Ông kể: "Tôi thấy người Mỹ kéo nhà đến vùng bị nạn để dân ở tạm, sau khi nhà cửa ở địa phương được xây dựng lại, nhà di động lại được đưa đi nơi khác. Từ ý tưởng này, tôi mày mò nghiên cứu làm nhà di động cho người Việt Nam".
Thế nhưng hành trình thiết kế và ra lò dòng sản phẩm nhà di động của ông Thọ gặp không ít rắc rối. Đầu tiên là tìm giải pháp kỹ thuật cho căn nhà nhỏ có được không gian tối ưu.
Kế đến là tìm vật liệu thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, vừa sử dụng lâu dài vừa có giá thành rẻ. Nhưng cái khó nhất là khâu cuối cùng: Làm sao vận chuyển được căn nhà này trên đường phố Việt Nam để đến nơi cần sử dụng.
"Lần đầu tiên kéo căn nhà 13m2 ra phố, bị cảnh sát giao thông thổi phạt, tôi phải giải trình kể khổ nửa ngày trời mới được cho đi. Sau đó phải làm giấy xin phép vận chuyển căn nhà và chỉ tranh thủ kéo đi ngoài giờ cao điểm để tránh ùn tắc", ông Thọ nhớ lại.
Sau đó là những khách hàng ở tỉnh lẻ như Long An, Bến Tre, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng. Thậm chí có một doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác khoáng sản ở Campuchia cũng mua nhà di động để làm nhà cho ban quản lý dự án. Tại Việt Nam, nhà di động chủ yếu được đặt ở vùng tạm cư trong khu công nghiệp, khu quy hoạch, khu du lịch, công trường, trang trại...
Vị kiến trúc sư chia sẻ, ông đã bán một căn nhà, đổ 4 tỷ đồng vào dự án nhà di động trong nhiều năm qua để theo đuổi đam mê. Niềm vui đối với ông là gây được ngạc nhiên thích thú cho khách tham quan các kỳ triển lãm. Nhà di động được rất nhiều bạn trẻ góp ý, đưa ra ý tưởng sáng tạo nhằm hoàn thiện sản phẩm.
Chẳng hạn: tiện nghi sinh hoạt ngày càng đầy đủ có thêm máy làm mát, máy lạnh, nhà để xe, nơi phơi đồ, nhiều cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên, thông gió, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, ông Thọ cũng ôm nỗi buồn vì sản phẩm không đến được tay người nghèo và khó có thể nhân rộng mô hình.
"Ban đầu tôi nghĩ mình làm ra sản phẩm này bán cho người nghèo vì một căn nhà có giá thấp nhất 80 triệu đồng, cao nhất 110 triệu đồng. Tuy nhiên người nghèo không có đất trống để đặt căn nhà nên họ không mua được. Cuối cùng khách mua là người giàu và doanh nghiệp. Số lượng cũng rất hạn chế", ông Thọ nói.
Mong muốn đem sản phẩm này đến khu công nghiệp giúp công nhân, ông Thọ từng đề xuất quy hoạch những khu đất trống tại các khu công nghiệp để đặt nhà xe phục vụ người lao động. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu khảo sát.