![]() |
Khó trong khâu quản lý
Tại Hội thảo Môi trường và người Hà Nội tổ chức mới đây, GS. TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho biết, hiện nay, chất thải công nghiệp tại Hà Nội ước khoảng 750 tấn/ngày, mới thu gom khoảng 85-90%. Trong đó chất thải nguy hại khoảng 97-112 tấn/ngày (chiếm 13-15%), mới chỉ thu gom khoảng 58-78,4 tấn/ngày (chiếm 60-70%).
Ngoài ra, chất thải y tế nguy hại của một số bệnh viện đã được thu gom và xử lý tập trung tại lò đốt chất thải rắn y tế Cầu Diễn với công suất 5 tấn/ngày, phần tro xỉ được đóng rắn và chôn lấp. Tuy nhiên, một số bệnh viện huyện có lò đốt rác thải y tế nhưng hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, phế thải xây dựng trên 1.000 tấn/ngày chưa được thu gom triệt để cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Theo Ths Phạm Văn Khánh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vấn đề bức xúc của việc thu gom chất thải rắn gây ô nhiễm là: Công cụ, phương tiện, nhân lực, phương thức thu gom vận chuyển còn hạn chế, chưa triệt để nên còn rác thải tồn đọng ở đô thị cũng như ở nông thôn; nhiều bãi chôn lấp rác ở vùng nông thôn không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, 3 trong 5 bãi chôn lấp rác của thành phố sắp lấp đầy, như vậy việc thiếu bãi chôn lấp rác là một khó khăn rất lớn trong việc xử lý chất thải rắn.
Về chất lượng môi trường nước thì hệ thống nước mặt, nước thải và nước ngầm của thành phố đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Hà Nội được mệnh danh là thành phố của các sông, hồ, có nhiều dòng sông chảy qua. Tuy nhiên, môi trường nước sông đang chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế, xã hội như: Sự ra đời của hàng loạt các khu đô thị, khu công nghiệp cùng các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, các khu dân cư đông đúc, làng nghề… Nước thải ô nhiễm của các hoạt động đó hầu như chưa được xử lý và đổ thẳng ra sông, hồ làm chất lượng môi trường nước sông biến đổi theo chiều hướng tiêu cực và xu thế bị ô nhiễm ngày một tăng cao.
Bên cạnh đó, các sông nội thị (4 con sông thoát nước phía nam) và sông Cầu Bây (Gia Lâm) tiếp nhận khoảng 700.000 m3/ngày đêm nước thải đô thị và sản xuất. Chất lượng nước ở hầu hết các con sông nội thành Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng (BOD5 sông Tô Lịch vượt 7,13 lần, sông Kim Ngưu vượt 6,64 lần, sông Sét vượt 2,84 lần, sông Lừ vượt 5,28 lần) và xu thế tiếp tục bị ô nhiễm do nước thải chưa được xử lý đổ thẳng ra sông. Dự kiến đến năm 2020, mức ô nhiễm môi trường nước của các sông nội thành Hà Nội sẽ tăng gấp 2 lần nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả.
Về nước thải công nghiệp, hiện thành phố có 26 khu công nghiệp, khoảng 40 cụm và trên 50 điểm công nghiệp làng nghề đã và đang được xây dựng với tổng khối lượng nước thải công nghiệp khoảng 100.000-120.000 m3/ngày đêm. Lượng nước thải của các cơ sở công nghiệp cũ nằm phân tán mới được xử lý 20-30%. Chỉ có 3 khu công nghiệp tập trung mới (khu Bắc Thăng Long, Phú Nghĩa và Quang Minh 1), 2 cụm công nghiệp (Ngọc Hồi và Phùng Xá) có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất đều không có trạm xử lý nước thải.
Cần được đầu tư nhiều hơn
Trước tình hình này, Lãnh đạo TP.Hà Nội đã xác định vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường đảm bảo sự phát triển bền vững của thủ đô là hết sức quan trọng, đồng thời coi việc đầu tư cho bảo vệ môi trường như đầu tư cho phát triển sản xuất.
Cùng quan điểm này, GS. TS Vũ Hoan đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể. Đối với chất thải rắn, phải từng bước phân loại chất thải rắn tại nguồn để chôn lấp và xử lý hiệu quả, xây dựng quy trình thu gom, phân loại và quản lý chất thải rắn nguy hại trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai thêm một số mô hình thu gom, vận chuyển theo phương thức xã hội hoá phù hợp với đặc thù của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nông thôn. Phấn đấu 100% các xã, thị trấn có tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với nước các sông hồ, cần quan trắc, xác định mức độ ô nhiễm các địa điểm xả thải, từ đó thực hiện các giải pháp về quản lý, xử lý vi phạm và từng bước thực hiện 12 dự án ưu tiên của “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, tập trung nạo vét khơi thông dòng chảy các sông, đảm bảo cân bằng nguồn nước phục vụ việc tưới tiêu nông nghiệp và thoát lũ, chống úng ngập cho TP.Hà Nội; tập trung ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm sông Tô Lịch, đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan.
Đối với nước thải công nghiệp, cần tăng cường kiểm tra, xử lý và yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường, quy định rõ thời gian các đơn vị phải hoàn thành xử lý nước thải, trường hợp không thực hiện được sẽ xử phạt theo quy định. Đối với các khu công nghiệp, phải xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải ngay khi bắt đầu hoạt động.
Đối với nước thải y tế, phấn đấu 100% các bệnh viện và trung tâm y tế do thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và bắt buộc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Hà Nội, thành phố vì hoà bình được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế yêu mến không chỉ bởi những giá trị văn hóa hiện hữu, sự phát triển về kinh tế, xã hội mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên môi trường tươi đẹp với nhiều cây xanh, bóng mát, sông hồ hiền hoà. Đó là tài sản vô giá, đặc sắc của thủ đô mà mỗi chúng ta đều tự hào và có trách nhiệm cùng nhau gìn giữ, phát huy./.
Theo VEN