Những người dựng xây đảo ngọc

(CTG) Nằm ở vị trí đắc địa trên đường hàng hải quốc tế, cách quần đảo Trường Sa hơn 200 hải lý, đảo Phú Quý (Bình Thuận) ngập tràn nắng và gió. Nơi đây có những đứa con của đất liền đang cùng người dân địa phương đồng lòng, bền chí, vì chủ quyền biển đảo.



Màu xanh trên chi nhánh điện lực Phú Quý

Những người dự báo nắng, gió

Để mỗi tối khán giả truyền hình cả nước được biết tình hình thời tiết tại các huyện đảo: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang)..., những cán bộ khí tượng đã có mặt tại những nơi đầu sóng ngọn gió này.

Ở trạm khí tượng hải văn Phú Quý hiện có sáu người. Trạm trưởng là anh Nguyễn Văn Mến, người gốc trên đảo, vợ anh hiện đang làm cán bộ tại trạm khí tượng Phan Thiết trong đất liền. Ngoài trạm trưởng, các cán bộ Nguyễn Vĩ, Bùi Thị Liên, Võ Thị Bé Nguyên, Đỗ Trường Sơn... đều chưa có gia đình.

Thành viên nhỏ nhất của trạm là Nguyễn Thị Trang, SN 1987, là người từ đất liền được điều động ra đảo. Gia đình cô đang ngụ TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Sau hai năm học tập tại trường Trung cấp Khí tượng thủy văn (nay là trường Cao đẳng Tài nguyên môi trường), tọa lạc quận Tân Bình, TPHCM, cô gái nhỏ nhắn này được điều động về công tác tại trạm khí tượng Tuy Hòa.


Nguyễn Thị Trang

Chưa “ấm” chỗ, Trang nhận nhiệm vụ ra đảo Phú Quý. Xa nhà, phải tá túc trong khu tập thể trạm, Trang luôn coi các thành viên trạm như anh chị em ruột thịt trong gia đình. Chúng tôi thật xúc động khi chứng kiến tình bạn giữa Trang, Liên và Nguyên vì họ từng học chung lớp tại TPHCM và giờ đây lại công tác cùng chỗ.

Công việc hàng ngày của cán bộ trạm là thu nhập số liệu khí tượng, hải văn, phục vụ dự báo và chuyển bản tin về trung tâm khí tượng thủy văn Bình Thuận để lên sóng truyền hình. Mùa biển bình yên, người trực gởi tin qua internet và điện thoại về đất liền. Mùa biển động, cán bộ sẽ báo cáo tình hình qua Icom (vô tuyến điện).

"Giám đốc nhà đèn"
 
Khác với huyện đảo Trường Sa có những “cối xay gió” để làm ra điện, Phú Quý chỉ có một nhà máy nhiệt điện cung cấp cho hơn 300.000 dân. “Thủ lĩnh” của chi nhánh điện lực là anh Phạm Xuân Nguyên, một người con của đất liền tình nguyện vác balô ra đảo. Anh Nguyên cho biết, chi nhánh có 32 người, ngoài anh còn có ba cán bộ khác được “cắt cử” từ đất liền ra.


Phạm Xuân Nguyên

Trước đây, huyện đảo chỉ sử dụng đèn dầu hoặc máy nổ. Năm 1998, nhà máy nhiệt điện hình thành, đến ngày 27-3-1999 thì đi vào hoạt động với 7.500 lít dầu mỗi ngày.

Giao thừa năm 2000, cán bộ điện lực đã đến từng hộ dân để lắp miễn phí bóng đèn compact nhằm tiết kiệm công suất. Để phủ xanh đồi núi trọc, chi nhánh thử nghiệm, ươm mầm cây bang, phát không tới các trường học để thế hệ tương lai có nơi học tập, vui chơi mát mẻ.

Cán bộ chi nhánh hiện có 6 người đạt trình độ đại học, có cả nguồn lực tại địa phương. Điện lực Phú Quý đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Bộ công thương, chủ tịch tỉnh, Công ty điện lực 2...

Ít ai biết chặng đường đã qua của “giám đốc” nhà đèn đầy rẫy thăng trầm. Đang học năm 3 ĐH, người cha thân yêu của Nguyên qua đời vì bệnh ung thư. “Ba không sống được nữa, con phải thay cha giúp các em ăn học. Vừa nói cha vừa khóc, lời dạy của người cha đi theo tôi suốt cuộc đời” - người con trai đầu kể trong nỗi nhớ chợt ùa về. Vào lại Sài Gòn, Nguyên làm đủ mọi việc như phụ hồ, dạy kèm để học nốt đại học và gởi tiền về nhà nuôi các em tiếp tục đến trường.

Đến nay, các em của anh đã tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Bách khoa, Kinh tế... đa số đều theo chân anh công tác trong ngành điện lực.


Trạm khí tượng


Đảo ngọc giờ đây đang cất cánh từng ngày với những tòa nhà khang trang, phố thị sầm uất, trở thành một “thành phố” rực sáng giữa biển đông. Có được điều ấy là nhờ sự đóng góp của những con người không sợ khó khăn, gian khổ.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh