Theo TS Kinh tế Trịnh Tiến Dũng – Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam: “Nên hết sức thận trọng và nói chung không nên đưa thêm gói kích thích kinh tế tiếp với nội dung và bản chất như gói kích thích kinh tế lần 1 (gói 1)”.
Đánh giá về kết quả và tác động của gói kích thích kinh tế vừa qua của Chính phủ, TS kinh tế Trịnh Tiến Dũng nhận định: “Có thể nói là gói kích thích kinh tế đã phát huy tác dụng như một liều “thuốc đắng dã tật” giúp nước ta vượt qua được tâm xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế…Gói kích thích kinh tế này đã đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và về cơ bản đảm bảo được an sinh xã hội”. Tuy nhiên, bàn về việc có cần thêm một gói kích thích kinh tế thứ 2, ông cho rằng "không nên" bởi “bên cạnh những cái được như đã nêu trên thì có thể nói gói kích thích kinh tế thứ nhất đã để lại những di chứng không nhỏ ngoài mong muốn”. Ông đưa ra 4 hệ lụy từ gói kích thích kinh tế thứ nhất đó là: Sự thiếu công bằng, dẫn chứng mà ông đưa ra chính là mức hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Đây là mức hỗ trợ khá lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, thuộc nhiều lĩnh vực, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này. Ví dụ như số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20%, điều này gây ra sự thiếu bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp, giảm đi phần nào ý nghĩa kích cầu. Tăng rủi ro bất ổn vĩ mô: “Nợ Chính phủ đang tăng mạnh. Năm ngoái (2008), nợ Chính phủ khoảng 36,5% GDP, năm nay ước lên đến 40% GDP, năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP…” – ông cho biết. Ngoài ra hiệu quả sản xuất kinh doanh bị bóp méo do lãi suất ưu đãi và các biện pháp tài chính ưu đãi khác. Bên cạnh đó còn có một số hạn chế khác như hàng hóa làm ra bị ứ đọng, chưa có thị trường tiêu thụ.
PGS. TS Đặng Văn Thanh – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng cho rằng, để tiếp tục ngăn chặn đà suy giảm kinh tế sau hàng loạt các giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra thì thời điểm này, không nên có gói kích cầu kinh tế thứ 2 bởi gói 1 đã và đang hoàn thành nhiệm vụ giải cứu, cần những giải pháp cơ bản hơn về chính sách đầu tư phát triển, chính sách tiền tệ ứng dụng, chính sách thuế và bảo đảm an sinh xã hội. Hơn thế nữa, nếu tiếp tục gói kích cầu thứ 2 thì sẽ gặp một số hệ lụy như: về cơ chế lãi suất sẽ trùng lắp đối tượng cũng như thủ tục, khó kiểm soát việc sử dụng và chuyển dịch vốn vay đồng thời tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng, nguy cơ lạm phát và nợ xấu ngân hàng, gây bất bình đẳng và triệt tiêu động lực cạnh tranh. Ngoài ra nếu tiếp tục gói kích cầu số 2 sẽ làm giảm thu và tăng bội chi cũng như sức ép lên ngân hàng nhà nước…
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận xét, gói kích cầu thứ nhất của Chính phủ đưa ra thiếu thông tin sâu và cụ thể làm cho Quốc hội không giám sát được, xã hội lại mù mờ trong gói kích cầu nên hiệu quả thấp, do đó bà cho rằng không nên tiếp tục gói kích cầu thứ 2 mà nên chuyển sang gói trung và dài hạn.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ cuối năm 2007 đã lan nhanh và ảnh hưởng sâu rộng, hiện đang trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, làm cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của nhân dân. Trước những tác động tiêu cực này, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời chủ động thực hiện những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội như: - Hỗ trợ người nghèo ăn Tết (trên 3.800 tỷ đồng); - Miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009; - Giảm, giãn, hoãn thuế cho các DN (28.000 tỷ đồng); - Bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ (20.000 tỷ đồng) - Bù lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn SXKD (17.000 tỷ đồng) - Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 333/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh cho các khoản vay ngắn hạn phát sinh trong khoảng thời gian từ 01/02/2009 đến 31/12/2009, thời hạn hỗ trợ tối đa là 8 tháng. - ... |