Hy vọng cho ngư dân giữa biển khơi

(CTG) Hàng nghìn ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ có thêm niềm hy vọng mới, khi ngành chức năng tỉnh này có chủ trương xây dựng Quỹ hỗ trợ ngư dân. Quỹ này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển.



Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. 


 Mong điểm tựa

Gần 30 năm đi biển, ngư dân Dương Thành Phú (51 tuổi, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 96516 TS không ít lần giáp mặt với tàu lạ nước ngoài ngay trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa. Tuy nhiên, với ông, chuyến đi sau Tết Nguyên đán 2010 lại là những ngày ám ảnh nhất. Đang neo đậu phía nam quần đảo Hoàng Sa vào rạng sáng 9–3, tàu ông Phú cùng 17 thuyền viên bất ngờ bị tàu lạ đâm chìm. May mắn thoát chết trong gang tấc nhưng chuyến ra khơi không an toàn đó đã đẩy ông Phú và các thuyền viên vào cảnh nợ nần.

“Mỗi người phải vay nóng thêm vài chục triệu đồng để trả nợ. Ngay cả tôi cũng phải vay nợ nóng đến cả trăm triệu đồng. Bao nhiêu năm đi biển, giờ tay không, nếu không có sự giúp đỡ từ các ngành chức năng, chắc hẳn chúng tôi sẽ không thể gượng dậy được”- Ông Phú bộc bạch.

Bị tàu nước ngoài bắt bớ, đánh đập, trấn cướp cá, tài sản, thậm chí đánh chìm, bắt chuộc tàu vô lý, không còn là chuyện hiếm với ngư dân Lý Sơn và ngư dân dọc các tỉnh miền Trung. Ông Võ Xuân Huyện – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn trăn trở:

Nghề biển đã là nghề truyền thống của ngư dân huyện đảo bao đời nay. Nhưng càng ngày người dân lại càng khó khăn hơn, vì ngư trường bị thu hẹp và “nhân tai” trên biển khơi. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2010, Lý Sơn có 3 tàu thuyền gặp nạn. Việc hỗ trợ ngư dân gặp nhiều khó khăn nên đời sống của ngư dân chưa bao giờ bấp bênh như hiện nay.

Với thực trạng này, thông tin về Đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ ngư dân dù đang được UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai đã khiến hàng nghìn ngư dân phấn khởi, hy vọng. “Từ trước đến nay, những lúc gặp nạn, chúng tôi được hỗ trợ gạo, dầu nhưng nếu có một đề án hỗ trợ với cơ chế mở, kịp thời giúp ngư dân những khi gặp nạn sẽ giúp chúng tôi an lòng trong mỗi chuyến ra khơi” - Ông Nguyễn Văn Ngạc (Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 98099TS, nói.

Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), anh Phạm Lệ (Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg 94734TS, từng bị tàu nước ngoài ép lấy hết cá, đập phá máy móc trên tàu và hành hung thuyền viên hồi tháng 5–2009, cho biết: Do việc xác định tàu bị hại gặp nhiều trở ngại nên tàu thuyền của ngư dân nhiều khi chưa được hỗ trợ cần thiết. “Nếu có Quỹ hỗ trợ ngư dân bám biển đó sẽ là một động lực quan trọng để những người làm nghề cá như chúng tôi an lòng ra khơi”, anh Lệ nói.

Thí điểm với ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Quỹ hỗ trợ ngư dân là ý tưởng rất thiết thực với ngư dân đánh bắt xa khơi, đặc biệt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Họ không chỉ khai thác hải sản, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển quan trọng. Chúng tôi kiến nghị lên tỉnh để sớm triển khai đồng thời cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng.

Cũng theo ông Hoàng, việc lập quỹ này hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi, để đóng tàu công suất lớn vươn ra khơi xa đánh bắt, hỗ trợ dịch vụ bảo hiểm cho tàu cá; trang bị thiết bị liên lạc hiện đại để khi gặp sự cố xảy ra trên biển, ngư dân liên lạc với các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời sẽ góp phần hạn chế rủi ro cho ngư dân giữa biển khơi…

Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ việc thành lập quỹ này, đồng thời giao các sở ban ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, lập đề án hoàn chỉnh, trình UBND xem xét. Quỹ được xây dựng dưới hình thức xã hội hóa, theo dạng bảo hiểm cho ngư dân, vì thế ngoài nguồn ngân sách nhà nước, bản thân các chủ tàu thuyền sẽ có nghĩa vụ đóng góp một phần theo định kỳ.

Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện thí điểm quỹ này với những ngư dân đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong trường hợp tàu gặp nạn, bị tàu nước ngoài đâm chìm, bắt giữ hay trấn cướp, đập phá phải có cơ chế cụ thể để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho ngư dân - ông Nhi cho biết thêm. Việc hỗ trợ được tiến hành thông qua sự phối hợp thực hiện, kiểm tra giám sát của Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, Sở Tài chính Quảng Ngãi.

Theo ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Quảng Ngãi, thực tế những năm qua việc hỗ trợ ngư dân bám biển được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau, ngoài việc hỗ trợ tiền dầu như quyết định trước đây, trong trường hợp ngư dân gặp nạn, bị tàu nước ngoài đâm chìm tàu hay bị bắt giữ sẽ được hỗ trợ mức 30kg gạo/người/tháng, trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này chưa đủ góp phần vực dậy cuộc sống của các hộ ngư dân gặp nạn, vì thế có thêm quỹ hỗ trợ, ngư dân sẽ bám biển nhiều hơn, hiệu quả hơn.

 Nhiều địa phương hưởng ứng

Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho rằng, lập quỹ hỗ trợ ngư dân là một đề xuất hay, phù hợp với mong mỏi của hầu hết ngư dân tại các địa phương ven biển miền Trung. Bởi vì, trong thời gian qua, việc ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, bị “tàu lạ” tấn công đã gây nhiều bất ổn trong đại bộ phận tầng lớp nhân dân. Cho nên, tính khả thi của quỹ này là rất cao. Việc thu hút sự đóng góp từ các “mạnh thường quân”, các tổ chức, cá nhân nếu được kêu gọi, họ sẵn sàng chung tay giúp đỡ. Ông Quỳnh kiến nghị, các địa phương ven biển miền Trung nên “cùng bắt tay” xây dựng quỹ để ngư dân được hưởng lợi đồng bộ.


 

Theo Tiền phong