Tôi cho rằng, trong không ít trường hợp, việc phổ biến rộng rãi hành động quên mình của các công dân bình thường mang lại nhiều giá trị và tiếng thơm cho dân tộc, đất nước hơn là các chương trình quảng bá quốc gia tiêu tốn hàng chục triệu đô la hay các chuyến công du hữu nghị nước ngoài của các quan chức cao cấp.
Trong những ngày xảy ra trận động đất sóng thần ở Nhật Bản trong năm vừa qua, câu chuyện của viên cảnh sát Hà Minh Thành kể về cậu bé 9 tuổi đã làm cho tôi có nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa phẩm giá công dân và hình ảnh dân tộc.
Thực vậy, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết trái tim của nhân lọai đã thổn thức ( và không ít cảm thấy xấu hổ ) khi đọc câu chuyện này, trong đó tất cả vỡ òa về suy nghĩ thật đơn giản của cậu bé "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Con bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ" cho dù nếu chờ tới phiên của bé có thể sẽ hết thức ăn và gói lương khô là của viên cảnh sát cho riêng bé !
![]() |
Qua câu chuyện nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho cộng đồng của một cậu bé trong thời khắc tưởng như mạnh ai nấy sống ấy, từ đáy lòng, chúng ta thêm ngưỡng mộ một dân tộc và từ câu chuyện này, chúng ta càng tin rằng Nhật Bản là một dân tộc vĩ đại, rằng dân tộc Nhật Bản nhất định làm hồi sinh đất nước vì có công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Đã từng có nhiều bài báo viết về những thói hư, tật xấu của người Việt, kể cả các cuốn sách khảo cứu về " Người Việt xấu xí". Theo tôi, " Người Việt xấu xí" có một phần là chúng ta chưa biết tôn vinh đúng mức nhiều phẩm chất cao quý của người Việt trong cuộc sống thường ngày. Thật vậy, ở nước ta, từ trước đến nay, khi nói về những công dân làm rạng danh Việt Nam, chúng ta thường đề cập đến những cá nhân có tài năng nổi bật như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu....chứ rất hiếm khi có sự vinh danh xứng đáng các công dân bình thường nhưng có hành động thể hiện phẩm giá phi thường trong đời thường, tạo được độ rung xã hội mạnh mẽ trong cộng đồng.
Các buổi lễ tuyên dương hết sức trọng thị cấp Nhà nước dành cho Đặng Thái Sơn khi người nghệ sĩ tài hoa này được giải Chopin hay cho Ngô Bảo Châu khi nhà toán học trẻ tuổi này đọat " Nobel tóan học" là điều hết sức cần thiết, thể hiện sự trọng thị với những tài năng lớn mang lại vinh quang cho đất nước.
Nhưng thiết nghĩ đâu chỉ có thế ! Trong thời buổi văn hóa xuống cấp, đạo đức nhiểu nhương thì một phụ nữ như Chị Phạm Thị Lành quê ở Huyện Hồng Ngự ( Đồng Tháp), nghèo đến nỗi không có cục đất chọi chim nên vợ chồng dắt díu nhau lên Bến Lức thuê nhà trọ rồi đi bán vé số mưu sinh, chị bán thiếu " bằng miệng" rồi giữ dùm luôn 20 tờ vé số cho một khách quen, đến khi số vé này trúng giải lên tới 6,6 tỉ đồng, người bán vé số nghèo vẫn giao đủ số vé cho người trúng đã làm mọi người biết chuyện hết sức cảm phục !
Tôi nghĩ rằng hành động này tượng trưng cho phẩm giá cao quý : đó là giữ chữ Tín và tác động của phẩm giá cao quý này với cộng đồng cũng không thua kém gì tài năng của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn hay nhà toán học Ngô Bảo Châu mang lại cho đất nước.
Câu nói thật giản dị của Chị " Lành vé số" với báo chí " Mấy tờ vé số này ảnh chưa trả tiền, trúng hay trật cũng là của ảnh, tôi mà không trả thì thiên hạ coi tôi ra gì nữa! " đáng để tất cả mọi người chúng ta suy ngẫm trong các mối quan hệ ứng xử , nhất là những người có nghĩa vụ phải giữ lời hứa với dân, với cử tri .
Tôi nghĩ, nếu các hành động tiêu biểu cho các phẩm giá cao quý của con người xuất phát từ những người dân bình thường - mà chị " Lành vé số" chỉ là một điển hình tiêu biểu - được Nhà nước vinh danh trọng thị, xứng đáng thì sẽ có tác dụng xây dựng và nâng tầm hình ảnh dân tộc, làm cho con người đối xử với nhau đàng hoàng hơn, tử tế hơn.
" Người Việt xấu xí " là có thật, và một khi chưa biết trân trọng đúng tầm đúng mức phẩm giá cao quý của người dân bình thường thì đó cũng là chuyện " Người Việt xấu xí " !