Từ năm 2014, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) đã tiên phong trong hoạt động xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Việt Nam, đồng thời chủ động hỗ trợ chính quyền các tỉnh thành thực hiện kế hoạch xây dựng hệ sinh thái địa phương.
SVF đã tổ chức Hội nghị "Tổng kết hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp địa phương giai đoạn 2014 - 2019, công bố Chương trình Hợp tác và Tài trợ với tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2020 – 2025". Đây là một trong bốn chương trình trọng điểm của SVF trong chương trình phát triển Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NISD) hướng tới xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương sau 5 năm thành lập.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Duy Hiếu - Phó chủ tịch hội đồng quản lý quỹ SVF cho biết: "Hội nghị được tổ chức để chia sẻ đến các địa phương những bài học kinh nghiệm mà SVF đã tích lũy trong hơn 5 năm qua. Chúng tôi cũng đã tiến hành tổng hợp những bài học, kiến thức và phương pháp thành tài liệu để cùng thảo luận, trao đổi với các lãnh đạo và vạch ra những hoạt động sẽ cùng nhau thực hiện trong thời gian tới. Đây đều là những bước đi rất quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp".
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe về Mô hình IEEM (Mô hình đo lường mức độ tăng trưởng của Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp) được phát triển bởi SVF và Công ty cổ phần I.value, dưới sự hỗ trợ của dự án Nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương - tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Mô hình mang đến phương pháp tiếp cận toàn diện về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông qua các thành tố, đồng thời hệ thống hóa các mối quan hệ tương tác giữa các thành tố, là nền tảng để xây dựng các chính sách thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại mỗi địa phương và quốc gia.
SVF cũng đồng thời công bố báo cáo đo lường mức độ trưởng thành của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 7 tỉnh mà SVF có hợp tác chiến lược, thể hiện quan hệ mật thiết giữa hệ sinh thái với tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội tại địa phương, và các đề xuất giúp phát huy các điểm mạnh và biện pháp khắc phục hạn chế, giảm thiểu các rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: "Thành công lớn nhất của SVF trong hành trình hỗ trợ địa phương xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp là đã góp phần thay đổi cách nhìn về khởi nghiệp trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Thông qua các buổi chia sẻ, tọa đàm, mọi người đã nhận thức sâu sắc rằng tinh thần khởi nghiệp là động lực phát triển xã hội. Từ đó, cả hệ thống chính trị đều tích cực tham gia hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp."
Tại Hội nghị, cũng đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa SVF và UBND tỉnh Đồng Tháp cho chương trình hợp tác 2020 – 2025 về việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp gắn với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ông Dương cho biết: "Với khát vọng trở thành địa phương khởi nghiệp, cùng sự đồng hành của SVF, phong trào đã thật sự lan tỏa. Tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn còn ít dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của địa phương. Chính điều này đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục cùng với SVF ký kết thỏa thuận Hợp tác Triển khai chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương giai đoạn 2020 – 2025."
Hội nghị lần này do SVF tổ chức được xem là dịp để các thành tố của hệ sinh thái cùng ngồi lại và trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học và những kiến thức quý giá về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Hoa Cương - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định: "Qua phần báo cáo, có thể thấy SVF không phải là một đơn vị phong trào, mà bên cạnh việc huy động nguồn lực, còn thực sự tận tâm và nỗ lực đưa ra bộ hướng dẫn toàn diện về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giúp cho các đơn vị liên quan hiểu rõ con đường mà chúng ta cần đi".
Ông Peter Vaz - Giám đốc dự án "Nâng cao năng lực cấp tỉnh" thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (SPC - USAID) nhận xét: "Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam rất đa dạng, hội tụ nhiều thành tố đến từ nhiều khu vực khác nhau của nền kinh tế, gồm chính phủ, khu vực các trường đại học và các học viện, khu vực tư nhân và khu vực phi lợi nhuận. Chính vì có nhiều thành tố nên việc kết nối, phát triển quan hệ hợp tác giữa các bên là vô cùng quan trọng để giúp hệ sinh thái phát triển"
SVF được thành lập từ năm 2014, là quỹ xã hội hóa, phi lợi nhuận đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Với mục tiêu hướng đến sự phát triển kinh tế thông qua hai công cụ đổi mới sáng tạo và hệ tư duy khởi nghiệp, 5 năm qua, SVF đã triển khai các chương trình đào tạo thay đổi tư duy, xây dựng cộng đồng cố vấn, nhà đầu tư thiên thần, và chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tại các địa phương trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Các chương trình của SVF đã ghi nhận hơn 10.000 người tham gia, với thành phần đa dạng là sinh viên, doanh chủ, cán bộ quản lý tại các địa phương và chuyên gia, nhà đầu tư, qua đó đã tác động tích cực và sâu rộng lên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo Khoinghiep.org
T.LN1