Những tiến bộ trong công nghệ do thám quang học

(CTG) Hãng Fujifilm vừa đưa ra thị trường dòng camera SX800 dùng vào việc giám sát an ninh, có độ phóng đại quang học (optical zoom) lên đến 40x.

Máy bay do thám SR-71 Blackbird có khả năng bay với vận tốc trên Mach 3 - WIKIPEDIA

Dòng này được thiết kế dành cho việc giám sát tại biên giới giữa các quốc gia và những khu vực rộng lớn như bến cảng, kho tàng, đường cao tốc… SX800 có ống kính 35 mm với biên độ tiêu cự từ 20 mm đến 800 mm và có thêm khả năng zoom số 1,25 x. Hãng Fujifilm cho biết sự kết hợp zoom quang và zoom số sẽ giúp cho SX800 đạt tương đương loại ống kính có tiêu cự 1.000 mm. Trong đoạn video quảng cáo SX800 của Fujifilm, camera này có thể đọc rõ chữ ghi trên một cái bảng nhỏ ở cự ly đến 2,2 km, cũng như có thể đọc được biển số ô tô ở cự ly 1 km. SX800 có các chức năng tự động lấy nét cực nhanh (chỉ mất 0,3 giây), chống rung quang và bộ xử lý hình ảnh có khả năng loại bỏ nhiễu do sương mù, hơi nóng.

Việc giám sát, do thám bằng thiết bị quang học đã xuất hiện vào Thế chiến thứ nhất để phục vụ cho mục đích quân sự. Ảnh được chụp từ trên cao bằng khinh khí cầu hay máy bay cánh quạt. Máy ảnh thời đó thô sơ nên chất lượng ảnh chụp khá kém.

Máy bay do thám U-2 của Mỹ - Ảnh: WIKIPEDIA

MiG-25 được chế tạo nhằm mục đích bắn hạ máy bay do thám SR-71 và các loại oanh tạc cơ siêu thanh của Mỹ - Ảnh: WIKIPEDIA

Vào thập niên 1950, công nghệ chế tạo vệ tinh chưa hoàn thiện, do đó giới chức tình báo và quân sự Mỹ phải dựa hoàn toàn vào máy bay do thám trang bị máy chụp ảnh độ phân giải cao để trinh sát lãnh thổ đối phương. Nổi tiếng nhất vào thời kỳ này là loại máy bay do thám U-2 Dragonfly của Mỹ do hãng Lockheed chế tạo riêng cho Cơ quan Tình báo Trung ương - CIA. U-2 có khả năng bay cao đến 21 km, ngoài tầm với của các loại tên lửa phòng không và chiến đấu cơ của Liên Xô thời đó.

Công nghệ chế tạo thiết bị quang học thập niên 1950 đã có những tiến bộ lớn giúp cho chiếc U-2 bay ở độ cao hàng chục km vẫn có thể chụp những bức ảnh rõ nét. Những bức ảnh này cực kỳ giá trị về mặt chiến lược quân sự và được giữ bí mật tuyệt đối về độ phân giải của ảnh suốt một thời gian dài. Mãi cho đến năm 1997, khi chính phủ Mỹ cho giải mật một số không ảnh do U-2 chụp vào những năm 1956 - 1962, công chúng mới biết là ảnh U-2 có độ phân giải cao gấp nhiều lần so với ảnh vệ tinh Google Earth hiện nay.

Không quân Mỹ không công bố ảnh chụp chính thức về RQ-170, chỉ có bản vẽ nhận dạng máy bay này để phổ biến trong quân đội - Ảnh: WIKIPEDIA

RQ-4 Global_Hawk có thể hoạt động liên tục trên không 23 giờ liền - Ảnh: WIKIPEDIA

U-2 bắt đầu hoạt động do thám lãnh thổ Liên Xô vào năm 1956. Dù radar của người Nga đã phát hiện được sự xâm nhập của những chuyến bay do thám này, nhưng họ vẫn chưa tìm ra cách đối phó. Bởi, loại tiêm kích phản lực đang có của Liên Xô là MIG-19 với trần bay cao tối đa 17 km thì không thể leo đến độ cao 21 km để săn đuổi U-2. Phải cho đến tháng 5.1960, với sự xuất hiện của tên lửa đất-đối-không S-75 Dvina (NATO gọi là SAM 2) có trần bắn 22 km, lực lượng phòng không Liên Xô mới có thể bắn hạ được chiếc U-2 do phi công Gary Powers lái.

Nhận thấy nhược điểm của U-2 là tốc độ bay chậm, chỉ 880 km/giờ, nên dễ bị tên lửa phòng không (có thể đạt đến 3 lần vận tốc âm thanh - Mach 3) bắn hạ, CIA đã nhờ Lockheed chế tạo loại máy bay do thám mới có thể bay nhanh hơn và cao hơn. Và, đó là sự ra đời của loại máy bay SR-71 Blackbird, có tốc độ cực nhanh 3.500 km/giờ (Mach 3,2) và trần bay cao đến 26 km. SR-71 đã thực hiện nhiều chuyến bay do thám trên lãnh thổ Liên Xô, dù nhiều lần bị người Nga tìm cách bắn hạ bằng tên lửa SAM nhưng SR-71 đều thoát khỏi nhờ tốc độ quá nhanh và có thiết bị gây nhiễu radar phòng không đối phương. Đến năm 1967 thì Liên Xô tìm ra đối sách, họ chế tạo thành công loại máy bay đánh chặn MIG-25 có khả năng đạt vận tốc Mach 3 để săn đuổi máy bay do thám Mỹ. Lo ngại nếu SR-71 bị bắn hạ sẽ lại gây ra những căng thẳng ngoại giao, chính phủ Mỹ quyết định ngưng việc do thám lãnh thổ Liên Xô. Đồng thời, công nghệ hàng không của Mỹ đã bắt đầu chế tạo được loại vệ tinh dùng vào mục đích do thám thay thế cho việc trinh sát bằng máy bay có nhiều rủi ro.

Ảnh thu được từ SX800 rõ nét đến mức có thể đọc được biển số xe ở khoảng cách 1 km - Ảnh: FUJIFILM

Ảnh U-2 chụp về địa điểm bố trí tên lửa của Nga ở Cuba trong vụ 'Khủng hoảng Tên lửa 1962' giữa Mỹ và Nga - Ảnh: WIKIPEDIA

Tuy vậy, vai trò quan trọng của trinh sát bằng máy bay vẫn không hề suy giảm, bởi giới tình báo vẫn cần phải thu thập hình ảnh và thông tin theo thời gian thực ở một địa điểm nhất định nào đó. Đây là điều mà các vệ tinh viễn thám không làm được vì mỗi ngày chỉ bay qua vùng lãnh thổ cần trinh sát từ 1 - 2 lần. Đó là sự ra đời của những loại máy bay do thám không người lái (UAV - Unmanned Aerial Vehicle, báo chí Mỹ thường gọi vắn tắt là drone) như RQ-4 Global Hawk với tầm hoạt động 22.000 km với thời gian lưu trên không lên đến 23 giờ. Tuy vậy, điểm yếu của RQ-4 là tốc độ bay chậm, chỉ 630 km/giờ và trần cao 18 km nên dễ bị tên lửa phòng không bắn hạ. Thế hệ UAV mới nhất của Mỹ là RQ-170 Sentinel có khả năng chống dò quét bằng radar (tương tự các máy bay tàng hình F-22, B-2). Những thông số kỹ thuật về vận tốc, trần bay cao tối đa, thời gian hoạt động của RQ-170 đều được giữ kín.

Ngày nay, với sự tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ vi mạch và quang học, giới tình báo quân sự đã có được những thiết bị quang thám cực kỳ tối tân để chụp những bức ảnh có độ phân giải cao trong mọi điều kiện thời tiết. Nhưng, để che giấu độ phân giải thực của ảnh chụp từ vệ tinh hoặc máy bay do thám không người lái, các bức không ảnh công bố cho truyền thông đều đã được làm nhòe đi để giữ bí mật về khả năng thực sự của máy ảnh dùng vào do thám.

Bức ảnh chụp địa điểm phóng tên lửa của Iran do Tổng thống Trump công bố cho thấy có độ phân giải rất cao - Ảnh: TWIITER

Camera giám sát SX800 - Ảnh: FUJIFILM

Sơ đồ bố trí máy móc thiết bị của RQ-4 Global Hawk - Ảnh: WIKIPEDIA

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị một số chuyên gia an ninh nước này chỉ trích vì đã đăng lên trang Twitter cá nhân một bức ảnh chụp cuộc phóng thử nghiệm tên lửa bị thất bại của Iran hồi cuối tháng 8.2019. Dù bức ảnh này đã được ông Trump chụp lại từ ảnh gốc bằng điện thoại cá nhân, nhưng vẫn cho thấy độ phân giải rất cao. Cho đến giờ, độ phân giải của các ảnh chụp vệ tinh hay máy bay do thám vẫn là một bí mật quốc gia của các cường quốc quân sự.

Theo TN