Giao lưu nhân vật được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

(CTG) 4/20 cá nhân được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 sẽ giao lưu trực tuyến với độc giả Thanh Niên Online.

      
Chương trình giao lưu trực tuyến này chính thức diễn ra lúc 9 giờ sáng mai 12.3, tại các điểm cầu TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

4 nhân vật được đề cử sẽ giao lưu với độc giả Thanh Niên Online là đại diện tiêu biểu trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất và kinh doanh, công tác xã hội, thể dục thể thao.

Đại diện cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học là tiến sĩ Trương Quốc Phong, 36 tuổi, trưởng phòng thí nghiệm Proteomics, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.



Lễ trao giải "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2013 - Ảnh: Ngọc Thắng


Năm 2014, Trương Quốc Phong giành giải thưởng  Quả cầu Vàng về thành tích, đóng góp trong nghiên cứu khoa học. Phong là tác giả, đồng tác giả của 25 bài báo khoa học, trong đó có 12 được công trình đăng trên các tạp chí hoặc kỷ yếu hội nghị quốc tế.

Ngoài ra, Phong là chủ nhiệm của nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, Nhà nước. Nổi bật trong số này là đề tài nghiên cứu quy trình Công nghệ tạo chế phẩm CoQ10 từ Agrobacterium tumefaciens tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng, triển khai từ tháng 7.2014, với mục đích tiến hành cải biến chủng vi khuẩn để tăng khả năng tổng hợp CoQ10 (1 hoạt chất chống oxy hóa mạnh, thành phần cần thiết cho cơ thể, ứng dụng làm thuốc chữa bệnh ung thư, tim mạch... làm thực phẩm chức năng và bổ sung vào mỹ phẩm).

Còn ở công trình "Nghiên cứu tạo bộ sinh phẩm dạng que thử phát hiện nhanh virus rota gây tiêu chảy ở trẻ em" của Phong đã giúp chủ động được nguồn sinh phẩm, phù hợp với loại virus lưu hành tại Việt Nam và giảm giá thành xét nghiệm.

Trên lĩnh vực lao động sản xuất và kinh doanh, đại diện tiêu biểu là ngư dân trẻ Lê Văn Sang. Năm nay 30 tuổi, Sang quản lý đội tàu đánh bắt, hậu cần hùng hậu tại Đà Nẵng. Hiện tại, Sang là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu vỏ thép Sang Fish. Con tàu được trang bị đầy đủ thiết bị hàng hải hiện đại như máy tầm ngư, hệ thống ra đa, máy định vị, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, thiết bị cứu hỏa, y tế.

Ngoài ra, tàu còn có thể làm tàu dịch vụ hậu cần, bảo quản được gần 200 tấn hải sản đảm bảo chất lượng.

Cùng liên kết với các ngư dân địa phương, Sang còn là tổ trưởng tổ dịch vụ hậu cần nghề cá Vùng khơi số 1 thành phố Đà Nẵng với 5 tàu công suất gần 4.000 CV, vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa bám ngư trường truyền thống bảo vệ chủ quyền biển đảo. Qua thống kê hàng tháng, đội tàu này cung ứng cho thị trường từ 400 - 500 tấn hải sản tươi các loại. Mô hình sản xuất của Sang đang góp phần giải quyết việc làm cho 60 lao động có thu nhập bình quân từ 4 - 8 triệu đồng/tháng.

Năm 2014, Lê Văn Sang được Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen vì có thành tích tham gia gìn giữ chủ quyền, bằng khen "Chất lượng vàng Thuỷ sản Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tặng. Đặc biệt, trong năm 2014, Lê Văn Sang giành giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên làm kinh tế, sản xuất lao động giỏi.

Đại diện tiêu biểu ở lĩnh vực thể dục thể thao là Thạch Kim Tuấn, 21 tuổi, vận động viên cử tạ sở hữu nhiều thành tích cao trong các kỳ thi đấu quốc tế. Lần đầu lên ngôi tại giải trẻ thế giới tổ chức tại Kazan, Nga tháng 6 năm 2014, Tuấn lần lượt giành 3 huy chương vàng ở nội dung cử giật (133 kg), cử đẩy (160 kg) và tổng cử (293 kg). Với thành tích này, Kim Tuấn bỏ xa người đứng thứ 2 là Kruaithong Sinphet (Thái Lan) đến 38 kg và được Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) bình chọn là vận động viên trẻ xuất sắc nhất.



Thạch Kim Tuấn tại giải cử tạ vô địch thế giới ở Kazakhstan - Ảnh: IWF


Còn tại Á vận Hội 2014 tổ chức ở Incheon (Hàn Quốc), Tuấn đạt thành tích cử giật 134 kg, phá kỷ lục Asian Games ở nội dung này, cử đẩy 160 kg, tổng cử 294 kg và giành huy chương bạc. Chuỗi thành tích tiếp tục nối dài khi đến tháng 11.2014, Thạch Kim Tuấn lần đầu lên ngôi vô địch ở nội dung cử giật với thành tích 135 kg, phá kỷ lục ASIAD mà anh lập trước đó.

Qua thống kê, đến nay, Tuấn đã có 11 kỷ lục mới: 3 kỷ lục quốc gia, 3 kỷ lục trẻ quốc gia, 2 kỷ lục trẻ thế giới, 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục trẻ châu Á.



Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - Ảnh: Ban tổ chức giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu cung cấp.


Trong lĩnh vực công tác xã hội, đại diện tiêu biểu là tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, 31 tuổi, giảng viên Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Hải là tác giả công trình nghiên cứu sáng chế kính điện tử có “mắt thần” hỗ trợ người khiếm thị và tàn tật có thể di chuyển dễ dàng, thuận lợi.

Đến nay, sản phẩm này đã có 9 phiên bản và có trên 240 kính mắt thần được tặng miễn phí hỗ trợ người khiếm thị, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài việc tham gia các hoạt động từ thiện xã hội dành cho người tàn tật, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải còn là người sáng lập khóa học... 1 đô la, nổi tiếng về nhận diện đam mê sáng tạo, lập trình máy tính và robot; sáng chế tái tạo cảm giác lái trong ô tô nhờ việc đo dòng điện trực tiếp có giá thành thấp.

Năm 2012, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải được bình chọn là công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM. 



Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn Thanh Niên Online - Ảnh: Thanh Hải



Anh Việt Hưng - Tổng thư ký tòa soạn Thanh Niên Online (bìa trái) tặng hoa cho khách mời tham gia tư vấn trực tuyến - Ảnh: Thanh Hải


Bắt đầu buổi giao lưu:

* Tôi nhận thấy, nhà khoa học trẻ Việt Nam có kiến thức, trình độ chuyên môn tốt. Bằng chứng là nhiều công trình giành giải thưởng quốc tế. Nhưng trong nước thì không áp dụng được. Phải chăng nhà khoa trẻ Việt Nam đang còn thiếu những kỹ năng tìm kiếm nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư và sản phẩm của mình?
Lê Thành Ủy, 35 tuổi, Vĩnh Phúc

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Cũng giống như mọi công việc khác thôi, chúng ta cần chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm trong công việc. Chúng ta cần chủ động đặt ra nhiệm vụ và chủ động tìm cách giải quyết nó.

* Tôi có cảm nhận, ngay ở trong nước các nhà khoa học trẻ còn thiếu sự liên kết, chia sẻ và đoàn kết trong thực hiện các công trình nghiên cứu. Còn trên thế giới, các nhà khoa học cũng ít có sự trao đổi với giới khoa học trẻ nước ngoài. Điều này khiến các nhà khoa học trẻ chỉ mạnh về thương hiệu cá nhân chứ chưa tạo được thương hiệu chung cho cộng đồng nhà khoa học trẻ Việt Nam. Quan điểm của anh Phong trong vấn đề này cụ thể ra sao, mong được anh chia sẻ? Bùi Kiến Hưng, Hà Nội

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Nghiên cứu khoa học cần phải có sự phối hợp không chỉ giữa các nhóm nghiên cứu trong nước, mà cần phải mở rộng phối hợp với các nhóm nghiên cứu ở nước ngoài. Đúng như bạn nói, hiện nay sự phối hợp này còn hạn chế. Do đó có sự ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển khoa học của chúng ta. Tuy nhiên, theo tôi sự phối hợp ở đây nên nhìn nhận ở khía cạnh khác, không phải là sự phối hợp để giúp thực hiện vấn đề mà mình không làm được. Chúng ta cần đặt ra một vấn đề nghiên cứu lớn với một mục tiêu chung. Mỗi nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện giải quyết một khía cạnh, tổng hợp lại, sẽ giải quyết được một vấn đề lớn. Với các bạn trẻ, phần lớn là học ở nước ngoài và đã có những mối quan hệ nhất định, nên nếu thực hiện như vậy chúng ta sẽ có sự phối hợp rộng hơn chứ không chỉ dừng lại ở sự phối hợp đơn lẻ giữa các nhóm. Và như vậy, thế giới sẽ biết chúng ta.

* Người ta nói sau lưng người đàn ông thành công là có người phụ nữ, vậy xin hỏi anh Hải đã có gia dình chưa? Minh Tiến, 25 tuổi Nha Trang

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Tiến Xin cho phép Hải để gia đình là một góc riêng bình yên nhé! Chúc bạn nhiều niềm vui! Cảm ơn bạn! 

* Bí quyết thành công của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải là gì ? Anh có suy nghĩ gì về thành công đó của mình đối với xã hội? Minh Nga 25 tuổi TP.HCM

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Nga, Hải không có bí quyết gì, nhưng mình nghĩ: Tâm sáng sẽ cân bằng tất cả. Chúng ta có thể thiếu mọi thứ khác, nhưng nếu có tâm, mọi thứ sẽ cân bằng, nhưng nếu không có “tâm", mọi vun vén đều sẽ bị lệch. Chúc Minh Nga ngày tốt lành.

* Bạn Hải có thường xuyên sử dụng mạng xã hội không? Bạn có thể cho mình địa chỉ Facebook để làm quen không? Quốc Phong, 23 tuổi Long An

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Quốc Phong, bạn có thể vào trang Facebook lớp học của mình có tên là: " Lớp học sáng tạo cùng TS. Nguyễn Bá Hải" để liên lạc với những hoạt động của mình. Các bạn sinh viên và mình sẽ chia sẻ thêm. Các anh chị muốn đồng hành cùng chương trình Mắt thần - kính điện tử cho người khiếm thị thì chúng ta có thể vào Facebook: Mắt thần cho người khiếm thị. Thân mến!

* Năm nay em dự định thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Anh Hải có thể tư vấn cho em ngành nào của trường sau này dễ xin việc nhất được không? Anh thấy chương trình học của trường có ưu nhược điểm gì? Thanh Nhân 18 tuổi, Bình Dương

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Thanh Nhân, Anh nghĩ ngành nào cũng được nhưng cần giỏi. Chúng ta cần là những người thực sự có kiến thức thì em yên tâm về công việc và lương bổng nhé. Hãy cố gắng học tốt, học thực em nhé! Về chương trình học của ĐH Sư phạm Kỹ thuật, thì là một trong 10 trường kiểm định đầu tiên của cả nước, nhà trường có nhiều không gian nghiên cứu tốt và có rất nhiều giáo viên tâm huyết, khuôn viên trường được xếp vào một trong những trường đẹp nhất tại Việt Nam hiện nay. Thời gian cùng không còn nhiều, nếu các em có khó khăn cần tư vấn liên hệ anh tư vấn thêm nhé. bahai.ce@gmail.com Chúc em thi đậu năm nay! Thân mến

* Xin hỏi anh Hải hiện nay, sản phẩm này đã có 9 phiên bản và có trên 240 kính mắt thần được tặng miễn phí hỗ trợ người khiếm thị, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, vậy anh có suy nghĩ gì về vấn đề này? Cảm ơn anh. Minh Trí 22 tuổi Đà Nẵng

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Trí,  Anh xin đính chính lại, đến hôm nay chúng ta đã có khoảng 400 mắt kính điện tử (gọi là Mắt thần 2) đã trao (hầu hết là tặng) đến tay người khiếm thị. Anh nghĩ để làm được việc này, bản thân anh và những người khiếm thị thực sự không thể dám nghĩ tới. Để duy trì hoạt động này có nhiều người dân đã gặp anh (từ khi anh còn nghiên cứu Mắt thần tại nhà trọ) để trao cho anh những đồng tiền mà các cô bán gạo ở chợ Thủ Đức, Bình Dương làm ra, những tình cảm đó đã hun đúc cho anh một tinh thần "phải làm ra bằng được" để giúp người mù, những hình ảnh các em bé còn rất nhỏ ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu, những cô/chú bị mù. Anh xin lỗi phải dùng từ mù để phân biệt rõ với "khiếm thị" đã ùa về mỗi khi anh chợp mắt hằng đêm, rồi những doanh nhân như chú Toàn (Việt kiều Úc), chú Quí, cô Hiền (Kiến Vương), Anh Tài (Thiên Niên Kỹ), anh Luận (Futa) ngôi trường ĐH SPKT TP.HCM (đặc biệt là sự động viên, tạo điều kiện của thầy Đỗ Văn Dũng, anh Lê Hiếu Giang), Giáo sư Vương Thanh Sơn, GS. John Rome (ASU), GS. Markku (Phần Lan) và rất rất nhiều người khác đã giúp anh làm ra những chiếc kính tặng cho người mù. Đặc biệt, công ty Kiến Vương sẽ tặng 500 chiếc kính và công ty Phương Trang sẽ tặng 1000 mắt kính điện tử trong năm nay. Ngoài ra, rất may mắn, anh có một ê kíp là các thành viên trong nhóm nghiên cứu luôn cùng anh dấn thân cho khoa học để biến những ý tưởng thành hiện thực. Cuối cùng phải kể đến các anh chị em trong Đoàn thanh niên từ TW đến địa phương, Trung tâm tình nguyện quốc gia, trung tâm CTXH Thanh niên TP.HCM. Tất cả hòa quyện ra một câu chuyện "Trao tặng Mắt thần - kính điện tử cho người khiếm thị" hết sức nhân văn và ấm áp này! Xin cho Hải tri ân đến mọi người, tổ chức đã đồng hành cùng Hải!

* Xin hỏi nếu năm nay Nguyễn Bá Hải nhận được danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu của năm thì Hải sẽ có cảm nghĩ gì về việc này. Minh Hải 24 tuổi, Vĩnh Long

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Hải, anh nghĩ nếu được chọn vào 10 gương mặt trẻ Việt Nam năm nay thì anh phải phấn đấu làm nhiều hơn (so với tốc độ hiện nay) các công trình khoa học ý nghĩa hơn cho bà con và người dân mình, đặc biệt là đối tượng yếu thế hay người trẻ cần quan tâm trong xã hội như khuyết tật, bán hàng rong, thanh niên... Anh phải dạy ra nhiều học trò giỏi hơn, đặc biệt là lớp học 1 đô la cần được chăm sóc và cải tiến thêm nhiều để cho ra lò nhiều công dân sáng tạo, nhiệt huyết, có tấm lòng bác ái. Sự phấn đấu này anh xem như lòng tri ân sâu sắc của anh với bà con, với các em, thầy cô, gia đình và với xã hội đã trân quý, tạo điều kiện và dành tình cảm và đặt niềm tin nơi anh. Cảm ơn em.

* Chào anh Nguyễn Bá Hải, em rất hâm mộ thành tích học tập của anh. Năm nay em chuẩn bị thi ĐH nên em rất lo. Anh có thể cho em chút kinh nghiệm để vào trường thi làm bài tốt được không ạ? Thanh Hồng 18 tuổi, TP.HCM

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Thanh Hồng, để làm bài thi tốt thì chúng ta cần chuẩn bị thật tốt về kiến thức và kỹ năng làm bài. Để chuẩn bị tốt thì như trên anh đã trả lời, chúng ta cần xác định được động cơ học tập, với động cơ học tập rõ ràng chúng ta sẽ bị "cuốn vào hành trình học tập đầy lý thú", khi đó anh tin em sẽ rất vững kiến thức, ngoài ra kiến thức đó không chỉ dùng để thi mà để chúng ta tiếp tục hành trình của bản thân sau này. Chúc em thi tốt nhé! *Nếu em thi ngành kỹ thuật và còn lúng túng ngành học gì, học xong làm được gì? thì có thể email riêng anh tư vấn thêm cho em: bahai.ce@gmail.com.

* Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải Cho em hỏi anh cảm thấy thế nào với những thành tích đã đạt được? Với anh, thành tích có quan trọng không? Trong tương lai anh có suy nghĩ rằng mình sẽ nghiên cứu thêm nhiều sáng chế nữa để giúp đỡ mọi người không? Minh Quang 22 tuổi, An Giang

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Quang, anh thấy những thành tích đạt được của bản thân thì đáng khích lệ nhưng thành tích thực sự nó chỉ ở vị trí khích lệ, điều quan trọng là chúng ta xác định được rõ động cơ và đam mê sâu thẳm trong bản thân. Chỉ có đam mê mới đưa ta đi đến đích trong niềm vui mỗi ngày và khi ta chia tay mọi người về thế giới bên kia (cười). Trong tương lai anh và nhóm nghiên cứu Biorobotics Club tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cùng một số giáo sư nước ngoài sẽ cho ra mắt một số sản phẩm phục vụ người mù, cứu nạn, thiết bị cho trẻ em chơi để tăng tính sáng tạo (vì anh mới có em bé), hay máy để chúng ta thưởng thức cà phê sạch mà ít tốn tiền mỗi ngày. Em có thể xem máy cafe SẠCH - LỢI - NGON - NHANH tốt cho người dân ở đây (cần thêm thời gian để thử nghiệm tính năng an toàn và ổn định của máy nên em chờ thêm nhé). https://www.youtube.com/watch?v=FqMDramIygA Cảm ơn em đã đặt câu hỏi.

* Theo anh Hải thì tuổi trẻ hiện nay thiếu và thừa những đặc điểm gì? Và theo anh, tuổi trẻ thời đại toàn cầu cần những đặc tính gì để thích nghi và phát triển? Phương An, 25 tuổi, Nha Trang

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Phương An, vừa rồi có một bạn ở Đà Lạt đặt câu hỏi và bây giờ thì Phương An lại ở Nha Trang (cười), đất nước mình có rất nhiều địa danh đẹp phải không em? Theo góc nhìn của anh, những người trẻ nói chung (có anh trong đó) thì chúng ta: THỪA: Thời gian, điều kiện vật chất, sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo THIẾU: Hiểu mình là ai? và mình sinh ra để làm gì? Đam mê đích thực của mình là gì? Sự tập trung, Lòng dũng cảm, và những kỹ năng toàn cầu. Anh xin cóp nhặt nhân một lần đi học ngắn hạn tại Mỹ) là: Kỹ năng nhận diện/xác định/định nghĩa những vấn đề lớn/toàn cầu (DEFINING A GLOBAL PROBLEM), kỹ năng giải quyết vấn đề (PROBLEM SOLVING), kỹ năng tập trung (FOCUS) và kỹ năng trình bày PRESENTATION). Em có thể nghe phân tích rõ hơn ở một video clip ngắn này (Anh xin lỗi vì khi đó được trình bày bằng tiếng Anh. https://www.youtube.com/watch?v=RzJRhi-QdRk Nếu em thực sự quan tâm về kỹ năng để sống và làm việc với một vị trí mới (Công dân toàn cầu) thì có thể email cho anh: bahai.ce@gmail.com, anh sẽ gửi em thêm một số tài liệu anh cho là có ích để em tham khảo thêm. Chúc em ngày thật đẹp!

* Cho em hỏi anh Hải, người trẻ cần phải làm gì, để thành đạt (như anh Hải) trong thời buổi kinh tế thị trường khó khăn như hiện nay? Anh Hải có thể cho tụi em biết không? Cảm ơn anh. Mọng Thu 25 tuổi, Vĩnh Long

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Mọng Thu, cảm ơn em về câu hỏi, Anh nghĩ thời khắc này là đặc biệt, và tâm linh một chút thì, mỗi chúng ta hay mỗi vật/việc sinh ra trên đời này đều mang một sứ mệnh đặc biệt nào đó (anh tin là vậy) chính về thế chúng ta được sinh ra ở thời điểm này. Thời điểm mà thế giới đã và đang "phẳng" ra, thời buổi của toàn cầu hóa, thời buổi của công nghệ cao, thời buổi mà có thể nói con người đã hiểu hơn về vạn vật và vũ trụ, về luật của tự nhiên...nhưng bên cạnh đó cũng chưa ai biết được phần không biết của loài người và để PHÁT TRIỂN (Anh tạm thời chưa có khái niệm thành đạt là gì), thì tuổi trẻ chúng ta có thể nên làm mấy việc sau: - Hiểu mình là ai và tại sao mình lại sinh ra? (Có thể câu trả lời có thể khác nhau ở mỗi thời điểm, nhưng câu hỏi thì không được thay đổi và không ngừng tự hỏi và tự trả lời) - Nhận diện được đam mê đích thực của mình là gì (chứ không phải mong muốn của người thân và của người khác trong xã hội cho dù người đó là ai đi nữa). - Sống hết mình với đam mê đó và mạnh dạn, can đảm sống hết mình với đam mê đó. Thực ra, có mấy dòng nhưng để làm được là rất khó, anh cũng cố gắng để luôn sống như vậy và ngày càng sống như vậy vì ít nhất....như bài hát "nếu chỉ còn một ngày để sống" thì ta cũng không băn khoăn hay hối tiếc điều gì. Và nếu em chưa nhận diện được mình có thể chờ đọc cuốn sách "Nhận diện đam mê và sáng tạo" mà anh đang dành thời gian rảnh để viết hoặc search Lớp học sáng tạo của anh về nhận diện đam mê và sáng tạo để học vào một cuối tuần tại Thủ Đức (ĐH Sư phạm Kỹ thuật). Học phí tượng trưng là 1 tô phở (1 đô la) em nhé. Thân mến, anh Hải.

* Anh Hải có thể nói rõ hơn về công trình nghiên cứu sáng chế kính điện tử có “mắt thần” hỗ trợ người khiếm thị và tàn tật có thể di chuyển dễ dàng, thuận lợi? Minh Tiến 24 tuổi Vũng Tàu

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Xin chào Minh Tiến, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi đầu tiên cho Hải. Về sáng chế "Mắt thần", đây là một thiết bị (kính) điện tử dẫn đường cho người khiếm thị. Công trình này được nghiên cứu trong khoảng 4 năm, với phiên bản đầu tiên nghiên cứu tại... phòng trọ, khi Hải mới về nước, nặng khoảng 2 kg và có hình dạng như một chiếc nón bảo hiểm, giá thành khoảng 20 triệu đồng. Đến nay, sau 9 phiên bản, thiết bị đã được cải tiến nhỏ gọn lại và nhẹ như một chiếc kính mắt bình thường. Khi đeo kính, người khiếm thị có thể phát hiện được vật cản ở xa hay gần, to hay nhỏ, cao hay thấp, ngoài ra kính còn có chế độ báo dung lượng pin còn lại để người khiếm thị tiện dùng. Tính đến nay có khoảng 400 người khiếm thị tại Việt Nam và một số người khiếm thị tại Đức, Mỹ, Phần Lan... sử dụng (hầu hết là được trao tặng miễn phí). Công trình này cũng rất may mắn được nhiều người dân, doanh nhân, và đoàn thể trong cả nước góp tâm, góp sức để trao tặng những chiếc kính này.

* Xin hỏi tại sao anh Hải lại chọn làm giảng viên Đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM? Trong gia đình, ai là người ảnh hưởng và giúp anh lựa chọn nghề nghiệp cho mình? Ngọc Hân 22 tuổi Tiền Giang

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Ngọc Hân, trước khi học đại học mình không nghĩ sẽ là giảng viên đại học, nhưng khi học xong mình thấy ngôi trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thật đặc biệt, nơi mà thầy cô và bạn bè và cả những người dân bình thường ở Thủ Đức đã giúp mình có được kiến thức và góp phần giúp bản thân nhận ra đam mê của mình là gì, và thật lòng là khi mà tỷ lệ hàng năm trường chỉ tuyển 1-2 người cho mỗi khoa đã làm mình thấy hứng thú (được thử thách) để vượt qua 4 kỳ thi (IQ, tiếng Anh, vi tính và chuyên ngành) và trở thành giảng viên của trường. Trong gia đình, bố là người luôn dùng những que đũa tre sau bữa cơm để giải thích cho mình về sự bằng nhau của hai tam giác theo quy tắc cạnh-góc-cạnh, góc-cạnh-góc,... Khi mình viết chữ xấu bố còn dành thời gian chỉ mình viết chữ và còn làm một bài thơ (để mình luyện viết mỗi ngày bằng cách chép lại bài thơ này) khi mình đang học lớp 6 đã gần 20 năm qua và mình vẫn rất nhớ... Hằng ngày em đến lớp Học tập và vui chơi Em chuyên cần luyện chữ Chắc chắn sẽ thành công Dù chép hàng ngàn lần bài thơ này, nhưng chữ mình vẫn xấu...(cười). Tuy nhiên, có thể nói, những việc làm nhỏ này của bố đã giúp mình có nhiều suy nghĩ về việc học, việc làm và sau này là việc làm người cần như thế nào. Chúc em ngày tốt lành.

* Chào Anh Nguyễn Bá Hải. Môi trường giáo dục hiện nay của VN vẫn đang bị đánh giá là thiếu khuyến khích sức sáng tạo của học sinh, sinh viên. Anh nhìn nhận sao về vấn đề này. Là một giảng viên anh có suy nghĩ gì về vấn đền này? Minh Toàn, 25 tuổi, Gia Lai

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Toàn, anh thật thích thú vì câu hỏi này của em. Đúng như em nói "Môi trường giáo dục hiện nay của VN vẫn đang bị đánh giá là thiếu khuyến khích sức sáng tạo của học sinh, sinh viên", nhưng không chỉ riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia (ngay cả Mỹ) cũng đang bị nhiều học giả lên án rằng "Giáo dục đang giết chết sự sáng tạo", anh nghĩ điều này vì tâm lý và chủ trương ăn xổi ở thì, hay quá tập trung vào vấn đề kinh doanh trong giáo dục mà quên đi việc xây dựng một môi trường giáo dục ở đó khơi dậy đam mê sáng tạo của người học.  Là giảng viên, anh không hài lòng với tình trạng này, và anh cố gắng thoát ra khỏi nó bằng cách tạo ra khóa học: Nhận diện đam mê và sáng tạo để kết nối những trái tim và khối óc trẻ cùng mạnh dạn, dũng cảm, tinh tấn mỗi ngày để tìm ra đam mê của mình và sống với đam mê đó. Biến những ý tưởng của chúng ta thành những sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày. Lấy sản phẩm là thước đo kiến thức chứ không phải tấm bằng.  Làm được việc này là rất khó, nhưng anh thấy sau 3 năm làm khóa học này đã có tín hiệu tốt và dần có những người thầy và doanh nhân cùng chung tay xây dựng khóa học tốt hơn. Trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam ta còn nghèo thì việc sáng tạo càng trở nên cần thiết và cấp bách. Hãy nhìn những quốc gia nhỏ như Phần Lan, Israel, Hàn Quốc là những nước được đánh giá cao về các doanh nghiệp hoạt động dựa trên nền sáng tạo (Em có thể xem thêm điều này trong sách Quốc gia khởi nghiệp). Ở CLB Biorobotics mà anh dẫn dắt tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, tụi anh có slogan để nhìn mỗi ngày "Innovate or Die" - "Đổi mới hay là Chết" hay "Đưa ra điều gì đó mới hay là Chết" Mong em luôn sáng tạo mỗi ngày! Anh Hải.

* Anh Nguyễn Bá Hải có thể chia sẻ bí quyết học tập của mình được không? Em nghĩ những thành tích của em mang về cho đất nước sẽ có tác động gì tới xã hội? Minh Chánh, 22 tuổi, Đà Lạt

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Xin chào Minh Chánh, cảm ơn câu hỏi của Chánh. Đà Lạt quê Chánh thật đẹp, Hải mới có dịp đi công tác từ Đà Lạt và được thấy rất nhiều hoa đẹp. Về bí quyết học tập, thành thật là Hải cũng không có bí quyết gì, đặc biệt là khi học tiểu học (cấp 1), Hải học rất tệ (không khi nào được giấy khen, tức không khi nào đạt trên mức trung bình khá), chữ xấu và đặc biệt là ham chơi (khi đó mỗi khi đi chăn bò ngoài ruộng đồng là quên hết mọi thứ, không thích làm bài tập về nhà).



Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải chia sẻ bí quyết học tập với bạn đọc - Ảnh: Thanh Hải


Nhưng từ khi lên trung học cơ sở (cấp 2) thì Hải thấy thích môn hình học, thích vật lý vì nó giúp mình giải thích được các hiện tượng tự nhiên, giúp mình tính được diện tích thửa ruộng nhà mình, diện tích của ngôi nhà mình ở...học lên phổ thông trung học thì động lực giúp Hải học là...để lớp của mình bớt bị chê là lớp "quậy" vì lớp mình không phải lớp chọn hay trường chuyên gì cả.   Trước khi vào đại học thì bố mẹ mình cũng chia sẻ, nếu không đậu vào đại học thì theo bố và các chú đi làm thợ hồ, thợ xây tường nên mình cũng không bị áp lực thi đại học nhiều.   Thật may khi thi đậu (mình nhớ không lầm là điểm cao thứ 2 đầu vào của lớp) và được bầu làm lớp phó học tập thì mình bắt đầu bị lún sâu vào các hoạt động khoa học hấp dẫn của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, các thầy cô như thầy Ths. Nguyễn Trọng Thức, PGS - TS Đỗ Văn Dũng, cô Sử Thị Ái Mỹ,...là những người đã biến cái đầu thích chăn trâu, chăn bò của mình thành thích khoa học, thích tiếng Anh và mình bắt đầu hành trình đam mê khoa học từ đó...   Đam mê đến nỗi mình là một người không biết gì về tiếng Anh đã thành lập CLB Nghe nói tiếng Anh của trường và cho đến bây giờ hơn 10 năm CLB vẫn hoạt động. Nhờ CLB này mà mình khá tiếng Anh hơn, sau khi ra trường thì nhà trường lại xếp cho mình dạy tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật...   Khi giành được học bổng của chính phủ Hàn Quốc thì điều làm Hải tâm đắc và có khát khao học tập là: Tại sao Việt Nam nghèo hơn Hàn Quốc? Tại sao ai cũng đi du học mà không có sinh viên Mỹ, sinh viên Hàn đua nhau về Việt Nam du học? Làm cách nào mà sau chiến tranh, trong thời gian ngắn Nhật, Hàn đã vươn lên mạnh như vậy?   Tất cả những câu hỏi trên đã giúp Hải dốc toàn tâm lực để học. Dù tốt nghiệp thủ khoa ngành tại Việt Nam, nhưng khi đi du học, kiến thức Hải còn thiếu rất nhiều so với các bạn (Có thể do Hải chuyển từ ngành ô tô sang Biorobotics) nên Hải tâm niệm, người ta chăm chỉ 1 thì mình chăm chỉ 3-4 lần để không bị tụt hậu... Ban đầu là thế, nhưng sau đó không lâu thì nó lại là một sự hấp dẫn vì những thí nghiệm ở phòng Lab bên Hàn Quốc đã như "thuốc phiện" gây nghiện đối với mình. Nhiều đêm làm thí nghiệm thú vị đến thức trắng....sau đó lăn ra ngủ ngày vì quá mệt.   Cứ thế sau 2 năm thì mình giành được 3 sáng chế và tiếp tục có học bổng và tài trợ từ doanh nghiệp Hàn Quốc để học tiến sĩ. Vẫn với đam mê và khát khao tri thức cháy bỏng, Hải tốt nghiệp Tiến sĩ trước hạn năm 2010 và về nước với 2 sáng chế, báo khoa học và giải vàng cho luận văn tiến sĩ.   Hải viết hơi dài, vì thực sự là không có bí quyết gì, điều duy nhất có thể nói là: Hải may mắn tìm được niềm vui khi học (nếu làm gì không vui thì Hải cũng hay bỏ qua cho dù có thể bị phạt bằng một hình thức gì đó). Niềm vui đó cho Hải một nguồn năng lượng gần như vô tận mỗi ngày để quanh quẩn bên những phần mềm, mô hình thí nghiệm, hay viển vông nằm dài bên bờ sông mà tư duy sáng tạo ra những điều lý thú trong khoa học...   Hải xin kết thúc bằng một suy nghĩ cho việc học: Học để LÀM ĐƯỢC VIỆC, học để xóa đi màn đêm U TỐI trong bản thân, học để biến những ý tưởng VIỂN VÔNG thành những SẢN PHẨM giúp ích cho con người, học để trở thành người TỰ DO hết thảy, học để khám phá và KHÔNG HỐI TIẾC đã sống và mang kiếp người....Nếu có dịp bạn có thể ghé ĐH Sư phạm Kỹ thuật (hoặc search Facebook: Lớp học sáng tạo) để tham gia một chuyên đề "Nhận diện đam mê và sáng tạo" thuộc lớp học 1 đô la về những điều đúc kết này (học phí là 1 đô la bạn nhé!. Chúc bạn có một ngày ý nghĩa và thật đẹp tại Đà Lạt mộng mơ!   "Tiến sĩ 1 đô la"

* Xin được hỏi dự định trong thời gian tới ngoài công viện hiện tại của Nguyễn Bá Hải là gì? Và điều mong ước lớn nhất của anh là gì? Minh Tín 22 tuổi, Quy Nhơn

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Minh Tín, Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục sống với đam mê của mình, cụ thể: - Nghiên cứu ra nhiều sản phẩm giúp người mù và người dân để cuộc sống tốt đẹp hơn. Xây dựng và phát triển Biorobotics Club thật sáng tạo và hấp dẫn với các bạn trẻ tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, triển khai dạy học trực tuyến để tiện học tập từ xa, đưa được nhiều bạn du học, giúp được những doanh nghiệp giải quyết các bài toán khó trong kỹ thuật. - Tiếp tục 2 chương trình thiện nguyện mà anh tâm huyết: Mắt thần cho người mù và lớp học sáng tạo. - Còn lại thời gian anh dành đọc sách và cho gia đình, bạn bè. Điều anh mong ước lớn nhất là: Đất nước ta thoát nghèo, thực học, văn minh hơn, ít tai nạn giao thông và mỗi năm về quê ăn tết không bị cảnh nhồi nhét người trên xe. Con người Việt Nam yêu thương nhau hơn và đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Có thời gian em có thể email anh chia sẻ nhiều hơn nhé. Email của anh: bahai.ce@gmail.com. Thân mến

* Em thật ngưỡng mộ khi đọc tiểu sử của các anh. Để đạt được thành tích như trên, chắc anh Hải đã phải trải qua một quá trình khó khăn. Vậy có khi nào anh cảm thấy tiếc hay buồn vì chuyện đó không ạ? Cảm ơn anh. Hồng My 23 tuổi, TP.HCM

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Hồng My, theo một số người nói thì "cuộc sống vui ít buồn lo nhiều", chúng ta học tập và lao động mỗi ngày mà đôi khi chúng ta vẫn còn những bộn bề, lo toan hay sự chưa vừa lòng mỗi ngày chạy xe trở về nhà... Tuy nhiên, anh lại thấy một trải nghiệm hay một góc độ khác, nếu mình nhận ra được đam mê của mình, sống trọn vẹn với đam mê đó (ngay từ đầu khó mà thu xếp sống vì đam mê được nhưng cần tỉnh táo, tiết giảm nhu cầu để nuôi dưỡng đam mê), cứ thế thì mỗi ngày ta thấy nhẹ dần, và thoải mái, sau đó thấy phấn khích và tới thăng hoa mỗi ngày. Nếu theo chiều hướng đó thì chúng ta sẽ thấy ít có điều gì khiến ta buồn hay tiếc gì cả. Anh tâm niệm, 3 điều quí giá nhất ở một đời người là: Tâm sáng (ĐỨC), Sức khỏe (SỨC) Đầu óc minh mẫn (Trí tuệ). Mỗi ngày hãy dành thời gian chăm sóc ba điều trên thì ta sẽ sống thăng hoa. Chúc em mỗi ngày sống là thêm một ngày vui.

* Xin hỏi ngoài việc giảng dạy anh còn tham gia các hoạt động từ thiện xã hội dành cho người tàn tật, vậy thời gian đâu anh dành cho gia đình? Quốc Tuấn 22 tuổi, Đà Lạt

- Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải: Chào Quốc Tuấn, Anh tham gia một số hoạt động từ thiện như: Kiến Bình Minh (nhóm làm kính điện tử gọi là Mắt thần 2 tặng người mù), Quỹ từ thiện vì cộng đồng đông lĩnh (một xã nghèo, quê anh ở Thanh Hóa), Khóa học 1 đô la (vì những em thanh niên/cá nhân nghèo hoặc đang chán học nhưng thích khám phá khoa học kỹ thuật, dám dấn thân vì đam mê kỹ thuật).  Thời gian mỗi ngày 24 tiếng, nếu thu xếp và bớt những giờ phút không ý nghĩa  ta sẽ tập trung vào cho những việc ý nghĩa. Ví dụ, anh thấy vào Facebook quá thường xuyên là không cần thiết nên trên điện thoại anh không có Facebook, việc đi ăn tiệc giao lưu anh thấy cũng ít ý nghĩa nên anh dành thời gian ăn tiệc để nghiên cứu... Tất nhiên là ta cũng cần hy sinh (tự nguyện) để dành thời gian cho những việc chính. May mắn những việc này là đam mê của anh nên anh không thấy mệt dù có thức đêm để làm. Có thể nói là: Sống với đam mê khiến ta bước qua các cám dỗ gây mất thời gian nên ta có rất nhiều thời gian, sức khỏe và niềm vui để làm việc mỗi ngày. Chúc em có thật nhiều thời gian cho đam mê của mình!

* Động lực nào giúp cho Thạch Kim Tuấn có thể hoàn thành tốt cuộc thi đấu trong thể thao dù còn trong độ tuổi khá trẻ? Nguyễn Thiên Hương

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Động lực lớn nhất của tôi là người thầy, HLV Huỳnh Hữu Chí-người đã luôn ở bên cạnh động viên, hỗ trợ cho tôi ngay từ khi biết đến cử tạ. Mỗi giải đấu dù lớn dù nhỏ, thầy Chí luôn đồng hành cùng tôi, hướng dẫn cho tôi về chuyên môn và đặc biệt là tinh thần thi đấu. Những lần đầu bước ra đấu trường quốc tế, tôi cũng hơi lo sợ nhưng sự động viên của thầy Chí đi cùng giúp tôi quên luôn cảm giác lo lắng để tập trung tốt nhất tranh tài. Năm nay 21 tuổi, tôi không còn thi đấu ở các giải trẻ nhưng đó là quãng thời gian mà tôi không quên, nhất là khi được làng cử tạ thế giới ghi nhận với danh hiệu vận động viên trẻ xuất sắc thế giới năm 2014. Đó là động lực để tôi phấn đấu đạt thành tích cao khi không còn trẻ.

* Cho em hỏi anh Thạch Kim Tuấn là anh cảm thấy thế nào với những thành tích đã đạt được? Với anh, thành tích có quan trọng không? Phan Thanh Tuấn, TPHCM

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Tuần rất vui mừng, sung sướng khi vượt qua các khó khăn để đạt được những thành tích vừa qua. Thành tích rất quan trọng cho thấy cử tạ Việt Nam không hề thua kém bạn bè quốc tế. Thành tích của Tuấn phản ánh đúng những công sức, mồ hôi mà mình bỏ ra trong tập luyện nên Tuấn tự hào về nó. Tất nhiên Tuấn không bao giờ có ý  nghĩ phải đạt thành tích bằng mọi giá.

* Theo anh Thạch Kim Tuấn thì tuổi trẻ hiện nay thiếu và thừa những đặc điểm gì? Và theo anh, tuổi trẻ thời đại toàn cầu cần những đặc tính gì để thích nghi và phát triển? Nguyễn Kim Hằng

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Theo Tuấn tuổi trẻ ngày nay có rất nhiều lợi thế khi được tiếp cận với thế giới hiện đại, cũng vì thế cơ hội mở ra nhiều với người trẻ, vấn đề là họ có tận dụng được hay không. Tuấn nghĩ các bạn trẻ nên làm điều mình yêu thích bằng tất cả đam mê sẽ dễ thành công.

* Tôi muốn hỏi bạn Thạch Kim Tuấn, ngoài môn cử tạ, bạn còn chơi môn thể thao nào khác không? Việc phá kỷ lục ASIAD có làm thay đổi cuộc sống xung quanh bạn hay không? Trương Thanh Loan

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Ngoài cử tạ, Tuấn chơi nhiều môn thể thao khác như bơi, bóng đá, bóng chuyền. Việc chơi những môn này một phần vì đam mê, giải trí sau những giờ luyện tập căng thẳng,  phần khác nhằm giúp bổ trợ thể lực. Việc phá kỷ lục ASIAD không làm thay đổi nhiều cuộc sống của Tuấn, việc được nhiều người biết đến là động lực để Tuấn vươn đến những mục tiêu mới, kỷ lục mới, đặc biệt là kỷ lục thế giới.

* Nếu trở thành Gương mặt trẻ tiêu biểu, Thạch Kim Tuấn sẽ nói gì với các em trẻ? Và em có những suy nghĩ gì trong tương lai? Minh Phúc, TPHCM

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Trở thành gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là vinh dự lớn, dù có đạt hay không thì điều Tuấn muốn nói với các bạn trẻ rằng hãy theo đuổi đam mê của mình đến tận cùng, dồn hết tâm trí, sức lực của mình cho nó thì thành công sẽ đến. Tôi sẽ tích lũy kinh nghiệm từng ngày để sau này trở thành huấn luyện viên nhằm dìu dắt các em trẻ thi đấu đạt thành tích cao, cống hiến nhiều thành tích hơn cho thể thao Việt Nam.

* Chào bạn Thạch Kim Tuấn, không biết bạn có sử dụng mạng xã hội hay không? Bạn suy nghĩ thế nào về việc kết bạn hoặc trò chuyện trên mạng xã hội. Minh Nam

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Chào bạn Minh Nam. Tuấn cũng sử dụng nhiều mạng xã hội như facebook, zalo, viber...Thế nhưng việc sử dụng mạng xã hội này chủ yếu giúp Tuấn liên lạc với gia đình, người thân mỗi khi đi thi đấu xa nhà. Do không có nhiều thời gian nên chủ yếu lên mạng đọc tin tức, xem phim và nghe nhạc. Việc kết bạn, trò chuyện trên mạng xã hội là xu hướng hiện nay, nó giúp các bạn trẻ giao lưu, trao đổi thông tin, hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Nếu có nhiều thời gian, Tuấn sẽ tăng cường hoạt động này theo hướng tích cực trên.

* Chào em Thạch Kim Tuấn, khi thi đấu ở nước ngoài, có khi nào em cảm thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ đến nỗi chỉ muốn bỏ tất cả, không thi đấu nữa để được về nhà hay không? Nguyễn Minh Triết, Hà Nội

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Khi thi đấu Tuấn dồn hết tâm trí, sức lực cho giải nên cũng không nhiều cảm giác nhớ nhà. Tuấn tâm nguyện rằng nếu thi đấu có thành tích cao đó là món quà dành cho người thân. Sau khi thi đấu, Tuấn mới dành thời gian chia sẻ cùng gia đình.



Thạch Kim Tuấn đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi tới - Ảnh: Thanh Hải


* Sau những giải đấu quốc tế, khi trở về nước, Kim Tuấn có mong muốn cụ thể nào không? Em có băn khoăn vì ở nước mình với nước người ta “khác nhau nhiều” không? Lê Thiên Hà

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Đa phần VĐV nước ngoài có điều kiện ăn ở, dinh dưỡng rất tốt. Nói chung họ chỉ cần ăn, ngủ, luyện tập mả không phải lo lắng những thứ bên ngoài. VĐV VN vẫn còn nhiều khó khăn này nọ nên khó tập trung hết cho thể thao. Hy vọng thể thao VN ngày càng chuyên nghiệp để ngày càng có thệm nhiều tài năng đóng góp cho sự phát triển của thể thao nước nhà.

* Xin được hỏi dự định trong thời gian tới của Thạch Kim Tuấn là gì? Và điều mong ước lớn nhất của anh là gì? Nguyễn Thái Phong

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Hiện Tuấn tập trung luyện tập để tham dự các giải đấu quan trọng trong thời gian tới gồm: giải vô địch Đông Nam Á diễn ra ở Thái Lan vào tháng 6, giải vô địch châu Á diễn ra ở Nepal vào tháng 7 và đặc biệt là vòng tuyển chọn Olympic Brazil 2016 sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Mỹ. Mong ước lớn nhất của Tuấn là trở thành vận động viên số 1 thế giới trong năm 2015 ở hạng cân 56 kg sở trường. Tiếp đến là ngôi vô địch Olympic Brazil 2016 mà Tuấn cũng như Ban huấn luyện đang khát khao có được.

* Chào anh Kim Tuấn, anh có thể chia sẻ những cảm nghĩ của mình về việc Trung ương Đoàn đề cử giải thưởng gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2014? Nguyên Phong Phú

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Cảm ơn câu hỏi của anh Nguyễn Phong Phú. Việc được Trung ương Đoàn đề cử giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 là vinh dự cho bản thân tôi nói riêng và cử tạ Việt Nam nói chung. Vinh dự này khiến tôi cảm thấy có thêm trách nhiệm để năm 2015 nỗ lực giành nhiều giải thưởng quốc tế lớn, với mong muốn mang về nhiều thành tích hơn nữa cho thể thao VN.

* Ngoài môn thể thao cử tạ, công việc chính của bạn Kim Tuấn là gì? Hà Tuấn

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Ngoài thời gian tập luyện từ 9-12 sáng, 15-18 giờ chiều, Tuấn còn đi học văn hóa ở trường Nghiệp vụ TDTT TP.HCM vào ban đêm. Tuấn không còn nhiều thời gian cho những việc khác.

* Bản lĩnh thi đấu ít vận động viên giữ được phong độ. Vậy điều gì khiến Kim Tuấn có được phong độ thi đấu "bình tĩnh, tự tin để chiến thắng" như vậy? Tuyết Mai

- Vận động viên Thạch Kim Tuấn: Để có được phong độ "bình tĩnh, tự tin" như bạn nói, Tuấn đã trui rèn trong thời gian tập luyện, vượt qua những khó khăn nhất là khi nghĩ đến sự kỳ vọng của gia đình, ban huấn luyện. Những cơ hội được tập huấn, thi đấu quốc tế cũng giúp Tuấn biết rõ đối thủ, điều chỉnh tập luyện, nhờ đó ngày càng "tự tin, bình tĩnh" khi tranh tài với các đối thủ mạnh trên thế giới.

*
Được biết sau khi học Đại học, Cao đẳng, Sang theo đuổi công việc kinh doanh tại TP.HCM, tuy nhiên vì sao Sang lại trở về với nghiệp ngư dân truyền thống của gia đình? Nhật Trang

- Ngư dân trẻ Lê Văn Sang: Năm 2010 khi ở TP.HCM về Đà Nẵng nghỉ lễ 30.4 - 1.5, Sang đi biển với bố, qua những chuyến biển đó thì Sang thấy có rất nhiều cái để phát triển ngư nghiệp, đặc biệt là khâu dịch vụ hậu cần nghề cá vùng khơi, và như vậy là mình quyết định theo nghiệp của gia đình, để tiếp tục phát triển nghề cá của gia đình, và hy vọng mình sẽ làm được những điều mình suy nghĩ về nghề biển.

* Thưa anh Phong công trình nghiên cứu bộ sinh phẩm dạng que thử phát hiện nhanh vi rút rota gây tiêu chảy ở trẻ em là đề tài anh tâm huyết theo đuổi. Mong anh chia sẻ ý tưởng nghiên cứu đề tài này xuất phát từ đâu? Nguyễn Thị Ngân, 32 tuổi, Hà Nam

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Cảm ơn bạn, đối với mỗi đề tài tôi thực hiện đều xuất phát từ vấn đề thực tiễn cuộc sống. Virut rota là một trong những tác nhân gây bệnh tiêu chảy hàng đầu đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu không được chẩn đoán sớm và chính xác có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay sinh phẩm chẩn đoán virus này là hoàn toàn nhập ngoại với giá thành cao và ở một mức độ nào đó không thích hợp với chủng virus lưu hành tại Việt Nam. Do đó, việc chẩn đoán có thể không chính xác. Xuất phát từ đó tôi đã thực hiện đề tài với những cải biến sao cho phù hợp với chủng virus lưu hành tại Việt Nam và giá thành thấp và với hy vọng tạo được que thử “Made in Vietnam”.

* Có nhiều đề tài nghiên cứu thành công xong chỉ nằm trong ngăn kéo, theo anh Phong, cần có giải pháp như thế nào để giải quyết triệt để tình trạng này? Phạm Hữu, Việt Trì, Phú Thọ

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Đúng là hiện nay chúng ta còn nhiều đề tài mà kết quả còn chưa áp dụng vào thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này. Để cải thiện tình hình này, theo ý kiến cá nhân tôi, đối với người làm khoa học, chúng ta nên có hướng tiếp cận thực tiễn đúng khi thực hiện. Tức là nên tiếp cận nghiên cứu như thế nào để sau này sản phẩm của mình phù hợp với thực tiễn. Về phía nhà quản lý cần có hành lang pháp lý phù hợp giúp dễ dàng triển khai thử nghiệm và ứng dụng sản phẩm. Các tổ chức, cá nhân khác cần nhận thức sự phát triển sản phẩm khoa học là lợi ích của đất nước chứ không phải của cá nhân người làm khoa học. Khi chúng ta thực hiện tốt được những điều này, chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm được ứng dụng.

* Nghiên cứu thành công nhưng không được áp dụng khiến người trẻ nản lòng. Theo tôi, đây chính là nguyên nhân chính chảy máu chất xám. Quan điểm của anh Phong thế nào, anh có nghĩ đến tương lai sẽ ra nước ngoài để sản phẩm nghiên cứu của mình thực sự có ích khi ứng dụng vào đời sống hay không? (Nguyễn Thị Vân, Hải Dương

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Hiện nay, nhiều bạn sau khi học tập ở nước ngoài thì lại không trở về nước làm việc. Theo tôi, lý do của vấn đề này có lẽ nằm ở mỗi cá nhân. Ở đây tôi muốn trao đổi rằng, để đưa được một sản phẩm vào thực tiễn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế này không chỉ ở Việt Nam mà cũng xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới. Hiện nay đất nước chúng ta cần nhiều thứ lắm, vấn đề là sản phẩm của bạn có thực sự tốt và phù hợp với thực tế hay không. Về việc có ra nước ngoài hay không? Tôi trả lời là không. Thứ nhất tôi đã từng từ chối lời mời làm việc ở nước ngoài. Thứ hai là tôi nhận thấy có rất nhiều thứ chúng ta có thể phát triển ở Việt Nam và xác định được rằng để làm được cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

* Em được biết anh là chủ nhiệm, tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học khác nhau. Mong anh chia sẻ bí quyết lựa chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu làm sao có hiệu quả? Hà Văn Quân, Hà Nội

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Với mỗi người trẻ làm khoa học, nên định hình cho mình định hướng nghiên cứu. Trên cơ sở đó, chúng ta cần cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ gắn với nhu cầu thực tiễn. Khi triển khai thực hiện, chúng ta cần xác định rõ hướng tiếp cận sao cho phù hợp thực tế. Chỉ như vậy chúng ta mới đạt được hiệu quả.  

* Theo anh Trương Quốc Phong, sinh viên nên bắt đầu nghiên cứu khoa học ở thời điểm nào, năm thứ nhất hay năm cuối cùng để có đủ thời gian tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, hạn chế thất bại, rủi ro trong quá trình nghiên cứu? Phương Anh, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Kiến thức không thể biết khi nào là đủ. Theo tôi thì thời điểm bắt đầu tham gia nghiên cứu phụ thuộc vào chính bản thân các bạn. Người làm nghiên cứu cần sáng tạo, đam mê, chịu khó, ham học hỏi… Nếu các bạn có niềm đam mê khoa học thì có thể tham gia từ sớm, vì đồng hành cùng các bạn luôn có thầy bên cạnh. Kiến thức nào bạn chưa được trang bị thì chính yêu cầu của nghiên cứu sẽ khiến bạn phải học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu nó. Thầy sẽ biết bạn đang ở mức độ nào và sẽ giúp bạn thực hiện nghiên cứu ở mức độ phù hợp. Vấn đề quan trọng nhất, bạn phải là người chủ động. Tôi đã từng tham gia nghiên cứu lúc còn là sinh viên năm thứ 2 và luôn động viên học trò như vậy. Hiện nay tôi hướng dẫn nhiều bạn sinh viên tham gia nghiên cứu từ năm thứ 2, 3 (chương trình 5 năm), nhưng nếu bạn nào xác định được vấn đề như tôi nói trên thì các bạn làm việc rất tốt.

* Người trẻ tham gia nghiên cứu khoa học vẫn còn có sự hoài nghi, chê bai từ dư luận xung quanh, gặp thất bại dễ nản lòng. Mong anh Phong đưa ra lời khuyên, bí quyết vượt qua rào cản này? Văn Quý, 40 tuổi, ĐH Quốc gia Hà Nội

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Đúng như bạn nói, người trẻ làm khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và có thể gặp phải vấn đề như bạn đã đề cập. Theo tôi, để vượt qua được điều này có lẽ bản thân mỗi người trẻ nghiên cứu khoa học phải tự khẳng định ý chí, năng lực của bản thân mình.

* Cơ chế đãi ngộ chưa thỏa đáng khiến người trẻ nghiên cứu khoa học hiện chưa sống được với nghề nghiệp, công việc, vẫn phải làm việc “chân trong chân ngoài”. Theo anh Phong, điều này có đúng không, anh có đề xuất gì để giải quyết, tháo gỡ vấn đề này không? Kim Thoa, Lạng Sơn

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Vấn đề bạn đặt ra là đúng, chúng ta đã được nghe nói nhiều. Đó là thực tế nên Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã và đang đưa ra những chính sách mới giúp cải thiện tình hình như bạn đã đề cập.  

* Nhìn lại các công trình đã nghiên cứu, mong anh Phong cho biết đã có bao nhiêu sản phẩm được ứng dụng vào đời sống thực tiễn? Văn Toàn, 26 tuổi, Sơn La

- Tiến sĩ Trương Quốc Phong: Tiến sĩ Trương Quốc Phong, Trưởng phòng thí nghiệm Proteomics, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội: Trong nghiên cứu khoa học không phải công trình nào cũng có được sản phẩm hữu hình. Nhiều công trình có giá trị cho khoa học mà sản phẩm của nó là các bài báo có giá trị. Có những công trình khoa học mà sản phẩm của nó là những dịch vụ khoa học, quy trình công nghệ. Với chặng đường nghiên cứu khoa học chưa dài của mình, hiện nay tôi cũng đã có được một số sản phẩm như trình bày ở trên.

* Lý do nào anh Lê Văn Sang lại chọn nghề dịch vụ hậu cần nghề cá trong khi đa phần ngư dân miền Trung chủ yếu tập trung vươn khơi đánh bắt? Lê Trung

- Ngư dân trẻ Lê Văn Sang: Phần lớn ngư dân mình tập trung đánh bắt, nhưng khâu bảo quản sản phẩm của ngư dân nước ta còn rất là thô sơ, chủ yếu là ướp hải sản bằng đá, thì sau 5-7 ngày trên biển, hải sản sẽ giảm đi chất lượng từ 50 - 70%, như vậy thì nếu chỉ tập trung đánh bắt mà không chú ý đến khâu bảo quản thì giá trị kinh tế của một chuyến biển từ 10 - 20 ngày của tàu khai thác sẽ giảm đi từ 30 - 50%. Do đó, mình xác định làm hậu cần nghề cá nhằm giải quyết bài toán đó, cụ thể là vận chuyển được hải sản vừa đánh bắt từ ngoài biển đưa vào bờ, và đưa đến người tiêu dùng một cách sớm nhất, điều này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cả chủ tàu và người làm hậu cần như mình, còn người tiêu dùng thì có lợi hơn là được sử dụng sản phẩm hải sản tươi ngon hơn, chất lượng không bị giảm đi.  

* Là một ngư dân trẻ chỉ sau vài năm đi biển anh Lê Văn Sang đã quyết định đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung với số vốn lên đến vài tỉ đồng, đó có phải là quyết định táo bạo không, vì sao anh lại liều lĩnh như vậy? Trần A Kiệt

- Ngư dân trẻ Lê Văn Sang: Trước chủ trương phát triển ngư nghiệp của Nhà nước, nhiều chủ tàu đã bắt đầu đóng những con tàu rất lớn để khai thác, trước xu hướng đó thì Sang nếu muốn phát triển kinh tế thì cũng phải đầu tư đóng mới tàu hậu cần tương xứng để phục vụ các chủ tàu khai thác tốt hơn, và hiện nay nhu cầu tàu hậu cần thì rất lớn trong khi tàu hậu cần lại không có bao nhiêu, có nghĩa cầu rất nhiều mà cung lại chưa đáp ứng được, nên trong năm này thì mình cũng sẽ còn tiếp tục đóng mới một tàu vỏ thép khác.

* Là một ngư dân trẻ chỉ sau vài năm đi biển anh Lê Văn Sang đã quyết định đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung với số vốn lên đến vài tỉ đồng, đó có phải là quyết định táo bạo không, vì sao anh lại liều lĩnh như vậy? Trần A Kiệt

- Ngư dân trẻ Lê Văn Sang: Trước chủ trương phát triển ngư nghiệp của Nhà nước, nhiều chủ tàu đã bắt đầu đóng những con tàu rất lớn để khai thác, trước xu hướng đó thì Sang nếu muốn phát triển kinh tế thì cũng phải đầu tư đóng mới tàu hậu cần tương xứng để phục vụ các chủ tàu khai thác tốt hơn, và hiện nay nhu cầu tàu hậu cần thì rất lớn trong khi tàu hậu cần lại không có bao nhiêu, có nghĩa cầu rất nhiều mà cung lại chưa đáp ứng được, nên trong năm này thì mình cũng sẽ còn tiếp tục đóng mới một tàu vỏ thép khác.

* Nghề dịch vụ hậu cần nghề cá có đặc điểm gì khác với các nghề cá truyền thống khác, kinh nghiệm của anh Lê Văn Sang trong việc duy trì và phát triển nghề này, câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để ngư dân bán cá giải quyết được bài toán không bị thương lái ép giá, tránh cảnh được giá mất mùa, được mùa mất giá? Phan Khải

- Ngư dân trẻ Lê Văn Sang: Nghề cá chủ yếu tập trung vào khai thác, vấn đề của các chủ tàu khai thác là làm sao bắt được cá, còn nghề dịch vụ hậu cần chủ yếu là vận chuyển hải sản, chủ yếu làm sao mua được nhiều cá, cung ứng nước, nước đá, các nhu yếu phẩm cần thiết cho chủ tàu, cùng các chủ tàu tạo thành nhóm mật thiết, để cùng nhau khai thác nguồn lợi biển và phát triển kinh tế.



Chị Vũ Phương Thảo, Phó trưởng Văn phòng đại diện báo Thanh Niên tại miền Trung tặng hoa cho ngư dân trẻ Lê Văn Sang - Ảnh: Nguyễn Tú


Phải nói chính xác trong nghề cá, thì chuyện được mùa mất giá là chuyện bình thường vì khâu hậu cần nghề cá của nước ta đang còn rất yếu: như tàu hậu cần ít, xí nghiệp đông lạnh cũng ít, công nhân tại cảng số lượng có chừng nên khi tàu đưa cá vào nhiều thì không chế biến kịp, kho trữ đông lạnh, và đặc biệt bản chất của hải sản là giảm chất lượng theo thời gian, những tàu vào trước thì bán được giá, còn tàu vào sau thì giá giảm theo chất lượng, buộc giá phải thấp xuống. Như tình hình hải sản năm nay thì giá dầu giảm, cá được giá, bà con rất phấn khơi, mong sao giá dầu vẫn giữ được từ 16 – 18.000 đồng/lít thì bà con rất dễ làm ăn.

* Anh Lê Văn Sang là ngư dân trẻ đầu tiên đóng tàu vỏ thép ở miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, thành phố đang có nền kinh tế hướng biển, vậy cho hỏi nguyên nhân nào anh có quyết định này? Lê Văn Tuy

- Ngư dân trẻ Lê Văn Sang: Nếu bây giờ không có người mạnh dạn để thay đổi tư duy tàu vỏ thép thì không lẽ mình mãi mãi cứ khai thác bằng tàu vỗ gỗ hay sao?



Ngư dân trẻ Lê Văn Sang (trái) giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo Thanh Niên tại Văn phòng đại diện báo Thanh Niên miền Trung - Ảnh: Nguyễn Tú


Trước chủ trương của Nhà nước và của thành phố, với những ưu đãi cho nghề cá như vậy, thì mình nghĩ là đã đến lúc thay đổi, với tàu vỏ thép thì mình sẽ góp phần hiện đại hóa được nghề cá hơn nữa, trong quá trình đi khai thác an toàn hơn, bảo quản hải sản tốt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, điều kiện sinh hoạt cho lao động trên tàu được nâng lên.

 
Theo TN