Khi người trẻ bị cuốn vào công việc

(CTG) Khi người trẻ bị cuốn vào công việc, phụ huynh than vãn: “Nó đi cả ngày, ngủ ít, suốt ngày ôm máy tính. Nhiều khi muốn nhìn kỹ mặt con trai, thể hiện tình cảm phải đợi đến hơn 2 giờ sáng, lúc đó nó lăn ra ngủ mới lên phòng nó nhìn được”.

Trí thức trẻ hôm nay - Ảnh: Hồng Vĩnh

Người trẻ làm sếp

“Học hành bài bản cũng tốt, nhưng chưa được tính là thành công”, anh Trần Quang Anh, surpevisor  Cty thực phẩm Tiến Thành của TPHCM tại Hải Phòng cho biết. Quang Anh sinh năm 1984, nhưng đã là một trong những CEO nổi tiếng nói thế.

Trước đây, quan niệm về tuổi thành công thường khoảng từ 35 - 40, hoặc ngoài 40. Đó là tuổi đủ trưởng thành, chín chắn và đủ sức đảm nhiệm một trọng trách nào đó. Một vài người thành công ở tuổi 35 được quan niệm là quá trẻ, và đó có thể coi như hiện tượng.

Thành công được hiểu: đảm nhận một trọng trách (trong một đơn vị, tổ chức), các mối quan hệ xã hội tốt, cơ sở vật chất đầy đủ hoặc hơn đầy đủ…

Chị Bùi Hương Liên, sinh năm 1982, một trong những saler nổi tiếng của Kim Đan cho biết: “Khi mình ra trường, đi làm, khái niệm của mình là làm việc để tìm cơ hội. Và mình không nghĩ sẽ gắn bó với một nơi nào quá lâu để tìm sự chắc chắn. Mình tìm các cơ hội thăng tiến ở những chỗ làm. Gia đình mình có công ty riêng, nhưng mình vẫn ra ngoài làm việc”.

Chị Trần Thị Thanh, sinh năm 1982,  thiết kế, kiêm chủ cửa hàng thời trang 254A Hàng Kênh, Hải Phòng cũng cùng quan điểm với chị Liên. Chị Thanh đi làm thiết kế cho các công ty 2 năm thì tách ra làm riêng. “Mọi việc ban đầu có vẻ phiêu lưu, nhưng rồi cơ hội vẫn mở ra cùng những khó khăn”, chị Thanh chia sẻ.

Trong danh sách 20 nhân vật thành công ở tuổi 26 - 30 mà tôi gặp gỡ, có cả những bạn trẻ đã thành công hoặc đang trong xu hướng thành công làm những người đi trước giật mình. Đó là vài bạn sinh năm 1987, mới ra trường được 4 – 5 tháng.

Nguyễn Lan Hương, học Toán - Tin, ĐHKHTN  (ĐHQGHN), đi làm được 4 tháng cho một Cty phần mềm, lương khởi điểm của Hương là 3,5 triệu đồng/ tháng, nhưng bây giờ cô đã một mình phụ trách những dự án lớn với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

“Mô tả về chân dung bạn bè mình, mình có thể nhắm mắt nói: tốc độ đi, ăn, nói, của họ rất nhanh. Họ ăn mặc gọn gàng. Thao tác trên máy tính tốt”, anh Trần Văn Lịch, sinh năm 1981, Chủ tịch tập đoàn Hapecom (số 1 Phạm Ngũ Lão - Ngô Quyền – Hải Phòng) nói. Bạn học đại học cùng anh hầu hết đã thành lập Cty riêng hoặc đảm nhận trọng trách lớn của những tập đoàn lớn.

Café và café

Một thống kê nho nhỏ: cuối năm 2008, chỉ những quán café lớn như Maxim, Nano… ở Hải Phòng mới lắp đặt hệ thống wifi phục vụ khách hàng. Nhưng đến tháng 10 – 2009, hầu hết hệ thống các quán café ở Hải Phòng đều có sóng wifi.

“Có những nhóm khách vào uống café, làm việc ở đây như đến văn phòng. Họ trải kín laptop trên bàn và bàn luận rất sôi nổi”, bạn Nguyễn Nam, nhân viên phục vụ ở Lanscape café, 200 Văn Cao, Lê Chân - Hải Phòng cho biết.

Một đặc điểm khá phổ biến của các bạn trẻ là phải tích lũy kinh nghiệm chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm khác trong khoảng thời gian rất ngắn. Họ vừa phải hoàn thành tốt công việc chuyên môn, vừa phải thể hiện những năng lực khác. Đó là sức ép rất lớn đối với những người trẻ tuổi.

“Em có 4 người bạn thân, cả trong công việc và cuộc sống, có tới 3 đứa, trong đó có em, bị đau dạ dày, và cả 4 đứa đều cân nặng cận”, Nguyễn Phương, sinh năm 1988, sinh viên năm thứ 4, Viện Đại học Mở cho biết.

Có những ngày mình ôm quán café từ 9 giờ đến 22 giờ. Có lẽ nỗi khổ của những người đi làm bây giờ không phải là việc đưa chất cồn vào người nhiều, mà đưa quá nhiều chất kích thích của café và thuốc lá vào cơ thể”, anh Trần Sơn, sinh năm 1981, quản lý của Vinamit tại Hải Phòng cho biết

Thời gian để các bạn trẻ đạt được thành công đã được rút ngắn lại, nhưng hệ lụy của nó là sức khỏe có vấn đề sớm. Hoặc họ quá bận rộn với những mối quan hệ công việc, những mối quan hệ khác bị lơi là.

Cô Phạm Thị Minh, có con trai sinh năm 1987, mới ra trường, than thở: “nó đi cả ngày, ngủ ít, suốt ngày ôm máy tính. Nhiều khi muốn nhìn kỹ mặt con trai, thể hiện tình cảm phải đợi đến hơn 2 giờ sáng, lúc đó nó lăn ra ngủ mới lên phòng nó nhìn được.

Mỗi lần về thăm ông bà, họ hàng ở quê, nó luôn phải tranh thủ, vội vàng hoặc trả lời điện thoại liên tục. Nhưng không thể bắt nó dừng công việc được”.

Thói quen mới của những nhân vật thành công, hoặc đang tiệm cận thành công ở tuổi dưới 30 là quá chăm chú đến máy tính, điện thoại, các hoạt động vui chơi offline (ra ngoài chơi, không liên quan đến văn phòng, máy tính) giảm hẳn.

“Hồi sinh viên mình cũng hay đi chơi, hay tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhưng đi làm rồi thì không có thời gian”, đó là lời giải thích của chị Bùi Hương Liên.

Hầu hết những người được hỏi “nếu một ngày không phải đi làm, không có mạng internet, họ sẽ làm gì?” đều trả lời là sẽ ở nhà ngủ, hoặc nằm nghe nhạc. Khoảng thời gian tự do của họ chỉ là thế thôi.

 Theo Tienphong Online