Tái hiện truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa

(CTG) Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là lễ hội duy nhất mang đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Ngày 12/2 (tức 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại đàn Tịch Điền, phường Minh Nông, TP Việt Trì (Phú Thọ) diễn ra Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Đây được coi là lễ hội duy nhất mang đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương.

Tái hiện truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa - 1

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa diễn ra ngày 12/2 (Ảnh: Khánh Trang).

 

Theo truyền thuyết, thuở xưa người dân chưa biết cày cấy, làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống bằng rễ cây, thịt thú rừng và nhiều loại quả, rau dại nhặt được. Các vùng đất ven sông mỗi lần nước lớn dâng lên lại được phù sa bồi thêm màu mỡ.

Vua Hùng thấy đất tốt liền gọi người dân tới, bảo tìm cách đắp bờ giữ nước; thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các ruộng có nước.

Lúc đầu người dân không biết cấy nên tìm hỏi vua. Vua Hùng nhổ mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho người dân xem để mọi người làm theo.

Kể từ đó, cứ vào đầu vụ hàng năm (tháng Giêng và tháng 6 âm lịch), người dân Minh Nông làm lễ tịch điền để tri ân công lao to lớn của Vua Hùng.

Đến năm 2018, UBND TP Việt Trì tổ chức khôi phục Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa, tưởng nhớ, tri ân công lao của Vua Hùng từ ngày đầu dựng nước, khai sáng ra nghề nông.

Lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức Cáo yết, cúng Thần Nông, tế lễ và lễ nhập vía Vua Hùng, tái diễn "Vua Hùng dạy dân cấy lúa". Phần hội diễn ra các hoạt động thi cấy lúa của các đội và các trò chơi dân gian.

Lễ hội đã thu hút sự tham gia, theo dõi của đông đảo người dân và du khách thập phương, tô điểm thêm cho Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc.

Theo Dân Trí