Nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học

(CTG) Việt Nam là đất nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao được xếp thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, nhất là hệ sinh thái rừng nhiệt đới - hệ sinh thái có ĐDSH cao nhất, bị suy thoái trầm trọng trong thời gian qua.


Báo động tình trạng tổn hại về đa dạng sinh học ở Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tính ĐDSH ở nước ta hiện nay đang trong tình trạng báo động. Chất lượng rừng suy giảm, rừng giàu, rừng kín, rừng nguyên sinh chỉ còn 13% và rừng tái sinh chiếm tới 55% tổng diện tích rừng. 365 loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong vài thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn Việt Nam giảm gần ¾ diện tích.

Sách đỏ Việt Nam năm 2007 công bố 9 loài động vật quý hiếm ở Việt Nam bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong hơn 100 năm qua gồm: tê giác 2 sừng, heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp và cá sấu hoa cà. Trong hệ thực vật, có loài Lan hài Việt Nam đã bị coi là tuyệt chủng ngoài thiên nhiên.



Các loài đang dần mất đi cho thấy sự tổn hại đa dạng sinh học ở Việt Nam


Các khu rừng ngập mặn tự nhiên ven biển đã mất dần, thay vào đó là các đầm nuôi trồng thủy sản và đất canh tác nông nghiệp; tài nguyên sinh vật biển bị suy giảm, hệ sinh thái cỏ biển và rạn san hô đã bị giảm sút cả về chất lượng và độ che phủ. Khoảng 85% số rạng san hô còn sống sót đều có chất lượng không tốt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đa dạng sinh học bị tổn hại, trong đó phần lớn là các nguyên nhân chủ quan từ con người như: Phá rừng lấy gỗ, cháy rừng, đốt rừng làm nương rẫy; phá rừng ngập mặn nuôi tôm; lấn chiếm đất rừng, đất ngập nước ttrồng cây công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đập thủy điện, khai thác mỏ; săn bắn, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải từ sản xuất và sinh hoạt làm suy thoái ĐDSH các con sông và biển; khai thác tài nguyên biển quá mức và bằng các phương thức hủy diệt; sinh vật lạ xâm lấn. Ví dụ như trường hợp cây mai dương, ốc bươu vàng, bèo lục bình…Biến đổi khí hậu dẫn đến biến động vùng phân bố của các loài thực vật, xóa sổ nhiều vùng đất ngập nước khi mực nước biển dâng lên…; gia tăng dân số và di dân tự do; tác động lên tài nguyên ĐDSH là hệ quả của vòng luẩn quẩn “Đói nghèo – Cạn kiệt tài nguyên đa dạng sinh học – Đói nghèo”.

Tổn hại về ĐDSH và Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra thiên tai, lũ lụt, mất mùa…gây mất ổn định về an ninh lương thực dẫn đến đói nghèo và sự phát triển thiếu bền vững của đất nước.

Những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học

Trước những nguy cơ đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều hành động bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc cụ thể hóa các chính sách, quy chuẩn thành văn bản pháp luật và có những động thái cụ thể trong bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho thế hệ mai sau.

Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ngày càng đầy đủ hơn, trực tiếp được điều chỉnh bởi các luật đã ban hành như Luật đa dạng sinh học (2008), Luật bảo vệ và Phát triển rừng (2004), Luật Thủy sản (2003), Luật đất đai (2003)… Bên cạnh đó, các nguyên tắc của phát triển bền vững và bảo tồn sinh học cũng đã được lồng ghép trong các chương trình chiến lược hoạt động của các ngành như chiến lược tăng trưởng  giảm nghèo toàn diện giai đoạn 2001 – 2010, chương trình Nghị sự 21, Chiến lược Bảo vệ môi trường đến 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến lược Quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010, Kế hoách hành động Bảo tồn và phát triển các vùng đất ngập nước giai đoạn 2004 – 2010, Kế hoạch Hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến 2020.

Trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học đã được phân cấp và giao cho nhiều cơ quan chức năng liên quan. Ở cấp Trung ương, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư và Bộ Tài chính. Ở địa phương, UBND các tỉnh và thành phố điều phối hợp hoạt động của các cơ sở  là cơ quan ngành dọc của Bộ nêu trên, trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, đầu mối thống nhất chức năng về công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học tại địa phương.



Họp báo thông báo các hoạt động kỷ niệm năm quốc tế về đa dạng sinh học, ngày môi trường thế giới và tuần lễ biển, hải đảo việt nam năm 2010 tại Bộ TN&MT ngày 14/5/2010.

 



Triển lãm ASEAN về đa dạng sinh học tổ chức từ 2 – 7/8/2010


Hệ thống các khu bảo tồn được mở rộng về cả số lượng, quy mô và loại hình. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định thành lập 128 khu rừng đặc dụng (dưới hình thức các vườn quốc gia và khu bảo tồn) và 45 khu bảo tồn mặt nước nội địa. 15 khu bảo tồn biển đang được đệ trình phê duyệt. Việt Nam hiện đã có 2 khu  đất ngập nước được công nhận có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) là vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai). Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 4 khu Di sản thiên nhiên ASEAN, 8 khu dữ trữ sinh quyển và 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.

Đầu tư của Chính phủ và tài trợ của quốc tế cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã và đang tăng lên. Hầu hết các nguồn đầu tư đều kết hợp bảo tồn ĐDSH với bảo vệ và trồng rừng, bảo vệ môi trường, giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm và sử dụng hợp lý tài nguyên. Nhiều chương trình trọng điểm quốc gia đã cung cấp kinh phí cho các hoạt động mang lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho bảo tồn đa dạng sinh học như chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các vùng khó khăn nhất…

Công tác huy động sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng được chú trọng. Luật bảo vệ và phát triển rừng đã quy định cụ thể về sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng tự nhiên cũng được giao cho cộng đồng quản lý nên tạo tiềm năng rất lớn cho sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn và sử dụng bền vững các khu rừng đó. Nhiều sáng kiến bảo tồn dựa vào cộng đồng và các quy mô hình đồng quản lý tài nguyên đã được các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ thử nghiệm và thu được kết quả tốt.

Bên cạnh việc cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, hoạt động với sự tham gia của cộng đồng, Việt Nam cũng tham gia các Công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như: Công ước Đa dạng sinh học (CBĐ), 1992; Công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế (Công ước Ramsar); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES); Công ước khung liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD); Công ước Đa dạng sinh học ra đời năm 1992 và có hiệu lực thi hành từ ngày 29/11/1993…

Phi Khuyên