơ cực độc, không tan trong nước và rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Hậu quả đối với sức khỏe con người và môi trường. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, có hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm loại chất hóa học chết người này. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định tác hại của chất độc da cam/dioxin như: ung thư, thần kinh, u não, dị tật bẩm sinh, các bệnh do rối loạn chuyển hóa, các bệnh do rối loạn sinh sản ở nữ giới như thai chết lưu, đẻ non, sảy thai,…Trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam, Quân đội Mỹ đã phun rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít hóa chất khai quang - diệt cỏ khác nhau, trong đó có hơn 43 triệu lít chất độc da cam. Các hóa chất này được sản xuất và cung cấp theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ với các công ty hoá chất lớn như Dow, Monsanto, Hercules, Diamond Shamrock và một số công ty hoá chất khác. Đây được xem là cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người do quân đội Mỹ tiến hành tại Việt Nam.
Dù chiến tranh đã qua đi, nhưng hàng triệu người Việt Nam và những thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Hình ảnh những trẻ em dị tật, bị mù, câm, điếc, tâm thần hoặc có hình hài dị dạng tại các vùng bị nhiễm chất độc và trong các gia đình Cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam đang là nỗi đau, là gánh nặng trong cuộc sống. Trước những mất mát to lớn vì “nỗi đau da cam”, từ năm 1980 đến nay, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành các chính sách chỉ đạo, kịp thời khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học. Để tăng cường công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực hiện đầy đủ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Tiếp tục vận động, đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết hậu chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.
Khởi công công trình Bia đá nơi Bác Hồ tặng thơ Thanh niên xung phong di tích lịch sử cầu Nà Cù tại Bắc Kạn |
Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt. Ngoài ra hàng năm, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp nạn nhân chất độc da cam làm nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, Ngày Vì NNCĐDC (10/8)..., cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các NNCĐDC.
Tổ chức Đoàn, Hội chung tay góp sức
Trước những mất mát, đau thương mà những nạn nhân phải gánh chịu, những con người Việt Nam đã mở rộng tấm lòng để đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của họ.
Tuổi trẻ Tuyên Quang thăm, tặng quà Cựu TNXP. |
Theo đó, tháng 6/2018, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thống nhất ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2023 , với mục đích thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam cũng như giáo dục tinh thần tương thân, tương ái, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân cho đoàn viên, thanh niên và hội viên.
Sau 3 năm triển khai, Chương trình phối hợp đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, điển hình như: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum, Khánh Hòa, Bến Tre, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam….
Hoạt động tuyên truyền được các cấp bộ Đoàn chủ động đẩy mạnh, thực hiện lồng ghép tuyên truyền thông qua các kỳ sinh hoạt chi đoàn, diễn đàn, tuyên truyền trên mạng xã hội trong đoàn viên, hội viên, thanh niên về thảm họa da cam ở Việt Nam và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; công tác vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học đi vào chiều sâu.
Nổi bật trong công tác tuyên truyền, giáo dục trong tổ chức Đoàn, Hội đã thu thập được gần 60.000 chữ ký “Ủng hộ lời kêu gọi của các nạn nhân bom nguyên tử đòi xóa bỏ vũ khí hạt nhân”; đăng tải, chia sẻ gần 4.000 tin bài đăng trên báo địa phương, tạp chí da cam Việt Nam, trên các trang mạng xã hội.
Tổ chức gần 300 buổi diễn đàn, tọa đàm; gần 400 buổi phát thanh trên hệ thống phát thanh địa phương với trên 50.000 lượt người nghe, phối hợp lồng ghép tổ chức trên 50 lớp tập huấn công tác chăm sóc giúp đỡ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin; lồng ghép tổ chức gần 3.200 hoạt động tuyên truyền, thu hút trên 200.000 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia; vận động đoàn viên, thanh niên tham gia nhắn tin ủng hộ Cuộc vận động của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhân kỷ niệm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” 10/8; tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp đỡ hơn 500 ngày công lao động, thu hút trên 5.000 đoàn viên thanh niên tham gia…
Ngoài ra, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam phát động được đoàn viên thanh niên tham gia tự giác, tích cực, hiệu quả. Tổ chức Đoàn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp và vận động đoàn viên, thanh niên đi đầu, ủng hộ Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam; tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội “Tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện”, “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng” “Bát cháo tình thương”, “Nồi cơm nghĩa tình”, “Nồi cháo tình nguyện”, “Đồng hành cùng nỗi đau da cam”, “Mùa xuân cho em”, “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”, triển lãm “Da cam- Lương tri và Công lý”, xây dựng nhà nhân ái, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, mở lớp dạy nghề, tiếp sức cho em đến trường....;
Đã tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho nạn nhân da cam tại các Làng Hòa Bình (Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam), Trung tâm nuôi dưỡng người có công với cách mạng. Phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các địa phương tổ chức các hoạt động gây quỹ, thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân và thân nhân nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Sau 3 năm thực hiện chương trình phối hợp (2018 – 2021), các cấp bộ Đoàn đã phối hợp, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin: Tặng trên 54.500 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn với trị giá trên 15,2 tỷ đồng. Đặc biệt, đoàn công tác của đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đến thăm Cung thiếu nhi Đà Nẵng và 160 suất quà cho các em thiếu nhi đang sinh hoạt tại Cung, các em là nạn nhân chất độc da cam của thành phố, các em tại Làng SOS Đà Nẵng, tổng trị giá của hoạt động là gần 3,2 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới, sửa chữa 170 ngôi nhà trị giá 4,5 tỷ đồng; Tặng học 1.350 suất bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nhiễm chất độc da cam, trị giá 1,1 tỷ đồng; Vận động, chăm sóc, giúp đỡ gần 800 lượt nạn nhân chất độc da cam, trị giá gần 1 tỷ đồng; Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 4,9 triệu lượt người; các hoạt động an sinh xã hội khác dành cho các nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật như: tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ, trợ cấp khó khăn, tặng bò, hỗ trợ sản xuất cho các hộ gia đình, tặng xe lăn, sổ tiết kiệm, tặng bồn chứa nước phục vụ trữ nước mùa khô..., trị giá trên 5 tỷ đồng; Tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 1.200 người
Có thể khẳng định, tuổi trẻ Việt Nam đã có rất nhiều phong trào, hành động thiết thực để xoa dịu nỗi đau da cam. Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Hội trong cả nước sẽ tiếp tục có những hành động, việc làm thiết thực, bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương lan tỏa đối với các gia đình, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam.
CTG