Hội nghị ASOEN 21: Tập trung vào vấn đề đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu

(CTG) Sáng nay 4/8, Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN môi trường (ASOEN) lần thứ 21 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trong chương trình làm việc, Hội nghị tập trung đánh giá lại các hoạt động hợp tác về môi trường khu vực ASEAN thảo luận và bàn bạc phương hướng, cách thức giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực, trên toàn cầu và những cam kết quốc tế mới.


Tiếp nối thành công Hội nghị Bộ trưởng Môi trường cấp cao Đông Á lần thứ nhất tại Hà Nội (tháng 10 năm 2008), phát huy vai trò tích cực, chủ động trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tiếp tục chủ trì phối hợp với Ban thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị Môi trường ASEAN năm 2010 từ ngày 2 – 7/8/2010 tại Hà Nội.
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN & MT) khẳng định những nỗ lực bảo vệ môi trường và ứng phó Biến đổi khí hậu của các quốc gia ASEAN kể từ Hội nghị Bộ trường ASEAN lần thứ 11 tại Singapore năm 2009 và giới thiệu nội dung tập trung đánh giá của ASOEN 21, bao gồm: Môi trường biển và vùng ven bờ, Hiệp định môi trường đa phương; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Ủy ban thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và phát triển thành phố bền vững về môi trường; Quản lý tài nguyên nước; giảm thiểu và thích ứng với Biến đổi khí hậu; Đào tạo, giáo dục về môi trường và hợp tác về môi trường giữa ASEAN và các nước đối tác, đối thoại.

Ông Bùi Cách Tuyến hi vọng các đại biểu sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thể hiện tính xây dựng góp phần đưa ra giải pháp phát triển bền vững thúc đẩy hợp tác khu vực về môi trường, nâng cao nhận thức trong cộng đồng ASEAN, đưa Hiến chương ASEAN đi vào cuộc sống; đẩy mạnh hợp tác sâu rộng giữa ASEAN và các đối tác trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực.

Trong khuôn khổ sự kiện gồm có: Một hội nghị toàn thể - “Hội nghị ASOEN lần thứ 21” và 6 Hội nghị chuyên đề: “Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN + 3”, “Hội nghị đối thoại ASEAN – Nhật Bản”, “Hội nghị quan chức cấp cao Đông Á”, “Hội nghị Ban quản trị Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) lần thứ 12, “Hội nghị Ban điều hành dự án ACB lần thứ 11”, “Hội nghị quan chức cấp cao Việt Nam – Lào – Campuchia”, và một triển lãm về Đa dạng Sinh học diễn ra bên lề.

Theo kế hoạch vào chiều ngày 6/8, Hội nghị quan chức cấp cao Đông Á với sự tham dự của gần 150 đại biểu là các quan chức cấp cao đến từ ASEAN và 6 nước đối thoại gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand, Australia và Ấn Độ, sẽ diễn ra và tập trung giải quyết vấn đề môi trường đô thị với các chủ đề đang được thảo luận: “Thành phố, hiệu quả tài nguyên và chính sách 3R” (Indonesia chủ trì); “Thành phố và đa dạng sinh học” (Singapore chủ trì); “Giới thiệu thành phố carbon thấp của Đông Á, thách thức và cơ hội” (Nhật Bản chủ trì); “Thành phố thích nghi với biến đổi khí hậu và quản lý Nhà nước” (Australia chủ trì). Đây được xem là Hội nghị trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng môi trường Đông Á lần thứ 2, dự kiến tổ chức tại Brunei Darusalam vào tháng 10 năm 2010.

Trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí bên lề Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN môi trường lần thứ 21, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: “Việt Nam tham gia vào Tổ chức ASOEN từ tháng 2 năm 1996. Sau 14 năm, Việt Nam đã tổ chức thành công được 11 cuộc Họp và Hội nghị quốc tế ASOEN, đóng góp triển khai 8 sáng kiến trong ASOEN như: Xây dựng Trung tâm giáo dục môi trường Đông Á; Tổ chức triển lãm ASEAN về Đa dạng sinh học hưởng ứng Năm Quốc tế về Đa dạng sinh học 2010; Xây dựng hội nghị bàn tròn hàng năm của ASEAN về sản xuất và tiêu thụ bền vững,…



Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến tại Hội nghị ASOEN 21

 
Biến đổi khí hậu là vấn đề đang nóng lên toàn cầu và đặc biệt được chú ý ở khu vực ASEAN vì các quốc gia trong khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra. Đa dạng sinh học bị tổn hại sẽ giảm thiểu khả năng ứng phó với Biến đổi khí hậu của cư dân. Đó cũng là chủ điểm của hội nghị lần này. Việt Nam và các quốc gia ASEAN mong muốn đoàn kết nhất trí, nỗ lực giữ gìn và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quí giá cho thế hệ mai sau.

Sáng kiến tổ chức Triển lãm Đa dạng Sinh học ASEAN vừa được triển khai của Việt Nam đã và đang góp phần mang lại sự nhận thức đầy đủ cho người dân dẫn đến chuyển hóa hành vi, đóng góp tích cực cho công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Sau triển lãm, những hình ảnh, tài liệu trưng bày sẽ được tập hợp để xuất bản thành sách ảnh, phổ biến ở các quốc gia trong khu vực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đào tạo về môi trường cho người dân ASEAN. Chiều 3/8 vừa qua, Việt Nam, Campuchia và Lào đã ký kết thỏa ước thành lập khu bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực giáp ranh giữa các quốc gia (ngã 3 Đông Dương), bao gồm 3 Vườn quốc gia: Virachey (Lào), Dong An Pham (Campuchia), Chư Mom Ray (Kon Tum, Việt Nam). Các Bộ Tài nguyên & Môi trường, cơ quan chuyên trách về môi trường tại các địa phương có khu vực bảo tồn đa dạng sinh học trên sẽ tích cực chia sẻ ý tưởng, sáng kiến để phát triển khu bảo tồn ĐDSH thu hút khách du lịch và tạo nên một “vòng kim cô” bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quí giá cho người dân ba nước”.


Phi Khuyên