Hành động vì môi trường
Chị Phạm Thị Sáu, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Lộc Phước 2 cho biết, phong trào “Thu gom, phân loại rác thải” đã được triển khai trong chi hội từ lâu với mục đích bán tạo quỹ để thực hiện an sinh xã hội. Hàng tuần, vào sáng Chủ nhật chị Phạm Thị Sáu cùng chị em trong Chi hội lại đẩy xe thu gom rác dọc các tuyến đường, kiệt, hẻm thu gom các loại giấy, vỏ lon, chai nhựa... từ các hộ gia đình rồi bán phế liệu. Nhìn có vẻ ít ỏi nhưng số tiền bán được từ lượng rác sau khi phân loại lên đến hàng triệu đồng. Số tiền thu được từ bán rác tái chế sẽ dùng để làm quỹ từ thiện giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn trong Chi hội. Đặc biệt, Chi hội hiện đang nhận hỗ trợ thường xuyên trong 5 năm cho 1 gia đình có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng.
Chính sự nhiệt tình, “mưa dầm thấm lâu” như vậy mà đến nay, việc phân loại rác tại nguồn đã trở thành nếp, thành thói quen của mọi người, mọi nhà ở đây. “Chị em chúng tôi chiếm trên 50% dân số, lại trực tiếp giải quyết các công việc hằng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường như dọn dẹp, nấu nướng và chăm sóc nhà cửa do đó thường chịu trách nhiệm phân loại và xử lý rác thải. Để thu hút hội viên và từng bước thay đổi nhận thức của chị em trong công tác bảo vệ môi trường, điều quan trọng là người đứng đầu chi hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tích cực trong nhận thức và hành động để thu hút chị em noi theo”, chị Sáu chia sẻ.
Là một Chi hội trưởng phụ nữ tâm huyết và thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhân đạo, chị Sáu trăn trở, suy nghĩ “phải làm cái gì đó” vừa mang ý nghĩa thiết thực, lan toả hơn lại có thể khơi gợi ý thức sống xanh, bảo vệ môi trường khu phố của mình. Thế là mô hình “Phân loại rác thải tạo gian hàng 0 đồng” ra đời và hoạt động từ tháng 9/2022 đến nay. Hàng tuần, cứ vào mỗi Chủ nhật, “Gian hàng 0 đồng” cho người nghèo được diễn ra và đã trao tặng hàng trăm suất quà đến với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Mang yêu thương đến người nghèo
Quả thực, từ khi “Gian hàng 0 đồng” diễn ra đã tạo nên sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực hơn của mỗi hộ dân. Thông qua các mô hình, không chỉ vòng đời tài nguyên rác lại tiếp tục tái sinh mà có thêm nguồn quỹ để thực hiện hoạt động an sinh xã hội. Bên cạnh số tiền từ bán rác thải sau phân loại, hoạt động của Chi hội nhận còn được sự hỗ trợ nhiều từ các mạnh thường quân để duy trì phiên chợ yêu thương này.
Đến với gian hàng này, người nghèo, người già neo đơn, người bán vé số, xe ôm… sẽ được “mua” được một sản phẩm tương ứng với mỗi mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, đường sữa mắm, muối, mỳ chính, dầu ăn… Giá trị của các mặt hàng không lớn nhưng những người đến phiên chợ này đều cảm thấy vui và ấm áp. Đặc biệt, Chi hội sẽ chọn 10 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trao tăng suất quà trị giá 200.000 đồng.
Ngoài ra, còn có rác thải quần áo cũ, bàn ủi, máy sấy tóc cũ…. để giảm phát thải ra môi trường. Theo đó, Chi hội sẽ phân loại, giặt ủi quần áo cũ thu gom được rồi giặt ủi cẩn thận mang đến "Gian hàng 0 đồng" với phương châm “ai cần đến lấy, ai dư đến cho”.
Chị Lê Thị Thành, hội viên Chi hội phụ nữ Lộc Phước 2 chia sẻ: Mỗi người khi phân loại rác đã không chỉ chung tay với xã hội giảm ô nhiễm môi trường mà còn đang tạo ra những giá trị mới, lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng nên chúng tôi rất vui. “Bây giờ, nhiều khi các chị chưa đến thu gom kịp, gia đình tôi đã chủ động gọi điện thoại rồi. Không một ai từ chối việc thiện nguyện ý nghĩa này.”, chị Thành cho biết.
“Chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tiếp tục duy trì thực hiện mô hình của Chi hội, nhân rộng hơn “Gian hàng 0 đồng” nhằm tạo một nơi lui đến ý nghĩa cho những người dân khó khăn không chỉ ở khu phố mà có thể rộng hơn. Không chỉ lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến với mọi người mà còn có ý nghĩa môi trường trong khu dân cư, giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng.”, chị Sáu chia sẻ.
Theo Báo TNMT