Chứa đựng câu chuyện văn hóa
Từ nhỏ, anh Phát đã đam mê mỹ thuật. Đồ chơi của cậu bé Phát khi đó là những chiếc bút chì, cành củi khô cho tới mảnh ngói vỡ… có thể dùng làm dụng cụ để vẽ. Anh vẽ trên bức tường, bãi đất trống hay một tờ giấy vụn bỏ đi… để thỏa niềm yêu thích hội họa. Sau khi tốt nghiệp THPT anh Phát quyết tâm theo đuổi hội họa chuyên nghiệp và thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành Hội họa sơn mài.
Không chỉ học ở trường, anh Phát còn đi, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân ở làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội). Đến nay, anh đã có hơn 20 năm theo đuổi con đường nghệ thuật sơn mài. Năm 2017, anh Phát được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân”.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát dạy các em nhỏ làm tranh in khắc gỗ |
Nghệ nhân trẻ luôn khát vọng gìn giữ nghệ thuật sơn mài, sơn dầu truyền thống và quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ của nước nhà tới bạn bè và du khách trên khắp thế giới. Các tác phẩm tranh, tượng của anh đều được làm từ gỗ mít và đá ong. Đây đều là những chất liệu bản địa tại thị xã Sơn Tây, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt, anh tạo thành những sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa đặc sắc của chính quê hương mình.
“Có lẽ được sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa linh nhân kiệt, đậm sắc văn hóa quê hương Việt Nam nên đã mang đến cho tôi nhiều nguồn cảm hứng từ những câu chuyện xa xưa cho tới lối kiến trúc cổ kính. Vì vậy trong mỗi tác phẩm điêu khắc của mình, tôi luôn nhấn mạnh văn hóa xứ Đoài quê hương mình”, anh Phát chia sẻ.
Đưa sản phẩm đi muôn phương
Anh Phát cũng cho rằng, nghệ thuật sinh ra để phục vụ con người. Vì vậy, ngoài chức năng trang trí thẩm mỹ, tác phẩm còn phải có công năng ứng dụng thực tế cho người sử dụng. Vì thế, anh thay đổi mẫu mã liên tục để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Các sản phẩm được nghệ nhân Nguyễn Văn Phát tạo nên từ chất liệu bản địa |
Không chỉ tạo ra sản phẩm độc đáo, anh Phát còn mở những khóa dạy học, đào tạo học viên điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, thời gian gần đây xưởng điêu khắc của anh trở thành điểm đến của nhiều du khách trong hành trình khám phá các di sản nổi tiếng ở xứ Đoài. Với việc tổ chức hoạt động làm tranh in khắc gỗ miễn phí anh đã tạo ra trải nghiệm thú vị và giúp du khách có kỷ niệm đáng nhớ.
“Khi tham gia hoạt động làm tranh in khắc gỗ, khách du lịch sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm các kỹ thuật và kỹ năng cần thiết để hoàn thành tác phẩm của mình. Hoạt động này không chỉ kích thích khả năng sáng tạo mà kết nối du khách với người dân địa phương”, anh Phát chia sẻ.
Du khách trải nghiệm tại xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát |
Bằng những hoạt động cụ thể, anh Phát đang nỗ lực giữ gìn và phát huy nét đẹp sản phẩm thủ công truyền thống. Anh mong muốn những sản phẩm này không chỉ được thị trường trong nước đón nhận và còn theo chân khách du lịch đi muôn phương. Những sản phẩm anh tạo ra sẽ trở thành quà tặng độc đáo, hấp dẫn du khách. Từ đó, anh cùng nhiều nghệ nhân khác góp phần phát triển ngành công nghiệp quà tặng của Thủ đô.
Theo anh Phát để hình thành ngành công nghiệp quà tặng, từng địa phương từ cấp phường xã, quận huyện đến thành phố phải chú trọng phát triển những sản phẩm thủ công truyền thống. Cơ quan chức năng hỗ trợ các nghệ nhân cấp nhà nước phát triển doanh nghiệp; định hướng để các cá nhân ưu tú phát triển thành những doanh nghiệp.
Anh Phát cũng cho rằng, mỗi làng nghề cũng cần phải có những định hướng tư duy phát triển khách hàng; đa dạng hóa mẫu mã; đưa công nghệ số vào để tự quảng bá sản phẩm. “Làng nghề phải chủ động tìm khách hàng chứ không để khách hàng phải tìm mình”, anh Phát chia sẻ.
Theo Tuoitre