Nghĩa cử tồn tại ở đâu?

(CTG) Trong tầng nấc sâu xa nào đó, cái xã hội ấy vẫn trông chờ và ngưỡng mộ những hành động chân chính của con người. Họ phát khóc lên khi thấy những nghĩa cử giữa đời bất ngờ xuất hiện.

Chàng kỹ sư trẻ đang làm việc tại Nhật Bản, tình cờ xem một livestream về tai nạn giao thông tại Phú Hòa Đông, Củ Chi. Trong những người đang vật vã đau đớn vì mất người thân, có những người mà anh biết. Hỏi lại thông tin, đau đớn thay, chàng trai biết người đã mất kia chính là vợ chưa cưới của mình.

Họ cùng học ĐH Bách khoa, cùng sang Nhật làm việc. Đã làm mọi thủ tục kết hôn. Vợ anh về Việt Nam và đang làm phiên dịch cho một công ty của Nhật. Cuối tháng 9-2019 họ sẽ cưới nhau tại Việt Nam với bao nhiêu viễn cảnh đẹp giữa đời. Vậy mà…
Chàng trai với sự giúp đỡ của công ty và bạn bè, mua ngay vé máy bay, bay từ Nhật về Việt Nam.

Anh bay từ 13 giờ đến 20 giờ thì xuống sân bay, 22 giờ về đến Củ Chi nhà vợ.

Chàng trai với lẵng hoa cưới, sợi dây chuyền và đôi nhẫn đã đến trước quan tài người vợ và hát lên bài hát mà vợ anh từng yêu thích. Rồi anh quỳ xuống, mở hộp nhẫn cưới, lấy ra một chiếc đặt lên di ảnh của vợ trên bàn thờ, chiếc còn lại đeo vào tay mình. Anh đưa bàn tay đeo nhẫn lên khoe với vợ như một minh chứng về tình yêu bất diệt.

Anh đưa bàn tay đeo nhẫn lên khoe với vợ như một minh chứng về tình yêu bất diệt. Ảnh: VŨ PHƯỢNG/TNO

Chàng trai cầm micro nói như tâm sự với vợ mình: “Một người bạn của anh nói, chắc thiên đường có chuyện gì gấp mới kêu em về, chớ hà cớ chi mà em vội vã ra đi…”.

Câu nói như buốt vào tim của bạn bè, gia đình cô dâu, chú rể trong một đám cưới kỳ lạ giữa cuộc đời: Người ở dương gian, người nơi âm phủ - dù chỉ còn hơn một tháng nữa là họ đã thật sự tay trong tay bước lên sảnh đường tiệc cưới để nhận lãnh trách nhiệm vợ-chồng, dâu rể với hai bên nhà trai gái.

Người mẹ chú rể đầu tóc bạc trắng. Tấm lưng còng. Bà cầm micro chững chạc nói chuyện cùng con dâu trong quan tài. Bà kể: Bà yêu cô con dâu như con gái, vì bà chỉ có một thằng con trai. Bà đau đớn biết rằng con dâu bà chết khi đang đi mua quà cho mẹ chồng. Bà nói: Chỉ còn hơn một tháng nữa thôi, lễ cưới diễn ra, ba người chúng mình đã bước lên đài vinh quang. Rồi bà giải thích về hai chữ vinh quang của mình rằng thì cả cuộc đời bà quá cơ cực, bà nuôi dạy con cái, cho đi ăn học, trưởng thành, kết quả cao nhất mà bà mong đợi là ngày thằng con trai từ Nhật Bản trở về tổ chức đám cưới. Ngày đó, cả nhà bà được vinh quang. Người mẹ bình tĩnh nhưng lưng bà như oằn thêm sâu hơn trong câu nói ấy!

Đời như dừng lại, thời gian như vết thương, khi người con trai làm xong thủ tục kết hôn, anh cởi áo khoác đang mặc đưa cho mẹ rồi choàng tay ôm mái đầu bạc phơ của mẹ vào lòng. Họ khóc, run run, nghẹn ngào.

Mọi ánh mắt người dự tang chan hòa nước mắt.

Một câu chuyện bất thường ở giữa cuộc đời thường.

Nhưng giữa sự bất thường ấy, có một thứ nghĩa cử đời thường khiến họ trở thành những nhân vật được ngưỡng mộ và lan truyền trên mạng xã hội: Họ đã đối đãi với nhau bằng chuẩn mực hành xử của ĐẠO LÝ - LUÂN THƯỜNG. Cách hành xử vốn đã làm cho con người, khác với các loài khác trên quả đất này.

Đặc biệt, nó được người đời lưu tâm trong bối cảnh mà những hành vi lệch chuẩn lại nhan nhãn giữa đời. Niềm tin bị ô uế khi nhiều quan chức nói năng hành xử dối trá, hung bạo, dùng miệng, dùng mưu để quanh co tội lỗi, cứu vớt bản thân. Ở một góc độ nào đó, xã hội dường như đang trong cơn ẩn ức. Một khi mà kẻ chức quyền ra tay lung lạc và dối trá, bạc tiền vung vẩy… thì kẻ thường dân sẽ tự mình gồng lên, cũng theo thói dập kẻ yếu hơn, bẻ cong đường đạo lý, lấy sự xấu xa, dối trá, lọc lừa mà xử cùng nhau. Ấy là lẽ thường tình không hơn không kém.

Trong tầng nấc sâu xa nào đó, cái xã hội ấy vẫn trông chờ và ngưỡng mộ những hành động chân chính của con người. Họ phát khóc lên khi thấy những nghĩa cử giữa đời bất ngờ xuất hiện.

Và những NGHĨA CỬ ấy, đa phần là xuất hiện từ chốn thường dân.

Cách đây năm năm, ngày 1-9-2014, có một cặp đôi từ Hà Nội đi chuyến xe định mệnh du lịch Sapa rồi chiếc xe bị nạn. Cô gái qua đời và chàng trai, người chồng tương lai, quyết định xin gia đình bạn gái, (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), mở nắp quan tài để anh đeo chiếc nhẫn cưới cho người vợ mình vào lúc nửa đêm.

Năm 2011, trong vụ án chấn động miền tây: Nhà báo H. bị vợ là bà L. dùng xăng thiêu sống, có một chi tiết cảm động giữa hai ông bà suôi gia của nạn nhân và hung thủ: Người cha bà L. đã mời mẹ của nhà báo H. ngồi yên vị tại bàn. Ông mang ra một khay trầu rượu, rót rượu ra ly và quỳ lạy xin tạ lỗi cùng Suôi gia. Bà mẹ già của nạn nhân vội vã nâng ông ngồi dậy nói một câu nhẹ lòng: “Anh suôi nào có lỗi gì đâu…”. Giữa câu chuyện đau lòng và bại hoại của giá trị gia đình, thì trong cõi nhân gian, người ta vẫn cố gắng để hành xử sao cho cho chữ đạo lý được vẹn tròn.

Đó là cách mà nhân gian muốn nuôi một hy vọng mãnh liệt vào NHÂN NGHĨA, ĐẠO LÝ ở đời.

Nó làm cho con người luôn còn hy vọng...

Theo PLO