Quê Long An, anh Nguyễn Hồng Phú (39 tuổi) và chị Phạm Thị Hồng Cẩm (35 tuổi) cùng người mẹ già dắt díu nhau lên ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - TPHCM sinh sống.
Giận mẹ bỏ con
Anh Phú làm thợ hồ, chị Cẩm buôn bán. Họ cần cù làm ăn nhưng không thể đổi đời. Trong cuộc sống thiếu thốn, cơ cực nơi đô hội, một ngày cuối năm 2009, chị Cẩm bỏ đi, để lại số nợ hơn 250 triệu đồng. Cháu Nguyễn Thị Như Quỳnh, con gái lớn của anh Phú, đang học lớp 9 đã rất buồn lòng. Trong bài văn của mình, em kể về mẹ: “Em rất giận người đã sinh ra mình!”. Cô giáo dạy văn đã tìm hiểu và dành nhiều thời gian để chia sẻ, uốn nắn lại suy nghĩ và gột bỏ những lời nói không phải đó. Dù hiểu ra nhưng mỗi khi nhắc đến mẹ, đôi mắt Quỳnh luôn đầy nước mắt.
|
Mẹ anh Phú đã 65 tuổi nhưng vẫn ráng đi nấu ăn thuê, phụ anh nuôi con. Bà nội và ba đi làm đến chiều tối nên mỗi khi đi học về, Quỳnh phải vào bếp nấu cơm. Hai chị em đã tự chăm sóc nhau trong căn nhà thiếu vắng bàn tay người mẹ. Anh Phú chia sẻ: “Vợ tôi đi để lại cho tôi món nợ quá lớn. Hằng tuần, người ta đến lấy tiền góp 200.000 đồng và phải trả đúng, trả đủ ngần ấy…”. Mặt buồn rười rượi, Quỳnh tiếp lời kể: “Mỗi lần người ta đến lấy tiền, nhằm lúc ba em chưa có tiền, em năn nỉ, họ chửi em thậm tệ, rồi còn bảo em sẽ hư hỏng như mẹ bỏ chồng theo trai…”. Vì thế, Quỳnh dặn lòng, để không bị người ta coi khinh nữa: “Em sẽ ráng học và sống tốt để mọi người thấy em không hư hỏng”.
Tôi tự hỏi sao người mẹ này lại có thể bỏ rơi hai đứa con ngoan như vậy?
Hờn cha bỏ rơi
Ở khối lớp 10 ở một trường THPT tại huyện Bình Chánh, thầy cô thường khen em Trần Quốc Bảo Anh dù nhà nghèo, quần áo ngả màu nhưng em rất lanh lợi, học giỏi và hay xung phong trả lời, giải bài tập trên bảng. Ba bỏ rơi hai mẹ con từ lúc em chưa ra đời. Em sống trong sự thương yêu, đùm bọc của người cậu ruột nghèo khó vì mẹ phải đi làm thuê, lâu lâu mới ghé thăm con. Về các khoản tiền đóng trong lớp, em vô tư kể: “Mẹ thỉnh thoảng cho em vài ngàn đồng. Khi cần tiền, em lấy đồ cũ, giấy báo, lượm lặt loanh quanh kiếm đồ ve chai bán lấy tiền đóng cho trường lớp”.
Dưới mái tôn mục, căn nhà mà cậu cháu Bảo Anh ở nóng kinh hồn. Bảo Anh tâm sự: “Nhiều lúc em phải ra đồng, tìm bụi cây nào có bóng mát ngồi học bài. Trong nhà, không có chỗ học, em chọn chỗ bằng phẳng kê tập vở rồi ngồi dưới đất làm bài”. Khi đi học về, Bảo Anh chạy ngay vào bếp chẻ củi, nấu cơm chờ cậu đi làm về cùng ăn. Nhà em ở giữa đồng, ít người lui tới mà bạn bè cũng thương nên gần như chẳng bị nhạo báng về hoàn cảnh của Bảo Anh. Thật ra, lúc cha mới bỏ đi, Bảo Anh cũng buồn lắm, trong lòng có lúc còn hờn cha nhưng giờ dần quen với hoàn cảnh. Để thích nghi với hoàn cảnh của mình, em không dám mơ ước nhiều mà chỉ quyết tâm: “Sẽ cố học để tốt nghiệp lớp 12 rồi đi học nghề bởi nếu có đậu vào đại học, cậu em cũng không thể lo cho em ăn học”.
Nhìn em lúi húi nấu cơm, tôi tự hỏi, nếu ba Bảo Anh biết ông có cậu con trai ngoan thế này, liệu có bỏ em ra đi?
Cùng cảnh ngộ như Bảo Anh, em Lê Thị Như Thủy, học lớp 12 ở huyện Bình Chánh, cũng bị ba bỏ từ nhỏ, khai sinh của em phải lấy theo họ mẹ. Công việc thường ngày của mẹ em là nhổ cỏ thuê với tiền công 55.000 đồng/ngày nhưng có khi cả tuần lễ chẳng có việc… nên cảnh nhà rất thiếu thốn. Tuy thế, Thủy đã đạt học sinh giỏi nhiều năm liền và chưa hề than thở với mọi người về gia cảnh của mình.
Dựa vào chính mình
Dù nghèo khó nhưng các em vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh và học tập tốt. Hơn ai hết, các em biết rằng trong hoàn cảnh của mình, các em chỉ có hy vọng từ chính sức học và sự cố gắng của bản thân. Các em đang từng ngày vượt qua những thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm… để tìm một chỗ đứng trong cuộc đời.
Theo NLĐ