Mùa vàng Hoàng Sa

(CTG) “Vô phiên này có đi Hoàng Sa nữa không anh?” -Nghe tôi hỏi, thuyền trưởng Tiêu Viết Thường quả quyết: “5 ngày nữa anh em lên đường ra Hoàng Sa”.

 



Tàu ngư dân Lý Sơn từ Hoàng Sa trở về.
 


Vào vùng “bão”

Ngày 30-4-2010, sau khi ăn mừng lễ 30-4 và 1-5, thuyền của anh Thường và 20 chiếc thuyền  khác tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã đồng loạt ra khơi. Hoàng Sa – đó chính là đích đến của các ngư dân. 35 tuổi, gần 15 năm đi biển, bằng kinh nghiệm “chinh chiến” trên biển cả, trên hải trình, thuyền trưởng Tiêu Viết Thường và các tàu cá khác luôn giữ liên lạc và nắm chắc tình hình tại các tọa độ, trước khi cho thuyền lao vào vùng “bão”. Một thuyền trưởng trong đội tàu tiên phong bám biển của xã Bình Châu, Võ Tân nhớ lại: Lúc ra đi, tình hình ngoài Hoàng Sa rất “nóng”, bởi mấy vụ nước ngoài ngang ngược bắt bớ liên tiếp. Trong số đó, có người hàng xóm – ông Tiêu Viết Là – 4 lần liên tiếp bị bắt ở Hoàng Sa. Việc nước ngoài cấm đánh cá trên vùng biển của ta là điều không thể chấp nhận được. Cho nên anh em xác định vẫn ra khơi. Bằng kinh nghiệm dày dạn của một ngư dân từng trải, anh Tân quyết định sẽ tiếp tục bám trụ ở vùng nguy hiểm nhất. Trong những ngày làm ở đây, thuyền anh Tân đã một lần phải tăng ga, đẩy hết số để né những con tàu đáng ngờ lao về phía các ngư dân. Anh Tân cho biết, thuyền của anh Thường - một đồng hương của anh, cách đây chưa lâu đã thực hiện một pha “đua” với tàu chiến nước ngoài trong vòng 2 giờ đồng hồ.



Thuyền trưởng Phạm Quang chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi.


Cầu nối ngoài khơi với đất liền

“04 đi hướng nào? - chưa bao giờ ngư dân lại cập nhật thông tin trên sóng điện nhiều như thời điểm này. Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 13 đài canh cộng đồng tại các địa phương ven biển và các đài canh của Bộ đội Biên phòng. Hiện nay, các đài canh này đang thực hiện chế độ trực liên tục để theo dõi tình hình ngư dân đi làm ăn trên biển. Các ngư dân cho biết, muốn bảo vệ nhau thì phải vừa làm vừa canh chừng. Chính vì vậy, tất cả các tàu thuyền đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa đang liên kết thông tin hết sức chặt chẽ. Khi trên biển xuất hiện một “chấm đen”, máy Icom trên các thuyền đã thông báo để tất cả các tàu tập trung sự chú ý, bảo vệ lẫn nhau.

Trong bữa liên hoan đoàn tụ với người thân từ Hoàng Sa trở về, ông Võ Thanh Nam - phụ trách đài canh cộng đồng xã Bình Châu, người làm cầu nối giữa các ngư dân và đất liền, cứ nằng nặc nhắn nhủ: “Nói ngành hàng hải cấp cho chúng tôi cái hải đồ chống thấm, loại có biên rộng 140. Bởi thời điểm này, từng ngày, từng giờ đều phải đánh dấu coi bà con mình đang nằm  đâu đó ở Hoàng Sa để mà theo dõi. Nếu bão tố bất ngờ, mình còn hướng bà con đi dạt lên biên trên”.



Các tàu cá của ngư dân đồng loạt ra Hoàng Sa.


Mùa vàng từ Hoàng Sa

Vừa trở về bến Sa Kỳ, thuyền của ông Võ Tân và các ngư dân đã bán hết veo mấy hầm cá - thành quả sau 21 ngày lao động trên biển. Riêng thuyền ngư dân Tiêu Viết Thường cập bờ vào buổi chiều tối. Với số tiền 230 triệu đồng/thuyền, trừ phí tổn, mỗi ngư dân được chia phần 12 triệu đồng. Tại ngôi nhà của anh Tân, vợ các ngư dân đã có mặt để nhận thành quả lao động từ ngoài khơi mang về. Những đồng tiền trên bàn tay của các chị mang nặng nhọc nhằn của người chồng, có hơi nóng của những ngày căng thẳng nghe ngóng tin tức từ đất liền. “Không chỉ riêng tàu này, qua máy Icom, tất cả mọi tàu cá khác đều nói là phiên này đánh ở Hoàng Sa trúng đậm, nhất là mấy tàu đánh cá ở Gò Ba Tiến thuộc quần đảo Hoàng Sa” - ngư dân Võ Tân phấn khởi cho biết.

Gò Ba Tiến? Đó chính là những đảo đá ngầm không có tên trong hải đồ, nhưng các ngư dân hầu như “nhẵn mặt” nên đặt cho cái tên của người thuyền trưởng đầu tiên phát hiện ra và đánh dấu trên toạ độ định vị. Nếu tình hình tiếp tục “căng”, anh em ngư dân đi Hoàng Sa hay neo chơi, làm ăn gần nhà? Không chờ hỏi hết câu, tất cả các ngư dân đều khẳng định: “Đi chớ. Nghỉ ngơi xong, cả làng lại rủ nhau cùng lúc xuất bến đi Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của bao đời quê mình...”.

Theo Biên phòng