Hải Phòng: Những thanh niên “ra sức” xây dựng nông thôn mới

(CTG) Hiện nay, nhiều thanh niên nông thôn đang có xu hướng ra thành phố tìm kiếm việc làm với hy vọng sẽ thay đổi cuộc sống, từ bỏ cảnh “chân lấm tay bùn”. Nhưng cũng có không ít thanh niên quyết bám trụ, gắn bó và trở nên khấm khá, thành công ngay trên mảnh đất của quê hương. Đó là câu chuyện làm giàu của những đoàn viên thanh niên quyết tâm làm giàu từ miền đất khó ở các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố Hải Phòng.




Đoàn viên Thanh niên vớt bèo khơi thông dòng chảy tại xã Ngũ Đoan huyện Kiến Thụy


Về huyện Tiên Lãng gặp chị Hoàng Thị Thùy, Bí thư Đoàn xã Tiên Thanh được người dân cho biết chị Thùy không chỉ là tấm gương cán bộ Đoàn nhiệt tình với phong trào hoạt động ở cơ sở còn là điển hình trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy - UBND xã về phát triển kinh tế theo hướng phát triển mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao, xây dựng trang trại nuôi gà với 6000 con, cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/năm. Thùy đã vinh dự được biểu dương là 1 trong 500 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng kỷ niệm chương; là 1 trong 17 thanh niên tiêu biểu được Thành đoàn khen thưởng dịp 26.3, nhận kỷ niệm chương trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng trao tặng.

Bên cạnh những thanh niên thoát nghèo từ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp còn rất nhiều những tấm gương mạnh dạn suy nghĩ, chủ động vượt khó từ điều kiện của bản thân và gia đình. Trường hợp của anh Đoàn Văn Tuân, thôn Nhân Giả, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo là một ví dụ, tốt nghiệp THPT nhận thấy lực học không đủ vào được các trường đại học, Đoàn Văn Tuân đã chọn và theo học tại một trường trung cấp nghề. Đầu năm 2009 sau khi tốt nghiệp ra trường, chưa xin được việc làm, anh về quê phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Thời gian này anh nhận thấy mảnh đất nơi mình đang sống có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế và làm giàu. Sau nhiều ngày băn khoăn, suy nghĩ không biết nên chọn nghề gì, nuôi con gì? Cuối cùng anh bàn bạc với bố mẹ cho mở xưởng xay sát gạo và lập trang trại chăn nuôi lợn.

Sau khi cầm đồng vốn mà bố mẹ ngược xuôi vay mượn anh đầu tư mua máy xát gạo và dựng trang trại nuôi lợn. Ban đầu xưởng xay sát của anh chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trong xã. Nhưng do nhận thấy nhu cầu về gạo của thị trường là rất lớn và nhất là của các doanh nghiệp sản xuất. Anh mạnh dạn vay vốn của Đoàn Thanh niên đầu tư mua máy móc, mở rộng xưởng xay sát. Ngoài việc mở rộng xưởng xay sát anh còn đầu tư mở rộng trang trại nuôi lợn. Hiện trang trại của anh có  7 con lợn lái và 100 con lợn thịt và 1 ao cá trên 600m2 . Anh Tuân tâm sự: “lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, lợn nuôi chậm lớn lại hay mắc bệnh chết, giá cả lại bấp bênh nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc tôi nghĩ bỏ chuồng chống không nuôi lợn nữa. Nhưng được sự chia sẻ, động viên của bố mẹ và người thân giúp  tôi vươt qua khó khăn khôi phục việc chăn nuôi”. Với ý chí của người đoàn viên, thanh niên mong muốn thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương, anh tìm cách học hỏi kinh nghiệm, tham gia nhiều lớp tập huấn chăn chăn nuôi tại trung tâm thú y của huyện. Nhờ có sự chăm chỉ học hỏi, cộng với ứng dụng nhiều biện pháp khoa học trong chăn nuôi nên đàn lợn của anh hiện chỉ nuôi 3 tháng là đã được xuất chuồng. 7 con lợn lái của gia đình nhiều khi không đủ cung cấp lợn giống cho trang trại của gia đình.

Anh Phạm Văn Đại - một trong 100 gương mặt thanh niên tiêu biểu trên toàn quốc vinh dự được trao tặng giải thưởng “Lương Định Của” nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ tổ chức Đoàn. Anh Đại là chủ trang trại nuôi cá cảnh lớn của huyện An Dương. Nói về quy trình cũng như kỹ thuật nuôi cá anh cho biết: với cá giống bố - mẹ, anh thường tìm mua giống cá của Trung Quốc, Đài Loan. Sau đó mang về có chế độ chăm sóc đặc biệt, thường cho cá ăn cám viên công nghiệp cộng với việc thường xuyên phải kiểm tra  độ dinh dưỡng và vệ sinh của nguồn nước để đảm bảo cá giống được sinh trưởng trong một điều kiện thích hợp và thuận lợi nhất cho việc sinh sản. Mỗi lứa cá bố - mẹ trung bình sinh sản hơn 1 vạn cá con. Hiện nay trang trại của anh có 10 đầm cá, mỗi đầm cá chứa được khoảng 1 vạn con. Mỗi lứa cá con cứ khoảng 6 tháng cho thu hoạch một lần. Trong đầm của anh hiện tại có khoảng trên 30 loài cá. Với cá bột thành phẩm giá bán trên thị trường rẻ nhất khoảng 1 nghìn đồng một con. Có những loại như cá La Hán hay cá chép 3 màu với trọng lượng từ 1,2 đến 1,5 kg thì trị giá khoảng 4 đến 5 trăm ngàn đồng một đôi. Tổng thu nhập một năm của trang trại nuôi cá cảnh mang lại cho anh khoảng 400 triệu đồng - điều đó hòan toàn xứng đáng với công sức của anh bỏ ra.

Với những thành công từ mô hình kinh tế, anh Tuân, anh Đại, hay chị Thùy đã chứng tỏ sự quyết tâm làm giàu vươn lên từ mảnh đất khó hy vọng từ sự khởi sắc của nông thôn mới sẽ có thêm ngày càng nhiều đoàn viên, thanh niên trở thành những ông chủ trên chính mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Phạm Đức Mạnh
Tỉnh Đoàn Hải Phòng