Giới trẻ nô nức tham dự lễ hội cầu Long Biên

(CTG) Trong không khí chào mừng thủ đô kỷ niệm ngày giải phóng, lễ hội Ký ức cầu Long Biên là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ nô nức đến tham dự.

 

Sau lễ khai hội, hàng nghìn bạn trẻ đổ về cầu Long Biên đến với lễ hội “Ký ức cầu Long Biên”, cùng đi bộ để tận hưởng không khí trời thu Hà Nội, cùng tham dự những hoạt động đầy ý nghĩa. 

Đã từ lâu, cầu Long Biên là một trong những nơi mà các bạn trẻ Hà Thành hay tụ tập. Cầu Long Biên thu hút giới trẻ không chỉ vì vẻ đẹp cổ kính và tính lịch sử mà còn là nơi thơ mộng, tràn đầy cảm xúc. Bên cạnh đó, các bạn trẻ đến đây để hít thở không khí trong lành cũng như tìm được cảm giác thoải mái, thoát khỏi sự ồn ào của phố phường.

Hoạt động thu hút giới trẻ nhất là viết suy nghĩ, cảm xúc của mình lên hai dải lụa trắng được ban tổ chức sắp xếp dọc theo hai thành cầu. Hai bên cầu, các hoạt động như thả diều, các quán chòi mô phỏng Hà Nội cổ, chợ quê được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình.

Một hoạt động hấp dẫn khác đó là chụp ảnh. Lễ hội Ký ức cầu Long Biên là nơi quy tụ nhiều tay săn ảnh chuyên và không chuyên tham dự. Hầu hết là sinh viên, học sinh với đủ loại thiết bị từ máy ảnh chuyên nghiệp, tới máy du lịch và cả điện thoại di động. Ai cũng không quên ghi lại vài khỏanh khắc trên cây cầu.

Nhiều bạn sinh viên của các trường đại học như Đại học Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại Thương… không chỉ đến để quan tham lễ hội mà còn làm tình nguyện viên hỗ trợ ban tổ chức. Có mặt từ sáng sớm, Minh Tuấn, sinh viên Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội đã cùng các bạn tình nguyện viên giới thiệu cho người tham quan đặc biệt là du khách nước ngòai về lịch sử và văn hóa của cây cầu này. Tuấn cho biết: “Mình tuy không phải sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng từ khi học ở đây mình rất yêu vẻ đẹp của cây cầu Long Biên. Tự hào nhất là hôm nay mình được ở đây để chia sẻ với mọi người những cảm xúc của mình về cầu Long Biên nói riêng và Hà Nội nói chung”.

Đi bộ từ đầu cầu phía ga Long Biên sang tận bên kia Gia Lâm, Lâm Phương và Chi Mai, học sinh trường PTTH Chu Văn An vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tiên bọn mình đi bộ trên cây cầu này. Với những bức tranh cùng thông tin hữu ích, bọn mình đã học thêm nhiều kiến thức lịch sử về cầu Long Biên. Đây là một cây anh hùng trong chiến đấu và đến nay vẫn còn hoạt động nối những nhịp tàu xây dựng đất nước. Những lần trước lên cầu chơi và chụp ảnh, bọn mình không để ý nhiều đến cuộc sống xung quanh cây cầu này. Giờ, bọn mình càng yêu cầu Long Biên hơn”.

Viết lên những dòng cảm xúc của mình về cầu Long Biên, Quang Pháp, sinh viên đại học Hà Nội mong muốn rằng sẽ có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa như này để giới trẻ hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Từ đó, các bạn trẻ chúng ta càng có ý thức tự hào dân tộc và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cần giữ gìn và bảo vệ những hiện vật của lịch sử như cầu Long Biên.
 
Chia sẻ dòng cảm xúc trên cầu Long Biên.
 
Các hoạt động chợ quê thu thú đông đảo bạn trẻ.
 
Lễ hội thả diều trên cầu.
 
Những tà áo dài thướt tha.
 
Nữ sinh áo bà ba.
 
Nhiều tay ảnh đã quy tụ tại đây.
 
Ghi lại những hình ảnh lịch sử bằng điện thoại di động.
 
Các bạn tình nguyện viên đang giới thiệu về cây cầu.
 
Dòng cảm xúc của các bạn trẻ.
 
Những cảnh chụp ảnh mạo hiểm.
 
Tôi yêu Hà Nội.
 
Chen lấn, xô đẩy, nhiều bạn trẻ không theo dõi hết lễ hội 999 năm Thăng Long - Hà Nội
 
Nếu như buổi sáng ngày 10/10 các bạn trẻ hồ hởi rủ nhau đi tham dự lễ hội cầu Long Biên thì buổi tối cùng ngày hàng nghìn người dân đã đổ xô về khu vực tượng đài Lý Thái Tổ với hy vọng được tham dự buổi lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội. Khắp các đường Tràng Tiền, Bà Triệu,Hai Bà Trưng... người và xe cộ chen nhau chật cứng. Khu vực bên ngoài tượng đài Lý Thái Tổ người ta xếp hàng đứng chen chúc nhau tạo nên một khung khí vô cùng đông đúc và náo nhiệt, ai ai cũng háo hức đón chờ giây phút thiêng liêng 999 năm Thăng Long - Hà Nội, thế nhưng ở đâu đó vẫn còn những điều chưa đẹp mắt.
 
Theo quy định của ban tổ chức lễ hội và thành phố Hà Nội, xung quanh khu vực tổ chức lễ hội sẽ cấm mọi hoạt động bán hàng rong, thế nhưng tình trạng bán hàng rong vẫn diễn ra rất phổ biến. Các loại mặt hàng từ kẹo bánh hoa quả nước ngọt đồ chơi hay cả xúc xích rán được bày bán la liệt quanh khu vực lễ hội.
  
Không chỉ có vậy, lợi dụng không gian chật hẹp mọi người chen lấn xô đẩy, những kẻ lưu manh thực hiện hành vi moc túi cướp tài sản. Rất nhiều người vì một chút sơ ý đã trở thành nạn nhân của bọn lưu manh. Bạn Hằng - Sinh viên năm hai trường ĐH giao thông vận tải cho biết: “Mình cùng đứa bạn vừa mới len được một đoạn ra sờ vào túi đã không thấy chiếc điện thoại đâu nữa...”. Bạn Chí, sinh viên năm hai Học viện Báo chí Tuyên truyền trong bộ dạng nhăn nhó: “Mình đang mải chen vào để chụp mấy kiểu ảnh làm tài liệu viết bài, lúc chen ra khỏi đám đông sờ vào túi quần đã không thấy chiếc điện thoại đâu nữa, bao nhiêu số điện thoại quan trọng của mình giờ thì mất hết...”. Rồi có cả trường hợp hai người đàn ông lao vào đánh nhau vì người này nghi ngờ người kia đã móc điện thoại của mình.
 
Kế đến phải nói đến hình ảnh khắp các khu phố quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ xe cộ người qua lại đông kìn kịt dẫn đến tình trạng tắc đường triền miên. Trong khi đó ,do lượng người đổ về khu vực bờ hồ lớn với nhiều phương tiện dẫn đến tình trạng mở các dịch vụ gửi xe bừa bãi trên khắp vỉa hè, càng làm tăng thêm vấn đề ách tắc giao thông.
 
Với cảnh ngột ngạt chen lấn xô đẩy, không theo trật tự nào đã khiến rất nhiều người bỏ về từ rất sớm. “Mình rất muốn được vào trong để quay chút tư liệu cho bài tập nhưng thế này thì chịu rồi...”, bạn Thái sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền nói.
 
Chi Nam
 
 
Theo Dân Trí