Koor Thị Nghệ là người đã biến giấc mơ của Kép và bà con Cơ Tu ở xã Gari (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) thành hiện thực. Cô gái Cơ Tu 30 tuổi dám nghĩ, dám làm đã khởi nghiệp… cho cả làng.
Koor Thị Nghệ, cô gái Cơ Tu mạnh dạn tìm đường đưa nông sản vùng cao xuống phố để cả làng cùng khởi nghiệp. Ảnh: Thanh Trần |
Rau củ không ai ngó có thương hiệu
Nghệ là người “có chữ”, như lời bà con nói, vì đã học xong Trung cấp sư phạm Tiểu học. Nhưng về quê không có việc làm, Nghệ mở quán bán tạp hóa nhỏ. Mỗi chuyến đi lấy hàng, thấy người dân ở trung tâm huyện, ở thành phố thích nông sản trên bản làng, Nghệ đau đáu không biết làm sao để đưa rau củ ra bán giúp bà con. “Mùa nào nương rẫy cũng tốt tươi cả nhưng vì ở trong thôn cách trở, đường sá xa xôi, chẳng ai gùi nổi ra ngoài để bán. Mình thấy ngoài kia người ta cần rau sạch, nếu có cách thì chắc chắn sẽ bán được, bà con lại có thêm tiền”, Nghệ nói. Trong một lần gặp gỡ đoàn từ thiện lên thôn, được họ tư vấn trước tiên phải để người ta biết đến nông sản của vùng, có tiếng, mới tiến vào thị trường được.
Thanh niên Cơ Tu đã biết giới thiệu, quảng bá sản phẩm, buôn bán với đông đảo khách hàng. Ảnh: Thanh Trần |
Vậy là Nghệ tìm tòi, hỏi han khắp nơi, đến đầu năm nay xuống huyện đăng ký thành lập Hợp tác xã Sinh thái nông nghiệp Rừng xanh rau sạch thôn A Ting (HTX), do cô làm giám đốc với hàng chục thành viên. Bà con duy trì cách trồng truyền thống lâu nay để đảm bảo rau củ luôn sạch lành, nghĩa là không phân bón, thuốc trừ sâu. HTX đã đón nhiều đoàn cán bộ, các doanh nghiệp chuyên thực phẩm sạch lên thăm cách trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch của bà con. “Họ cầm đất khen đất tốt, cầm quả dưa ăn không cần rửa, ai cũng hài lòng cả”, Nghệ nhớ lại.
Rau củ của bà con đã được gắn đúng thương hiệu nông sản sạch, Nghệ lại cắm đầu tìm đường tiêu thụ. Cô gái Cơ Tu dò dẫm, nhờ vả khắp nơi, cuối cùng được một suất vào Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây tại Đà Nẵng đầu tháng 8/2022. Chuyến “mở hàng” đầy cơ hội mà cũng lắm thách thức bởi ở đó có hơn 400 gian hàng của các doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài nước. Các sản phẩm bày bán đều xuất sắc. Nghệ về thôn, cùng bà con chuẩn bị hàng hóa. Từng mớ tiêu, bắp, đậu, gùi măng, buồng chuối…trên nương rẫy chất lên xe, chạy thẳng xuống phố. Năm ngày “đem chuông đi đánh xứ người”, HTX bán sạch hơn hai tấn nông sản. Nhiều loại đặc trưng như dứa mật, măng nứa cháy hàng.
Trận đầu thắng lớn, cả làng vỡ òa sung sướng. Mười ngày sau, Nghệ cùng bà con lần nữa xuống Đà Nẵng tham gia Hội chợ nông nghiệp huyện Hòa Vang. Lần này chỉ hơn hai ngày, hai tấn nông sản sạch cũng hết sạch. “Rất nhiều người là khách quen, mua hàng ở hội chợ trước, giờ gặp lại là mua không đắn đo. Họ còn giới thiệu cho người thân tới mua vì đồ miền núi ăn ngon, sạch, an toàn. Mình mừng không tả nổi vì nông sản của bà con đã được đón nhận rồi”, đôi mắt cô gái Cơ Tu ánh lên niềm hạnh phúc. Ngoài bán ở hội chợ, Nghệ cũng kết nối với các đầu mối khác để thu mua nông sản cho bà con.
Sinh kế và bài học khởi nghiệp
Nếp, tiêu rừng, chuối, dưa… hút khách miền xuôi. Ảnh: Thanh Trần |
Ríah Thị Kép cho biết trước nay ở thôn chả ai thu được đồng nào từ quả bí mớ rau. Vậy mà giờ cầm được tiền chục, tiền trăm, rồi tiền triệu…quá lớn lao với bà con vùng cao. Như nhà Kép, đợt này bán được mấy chục ký ngô, vậy là cả nhà có thêm bữa cơm ngon, manh áo ấm. Sướng ở chỗ, không phải mòn mỏi chờ đợi xem có người nào vào bản không để nài nỉ.
HTX hiện đang trồng 2 ha cam bản địa, 1 ha táo mèo cùng rất nhiều rau củ quả khác trên những quả đồi, nương rẫy. Sắp tới đây sẽ trồng thêm dứa mật, mía, chuối…những mặt hàng được người dân miền xuôi ưa chuộng. Bà con từ đây đã có sinh kế, có thu nhập, có động lực để lao động. Điều Nghệ mong muốn còn hơn thế nữa, là sau này cả thôn làng ai cũng có thể bán buôn, khởi nghiệp. Mỗi lần hội chợ, Nghệ kéo theo cả chục thanh niên đi cùng để học hỏi. Ríah Niêu, gần 30 tuổi, nhưng số lần ra khỏi xã chắc đếm trên đầu ngón tay. Niêu thật thà lần đầu vào hội chợ bán hàng, nhìn đâu cũng thấy…ngợp nên cứ đứng im như cây khô. “Nhờ chị Nghệ bày vẽ, cho mình cơ hội được thực hành nữa nên mình dạn hơn. Giờ thì mình tự tin tự bày biện gian hàng, đón khách, giới thiệu và bán hàng”, Niêu khoe. Những thanh niên khác như Niêu sau mấy ngày học hỏi và cọ xát cũng đã thành thạo việc giao tiếp, bán hàng.
Tháng 10 tới đây, HTX Rừng xanh rau sạch tiếp tục có mặt tại Đà Nẵng để tham gia hội chợ. Những trai thôn gái bản sẽ có thêm cơ hội tiếp xúc với thị trường rộng lớn. Họ đặt được những bước chân lên con đường khởi nghiệp của cả làng và có thể cho chính mình về sau.
Nghệ hào hứng kể thêm, cứ mỗi lần kết thúc hội chợ, HTX lại đón đoàn của các doanh nghiệp thực phẩm lên khảo sát, tham quan. “Nghệ có niềm tin vào những gì mình và bà con đang làm. Nghệ đã vay mấy trăm triệu đồng mua máy sấy nông sản. Nghệ sẽ từng bước làm sản phẩm vùng cao chất lượng hơn, giá trị hơn để bà con sớm thoát khỏi cảnh khó nghèo”, Nghệ trải lòng.
Ông Tăng Ngọc Duẩn, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Tây Giang đánh giá Koor Thị Nghệ đang đi đúng hướng vì vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa đánh trúng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường. “Nghệ còn kết nối với một vài hợp tác xã, doanh nghiệp ở Đà Nẵng để đưa rau củ vùng cao xuống phố. Huyện đang nghiên cứu để hỗ trợ cho HTX về nhãn hàng, quảng bá sản phẩm…”, ông nói.
Từ thôn A Ting, xã Ga Ri về Đà Nẵng gần 200km. Để tiết kiệm, mọi người chạy xe máy, nông sản được một nhà hảo tâm chở giúp xuống. Nghệ nhẩm tính nếu thuê vận chuyển mỗi chuyến vậy mất năm bảy triệu đồng, số tiền không hề nhỏ. “Nghệ mong muốn HTX được hỗ trợ việc vận chuyển hoặc một chiếc xe, cà tàng cũng chẳng sao, miễn chở được nông sản. Có vậy mới giảm bớt chi phí, có thêm ít tiền dôi dư cho bà con”, Nghệ mạnh dạn đề xuất. |
Theo TP