Ngôi nhà của pin

(CTG) Thay vì để người dân vứt pin bừa bãi chung với rác thải sinh hoạt, các bạn trẻ Đà Nẵng đã tạo ra những “ngôi nhà của pin” làm nơi tập kết các loại pin cũ, sạc dự phòng hỏng, sau đó thu gom để chuyển đến những điểm xử lý pin tập trung.

 

Cứ 2 tuần, anh Phạm Phú Vũ, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh (bên trái) đi thu gom pin từ các “Ngôi nhà của pin” Ảnh: Giang Thanh

Từ mấy tháng nay, người dân sống quanh khu vực UBND phường Phước Ninh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) có thêm một thói quen mới, đó là đem pin đến bỏ ở “Ngôi nhà của pin”. Tiện đường đi chợ sáng, bà Nguyễn Thị Nhơn (63 tuổi, tổ 30, phường Phước Ninh) xách một túi giấy chứa đầy những viên pin đủ kích thước đến đây.

“Đồ chơi của mấy đứa cháu tui, cái nào cũng dùng pin, đủ loại cả, cứ mỗi tháng là thay một loạt. Trước đây không có chỗ để, nhà tui cứ gom lại bỏ bao ni lông. Nhưng để trong nhà cũng lo trẻ con chơi nghịch, nuốt phải. Tui thấy mô hình này rất hiệu quả, thiết thực, tạo cho người dân trong khu vực thói quen phân loại và vứt pin ở “thùng rác” riêng, vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường”, bà Nhơn nói.

Mô hình “Ngôi nhà của pin” được Đoàn phường Phước Ninh triển khai từ tháng 2/2020. Ban đầu, nhà pin chỉ được lắp trước cổng UBND phường để người dân sống quanh khu vực này tập kết pin. Sau đó, ý tưởng tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng nên Đoàn phường quyết định nhân rộng.

“Ở nhà, tôi cũng thường giữ pin cũ trong các chai nhựa, vì không biết điểm tập kết nên một thời gian chai sẽ đầy, cũng không biết xử lý như thế nào. Nhiều loại thùng rác cũng có chỗ bỏ pin nhưng chỉ được đặt rải rác, và theo thói quen, nhiều người cũng chỉ vứt chung pin với rác sinh hoạt. Bởi vậy, tôi nghĩ ra ý tưởng làm mô hình “Ngôi nhà của pin” để người dân điểm vứt pin cũ”, anh Phạm Phú Vũ, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh nói.

“Ngôi nhà của pin” được làm từ những tấm nhôm, keo, ốc vít,… để làm, xung quanh được dán giấy decal có in các hình ảnh, thông điệp nhắc nhở người dân về tác hại của pin. Mỗi mô hình có kích thước nhỏ gọn, với thiết kế cửa sập tự đóng lại để nước mưa không lọt vào.

“Tôi chỉ làm kích thước vừa phải để chứa pin đã qua sử dụng. Vì nếu làm lớn, những điểm đặt mô hình rất dễ trở thành điểm tập kết rác. Như vậy, mô hình không những không phát huy được hiệu quả mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường”, anh Vũ cho biết.

Mỗi mô hình có thể chứa đủ số pin thải ra của 40 đến 60 hộ dân. Cứ đều đặn 2 lần một tuần, các bạn đoàn viên, thanh niên sẽ thu gom và đem đến các điểm xử lý. Hiện đoàn phường đã lắp đặt 10 mô hình và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai ở các tuyến phố trung tâm của phường. Mô hình sẽ được ưu tiên đặt ở các tuyến đường ngang, tuyến đường nhỏ... để người dân có thể dễ dàng tìm được điểm tập kết pin cũ, đồng thời, lan tỏa thông điệp này rộng hơn trong cộng đồng.

Xây dựng những cộng đồng gom pin cũ

Cũng được triển khai từ tháng 2/2020, chiến dịch thu hồi pin cũ của Phân Đoàn thanh niên Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở KH&CN) cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. “Ở Đà Nẵng, việc thu gom pin cũ được nhiều người để ý từ cuối tháng 11/2019. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, phong trào này cũng bớt nhiệt đi, vì vậy, Đoàn thanh niên của Trung tâm đã quyết định khởi động lại”, chị Trần Thị Thanh Thủy, Phân Đoàn trưởng Phân Đoàn thanh niên Trung tâm Công nghệ sinh học, cho biết.

Ngoài việc lắp đặt những điểm tập kết pin cũ bằng các chai nhựa tái chế ở trung tâm để tạo thói quen phân loại rác cho các cán bộ, nhân viên, Đoàn thanh niên Trung tâm còn vận động cán bộ, nhân viên trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực, mỗi nhà là một điểm tập kết pin cũ trong cộng đồng của mình.

“Sau khoảng một tháng triển khai, chúng tôi nhận thấy các tiệm tạp hóa, các hiệu sách là nơi người dân thường mang pin cũ đến nhất. Vì khi đi mua pin mới, người ta thường mang theo pin cũ để mua cho đúng. Bởi vậy, tại nơi mình sống, chúng tôi vận động các chủ tiệm tạp hóa, hiệu sách đặt những điểm thu gom pin cũ nhỏ. Cứ khoảng một tháng, chúng tôi sẽ đến thu pin”, Thủy kể.

Chiến dịch thu hồi pin cũ “Chung tay hành động vì hệ sinh thái bền vững” của Đoàn Thanh niên Trung tâm Công nghệ sinh học không chỉ được toàn thể cán bộ, nhân viên, đoàn viên Trung tâm hưởng ứng mà còn lan rộng trong Đoàn khối các cơ quan thành phố, được nhiều đơn vị triển khai.

“Lượng thủy ngân có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 600.000 lít nước hoặc 1 m3 đất trong 50 năm. Chưa kể pin chứa nhiều kim loại nặng khác như chì, cadmium, kẽm... Mong muốn của chúng tôi đó là tạo nên những cộng đồng thu gom pin cũ, lan tỏa thói quen phân loại rác trong cộng đồng dân cư để góp phần giảm thiểu tác hại của pin cũ đối với môi trường”, Thủy nói.

Theo TP