Thanh niên chung tay hành động vì người nghèo

(CTG) Hòa chung không khí của cả nước, thế hệ trẻ Việt Nam hăm hở lên đường, đến những nơi Tổ quốc cần, nơi người dân đang mong mỏi được hỗ trợ. Cùng đóng góp sức trẻ, tình yêu, những màu áo xanh tình nguyện đã, đang và sẽ là lực lượng đi đầu trong các hoạt động chung tay giúp những mảnh đời còn khó khăn, để nối dài những vòng tay nhân ái và tiếng cười ấm áp… Cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội – Nghệ An “Hành trình nhân ái – thanh niên vì người nghèo” trên VTV1 vào chiều ngày Tết cho người nghèo 31/12 đã cho


Khách mời tham dự chương trình tại đầu cầu Hà Nội có anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; PGS. TS. Ngô Quang Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục dân tộc – Bộ GD & ĐT; tại đầu cầu Nghệ An có anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; Đại tá Trần Tiến Dũng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4.

Trong suốt một năm qua, thanh niên cả nước đã tổ chức, tham gia vào các hoạt động, việc làm cụ thể như kết nối tri thức, hỗ trợ kinh tế, hành trình nhân ái – tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ người nghèo. Những kết quả nổi bật của các hoạt động đó được thể hiện qua những câu chuyện cảm động của những tấm lòng thiện nguyện, những hình ảnh đẹp xuất phát từ tâm niệm, hành động của giới trẻ ngày nay.


Trí thức trẻ tình nguyện lên vùng cao dạy học


Cách thị xã Lai Châu chừng 220km, qua những khúc quanh hiểm trở, bản Chang Chảo Pá, xã Hua Bum, huyện Mường Tè, Lai Châu và Trường THCS Hua Bum nằm lọt thỏm giữa các ngọn núi cao, quanh năm sương phủ trắng mờ. Đây là nơi mà cô giáo Lê Thị Kim Oanh chọn để lập nghiệp đã 9 năm nay. Sinh năm 1978, người gốc Phú Xuyên (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 2002, cô Oanh tình nguyện lên vùng cao công tác với tâm niệm đem lại cái chữ, ánh sáng tương lai cho các em nhỏ miền ngược.


Trường THCS Hua Bum có 35 em học sinh, trong đó chủ yếu là các em dân tộc Hà Nhì, Mông và Mạn. 100% thầy cô ở trường đều là các giáo viên miền xuôi lên dạy học theo tiếng gọi của trái tim tình nguyện. Bằng sự kiên trì và tình yêu thương, cô trò đã bắt nhịp được với nhau. Những vần chữ a, b, c đã dần vang lên trong lớp học của cô. Những nét chữ đã dần ngay ngắn, thành thạo từ đôi bàn tay còn lấm lem đất.


Ở vùng cao, trẻ em trong độ tuổi đi học lại là lực lượng lao động chính trong gia đình người dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn khiến cho tuổi thơ của nhiều em thuần túy chỉ là lên nương, lên rẫy, không có con chữ, không có cặp sách để đến trường. Với những người làm công việc “trồng người” trên vùng cao, giảng dạy không phải nhiệm vụ duy nhất, trong đó có việc huy động học sinh đến lớp.



Cô giáo Lê Thị Kim Oanh vừa giảng dạy, vừa vận động, thuyết phục gia đình cho học sinh đến lớp, vừa chăm lo cho tổ ấm của mình bằng nhiệt huyết và trái tim dũng cảm


“Căn cứ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/12/2010, các em học sinh dân tộc bán trú (tức không có khả năng đến trường và về nhà trong ngày) được hưởng hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu (tức 292.000 đồng/học sinh/ tháng). Chính sách này bắt đầu được áp dụng từ 1/1/2011” – PGS. TS. Ngô Quang Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc – Bộ GD & ĐT.

Gia đình Li Mò Pứ, học sinh lớp 8 trường THCS Hua Bum, là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bố dính vào vòng tụ tội, nhà chỉ có ba mẹ con, không vườn tược, không chăn nuôi, sống dựa vào nguồn trợ cấp gạo của Nhà nước. Mỗi bữa ăn gia đình chỉ có cơm và muối. Li Mò Pứ là người lao động chính trong gia đình. Cô Oanh cũng giống như bao giáo viên khác phải vận động Mò Pứ đi học, khai chữ, khai đời. Khó khăn chồng chất, những người lên dạy học vùng cao lần lượt đến rồi cũng lần lượt đi, chỉ còn mình cô bám trụ vùng đất này. Cùng chung lý tưởng, tâm huyết thắp sáng tri thức vùng cao, cô và đồng nghiệp, thầy giáo Nguyễn Văn Cao cũng nên duyên vợ chồng, duyên lập nghiệp ở đây.


Khi được hỏi về nguồn động lực giúp cô có thể công tác gần 10 năm ở Mường Tè, cô giáo Oanh và chồng giản dị chia sẻ: “Mặc dù khi mới bước chân lên đây, chúng tôi gặp không ít khó khăn như: thiếu điện, đường, phương tiện thông tin liên lạc và nỗi nhớ nhà, bạn bè cứ da diết, có khi đi bộ 6 tiếng để xuống cơ sở vận động các em đi học…, nhưng sự quý mến, chân thành của bà con vùng cao, nhiệt huyết yêu nghề, dần dà chúng tôi cũng ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn. Chúng tôi muốn cống hiến hết sức mình, góp một phần nhỏ của mình để xây dựng vùng sâu, vùng xa và tiếp lửa cho thế hệ giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng cao dạy học”.


Câu chuyện của cô giáo Lê Thị Kim Oanh không chỉ là câu chuyện riêng mà là câu chuyện chung của hàng trăm, hàng nghìn thầy giáo, cô giáo vẫn đang hàng ngày gieo con chữ, đem lại ánh sáng tri thức cho những vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc.


Tình nguyện vì cộng đồng


Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, Đâu khó có thanh niên”, những thanh niên tình nguyện, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ trẻ đã tổ chức khám bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.


Xe lưu động mổ mắt được bắt đầu hoạt động từ 2007. Đến nay đã có hơn 5000 trường hợp đục thủy tinh thể được khám, tư vấn và mổ mắt an toàn, miễn phí tại Việt Nam. TS. Bác sỹ Vũ Quốc Lương (Bệnh viện mắt Trung ương) cho biết: "Chủ yếu chúng tôi tiến hành mổ mắt miễn phí cho đối tượng nghèo, cận nghèo, không có bảo hiểm y tế chi trả. Tính đến cuối ngày 31/12, chúng tôi đã tiến hành 56 ca mổ mắt miễn phí tại Nghệ An. Đoàn sẽ tiếp tục hành trình mổ mắt miễn phí ở Hải Dương, Lạng Sơn".




Bà Nguyễn Thị Vinh, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (phải), được các bác sĩ mổ mắt chữa đục thủy tinh thể miễn phí


Bà Nguyễn Thị Vinh, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An: “Một bên mắt bị đục thủy tinh thể 2 năm nay, cảm giác khó chịu, không thể nhìn thấy gì khiến sinh hoạt khó khăn. Được sự giúp đỡ của các bác sỹ tình nguyện, tôi đã có cơ hội được mổ mắt để khôi phục lại sinh hoạt bình thường. Tôi cảm ơn các bác sỹ nhiều lắm và tôi cũng mong có thật nhiều chương trình ý nghĩa thế này để giúp đỡ cho bà con nghèo”.


Người dân, nhất là người già bị ảnh hưởng về sức khỏe do đợt lũ vừa qua được khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí. Bên cạnh đó còn có các hoạt động:
Tập huấn sơ cứu dành cho giáo viên mầm non, tiểu học, đảm bảo công tác chăm sóc cho trẻ em – đối tượng thiếu kĩ năng phòng bị cho bản thân; Sẻ chia sự ấm áp thông qua hoạt động tặng chăn ấm cho người dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An...


Gần 1 tấn gạo, 600 cây nến, bút vở, quần áo và kẹo bánh, đó là hành trang mà các bạn tình nguyện viên CLB Tình Nguyện Trẻ mang theo trong hành trình đến bản Chang Chảo Pá. Sau nhiều ngày phân loại, đóng gói, vận chuyển, các bạn trẻ hồ hơi phát những phần quà gồm gạo, nến, bút vở, quần áo, kẹo bánh cho bà con và trẻ em ở bản. Tối đến, những bạn trẻ này lại tập trung bổ túc văn hóa cho các em nhỏ, mong có thể đóng góp một phần nào đó giúp đỡ trẻ em thiệt thòi vùng cao này.



Một tấm gương khác tình nguyện vì cộng đồng là cô bạn trẻ Vương Minh Thùy Trang một mình lặn lội vào Quảng Bình để giúp đỡ người dân vùng lũ. Nhận thức được sự thiếu tình nguyện viên hỗ trợ người dân vùng lũ cộng thêm mục tiêu đi thực tế tìm hiểu khí tượng theo chuyên ngành của mình, Thùy Trang đã xách ba lô lên vai, vào Thôn Cổ Liêm, xã Tân Hòa, huyện Minh Hòa, Quảng Bình giúp đỡ người dân như một đứa con xa nhà trở về giúp gia đình. Thùy Trang chia sẻ: “Mới đầu khi đến nơi vùng lũ, em hơi bỡ ngỡ nhưng sau đó được sự quý mến của người dân với tình cảm như dành cho đứa con xa nhà, em luôn ý thức giúp đỡ “gia đình” ấy hết sức. Đôi khi chân mình lội nước lâu bị nước ăn chân nặng, rát và đau với từng cử động nhưng em hiểu rằng mình cần phải bước đi vì người dân vẫn cần mình. Trong tương lai, em sẽ thực hiện tốt chuyên ngành về khí tượng, nhất là nghiên cứu biến đổi khí hậu, góp phần dự đoán, dự báo tốt đảm bảo sự an toàn cho người dân”.



Vương Minh Thùy Trang chia sẻ kỉ niệm tình nguyện đáng nhớ trong chuyến đi giúp đỡ người dân vùng lũ


Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Đức Cường: “Mỗi bạn trẻ ở các cương vị khác nhau đều cố gắng hết sức mình bằng những việc làm cụ thể khác nhau để hỗ trợ, giúp đỡ phần nào cho người dân vùng lũ. Với mong muốn truyền đạt thông điệp của lòng nhân ái, kêu gọi nhiều hơn nữa bạn trẻ tham gia vào công cuộc hỗ trợ người nghèo, người dân vùng lũ, những nhạc sỹ trẻ như tôi sáng tác ca khúc chia sẻ nỗi đau với người dân miền Trung ruột thịt, những người đang oằn mình chống chịu lại cơn giận dữ của thiên tai”.



Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Đức Cường thể hiện nhạc phẩm "Nước mắt" nói về nỗi đau của người dân vùng lũ làm lay động người nghe


CLB Tình nguyện trẻ Hà Nội

“Muốn tiếp tục tổ chức những chương trình như thế để tiếp tục nhìn thấy những nụ cười của các em nhỏ” – Phạm Thu Giang

“Để cảm nhận niềm vui và hạnh phúc của sự cho đi” – Vũ Trang

“Sẽ không dừng lại những hoạt động ý nghĩa này cho đến khi không còn hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nữa” – Trần Thị Ánh Nguyệt

“Cảm xúc về hoàn cảnh thiệt thòi của các em vẫn còn in đậm trong tôi: cảnh áo quần các em rách tả tơi, chân tay lấm lem bùn đất, nhà cửa tạm bợ, không có điện… Đó là cội nguồn sức mạnh thiện nguyện của những chương trình như vậy” – Nguyễn Thị Liên

Bạn có ý tưởng gì để nhiều em nhỏ vùng cao được đến trường?

“Nhà trường cần truyền dạy lòng yêu nghề cho các giáo viên tương lai” - Đại tá Lê Minh Thông, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy biên phòng Lai Châu.

“Tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tế tại vùng cao. Gửi con em địa phương xuống miền xuôi học tập” – Nguyễn Minh Chính, ĐH KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh

“Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ ngay tại chính địa phương” – Kiều Minh Vũ, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

“Luân chuyển giáo viên từ đồng bằng lên vùng cao” – Vương Tuấn Vũ, ĐH Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh

“Tổ chức các lớp tuyên truyền, nâng cao ý thức đi học, tăng cường kiến thức cho người dân vùng bản thông qua việc lấy mình làm tấm gương” - Pờ Lụ Xì Mé (sinh viên năm thứ nhất khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, ĐH Văn hóa HN), người dân tộc Hà Nhì tại Sín Thầu, Mường Nhè, Điện Biên, người duy nhất của dân tộc Hà Nhì học đến bậc Đại học. 

“Tự mình đi học nâng cao kiến thức về truyền đạt lại cho các em vùng cao” – Lồ Dìn Tỉ (sinh viên khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, ĐH Văn hóa HN), người dân tộc Bố Y tại Mường Khương, Lào Cai, người duy nhất của dân tộc Bố Y học đến bậc Đại học.

“Đưa máy tính và Internet đến vùng cao để nâng cao dân trí” – Bùi Hoàng Minh, ĐH Công nghiệp TP. HCM

“Dạy các em nhỏ kĩ năng sống và tầm quan trọng của tri thức” – Nguyễn Thị Ánh Ngọc, CĐ Phát thanh - Truyền hình TP. HCM



Chị Trần Thị Hà và con (Hương Khê, Hà Tĩnh)

Một trong những dấu ấn tình nguyện khắc phục hậu quả lũ lụt có thể kể đến là sự tiên phong xây nhà sau lũ cho người dân của thanh niên. Lũ chồng lên lũ tràn qua Hương Khê, Hà Tĩnh đã làm sập hoàn toàn 70 căn nhà, làm gần 1000 căn nhà bị hư hại nặng. Chị Trần Thị Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh), chia sẻ: “Mới sinh con được 13 ngày đã phải chạy lũ 3 lần. Chồng đi làm ăn xa, nhà bị lũ cuốn trôi. May nhờ có UBTW MTTQ Việt Nam, TW Hội LHTN Việt Nam và các bạn thanh niên tình nguyện thường xuyên hỏi han, giúp đỡ; xây dựng lại nhà đá vững trãi cho hai mẹ con, giúp chúng tôi có thể an cư”.

Đại diện cho gần 8000 hội viên Hội Doanh nhân trẻ (DNT) Việt Nam, ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội DNT Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Anh Quân Strong, khẳng định: “Doanh nhân phát triển được là nhờ sự ủng hộ của xã hội nên thể hiện trách nhiệm với xã hội là nghĩa vụ của doanh nhân. Hội DNT phát động phong trào Nối Vòng Tay Lớn, cam kết hỗ trợ 81 ngôi Nhà Nhân Ái trị giá hơn 2 tỷ đồng, hỗ trợ 60% kinh phí để mua 3 xe lưu động phục vụ công tác khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí vùng sâu, vùng xa; tổ chức chương trình Tết cho người nghèo với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng… Với phương châm luôn phát triển cùng cộng đồng, từ nhiều năm qua, Hội DNT Việt Nam đã cùng các doanh nhân đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động xã hội. Năm 2010, Hội DNT Việt Nam và Tập đoàn đầu tư Sài Gòn SJI ủng hộ 20 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh Ninh Thuận, 10 tỷ đồng cho Ngày vì an sinh xã hội tỉnh Trà Vinh, 1 triệu đô la Mỹ cho Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng và nhiều đóng góp giá trị khác cho các địa phương, cá nhân còn khó khăn trên cả nước. Có thể nói bằng những hành động tương thân, tương ái và ý nghĩa này, Hội DNT Việt Nam đã đồng hành cùng với đồng bào khó khăn, giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống đồng thời kêu gọi nhiều người dân hơn nữa chung tay hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. 

Để kịp thời động viên, tuyên dương những điển hình tình nguyện trong các đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung đến đông đảo hội viên, thanh niên và nhân dân cả nước, vào tối nay tại Nghệ An, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức chương trình tuyên dương 69 điển hình tình nguyện trong ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung năm 2010. 

Phát biểu tại Lễ tuyên dương, anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, nhấn mạnh: “Năm 2010 đã chuẩn bị khép lại với vô vàn những sự kiện lớn, đánh dấu bước phát triển của đất nước, nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được cũng còn đó những khó khăn và những trở ngại của một năm với những trận bão, lụt gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân các tỉnh miền Trung. Mảnh đất miền Trung ruột thịt gắn liền với sự khắc nghiệt của thiên nhiên với những cơn bão, những trận lụt mà mỗi khi nhắc đến chúng ta lại thắt lòng. Gần đây nhất là liên tiếp những trận lụt của tháng 10 và tháng 11, với mức độ tàn phá rộng và lặp lại nhiều lần đã làm cho 165 người chết và mất tích; 117 người bị thương; 429.536 căn nhà hư hại; 405.769 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 56.833 ha lúa và hoa màu, 18.642 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 33.375 tấn lương thực và thóc giống bị cuốn trôi; 659 trường học bị hư hỏng, gần 20.000 trẻ em bị ảnh hưởng chưa thể đến trường. Trong thời khắc khó khăn, nguy nan ấy, hơn lúc nào hết tình người lại được tô sáng với biết bao hình ảnh vô cùng xúc động với nghĩa cử quên mình, dũng cảm giành lại mạng sống cho đồng bào, người anh hùng ấy là những đội trưởng đội xung kích giầm mưa đánh kẻng cùng thanh niên cứu đê; chiến sỹ biên phòng đương đầu với sóng gió để cứu tàu, cứu người; thanh niên trèo thuyền giữa mưa bão đi tìm kiếm từng người trong những ngôi nhà bị cô lập; là tập thể dân quân, bộ đội cùng thay phiên nhau lặn trong mưa lạnh hang giờ để mở cửa xả nước cứu đập, cứu dân; hay những vắt cơm được người ở trên vùng đất cao chuyển cho người vùng ngập; là hình ảnh người phóng viên lặn lội cùng các đoàn cứu trợ mang về những hình ảnh, những thước phim xúc động chuyển đến cho nhiều người biết và chia sẻ những khó khăn trong vùng rốn lũ; là hình ảnh các bác sỹ trẻ khám bệnh phát thuốc cho dân nghèo sau cơn lũ; là những mạnh thường quân không chỉ ủng hộ bằng tiền mà còn bằng cả tấm lòng, bằng hành động dầm mưa gió đi vào rốn lũ để sẻ chia với bà con phần nào mất mát… Có lẽ ngôn ngữ không thể truyền tải hết được những hình ảnh cao đẹp của những người anh hùng ấy mà cảm xúc trong trái tim những người đã từng được sống được cống hiến sức tình nguyện của mình trong những chiến dịch cứu hộ, cứu trợ này sẽ còn mãi rung lên khi được nghe, được thấy những dòng thư đầy nước mắt của em bé Nguyễn Thị Hằng (con gái cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên trường mầm non Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh, người đã bị dòng lũ cuốn trôi khi đang cố gắng đến trường để cứu sách vở và các dụng cụ học sinh – PV)”.

Hành trình hỗ trợ phát triển kinh tế

"Có 3 nguồn cho thanh niên vay vốn ưu đãi từ TW Đoàn: một là nguồn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm  vốn 120, dư nợ khoảng hơn 100 tỷ; Ngân hàng chính sách xã hội do tổ chức Đoàn đứng ra tín chấp, đảm nhận, dư nợ khoảng 8 ngàn tỷ; dự kiến hết năm 2011 số lượng dư nợ khoảng 10 ngàn tỷ; dự định đến hết 2012 là hơn 15 ngàn tỷ".

Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hiệp

Mở rộng mô hình sản xuất từ 5 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội vào năm 2004, anh Trần Quang Khải, Bí thư Chi đoàn cơ sở thuộc xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn đã phát triển trang trại nấm, một mô hình xóa đói giảm nghèo điển hình của thanh niên địa phương. Mỗi năm trang trại thu lời 300 triệu đồng nhờ trồng nấm và giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập ổn định 1,8 triệu đồng/ người/ tháng và 30 lao động thời vụ. Không bằng lòng với thành công của mình, chàng nông dân Trần Quang Khải vẫn mong mỏi được tăng cường nguồn vốn, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.

Anh Trần Quang Khải, Chủ trang trại Nấm, chia sẻ: “Nguồn vốn khởi nghiệp ít ỏi ban đầu đã giúp tôi khởi tạo cơ sở vật chất, mua giống nấm, xây lán trồng… Bản thân là Bí thư Chi Đoàn cơ sở thuộc xã Hiền Ninh, tôi luôn phổ biến thông tin về các nguồn vốn vay để thanh niên địa phương có thể tiếp cận vay vốn mua lợn, bò giống, trồng rau sạch, nấm… phát triển kinh tế. Tôi nghĩ đó là một bước khởi đầu nhỏ nhưng mang lại tiềm năng phát triển không nhỏ, rút ngắn thời gian khởi nghiệp”.



Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hiệp và anh Trần Quang Khải (phải) giao lưu tại trường quay


Anh Võ Ngọc Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình, chia sẻ về các mô hình giúp thanh niên nông thôn thoát nghèo tại địa phương: “Hiện tại, Tỉnh đoàn Hòa Bình vẫn đang cho triển khai và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò vỗ béo (thu mua bò gầy để vỗ béo và bán, đem lại hiệu quả kinh tế cao); mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo hướng tích lũy, góp vốn giúp nhau mua những cặp bò sinh sản, hình thành ngân hàng bò, cặp bò sau khi đẻ con sẽ được luân chuyển giữa các thanh niên chung vốn mua; mô hình cánh đồng nhiều triệu trên hecta (tiên phong chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ bằng trồng màu)… Ứng dụng thành công của mô hình này có thể kể đến là cánh đồng sinh lời hàng trăm triệu ở xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi. Tất cả các mô hình do các bạn thanh niên đều được tạo điều kiện triển khai qua các kênh vay vốn của Trung ương Đoàn”.

Kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu về các hình thức chính sách hỗ trợ kinh tế cho 320 công nhân ở Khu lưu trú văn hóa số 7, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho thấy: 

Thực trạng: 9,37% nhận được hỗ trợ xây nhà lưu trú; 6,25% nhận được hỗ trợ kinh phí cho bữa ăn trưa; 9,37% nhận được hỗ trợ Ngày hội thanh niên (Tư vấn tình yêu, nghề nghiệp, tặng quà, siêu thị giá rẻ); 6,25% được nhận học bổng nghề 

Nhu cầu:

- 13,8% muốn mua nhà giá rẻ trả góp; 17,25% muốn mua nhà giá rẻ trả dần qua lương; 41,37% muốn ở nhà miễn phí trong thời gian ngắn
- 66,6% muốn hỗ trợ bằng tiền trực tiếp; 3% muốn hỗ trợ miễn phí bữa ăn bổ sung; 13,3% muốn được tặng miễn phí giá trị bữa ăn
- 37,9% muốn được tặng vật dụng thiết yếu; 27,5% muốn được tặng ti vi theo đơn vị hộ gia đình; 24,1% muốn được tặng phiếu mua trị giá bằng tiền
- 13,3% muốn được tặng học nâng cao tay nghề; 3,3% muốn được tặng học bổng học chuyển đổi nghề; 83,3% muốn được tặng học bổng bằng tiền mặt

Chia sẻ về các chương trình hỗ trợ kinh tế cho thanh niên công nhân tại các KCN, KCX, đối tượng có thu nhập thấp với việc làm bấp bênh, anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết: “Nếu nhìn từ góc độ tiếp cận dịch vụ công thấp, các nhu cầu sinh hoạt tinh thần (vui chơi, giải trí, học tập…) bị hạn chế, việc làm bấp bênh thì thực sự thanh niên công nhân đang bị nghèo “đa chiều”. Trước tình trạng như vậy, với tư cách là tổ chức của thanh niên, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ cho triển khai đề án 1956 về dạy nghề nông thôn, tạo việc làm bền vững cho thanh niên công nhân nhằm tránh sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, tạo ra người nghèo đa chiều; đề xuất Chính phủ cho xây dựng Khu Công nghiệp gắn với Khu Lưu trú văn hóa cho thanh niên công nhân để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, nơi ở, chỗ ăn... Tết nguyên đán tới, Đoàn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên công nhân, trong đó cụ thể là hỗ trợ khoảng 20.000 vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết, tổ chức hội chợ giá rẻ, chương trình Nối Vòng Tay Lớn, tổ chức thăm, tặng quà, trao học bổng… Chúng tôi cũng nỗ lực thành lập 10 Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân trên cả nước. Trong buổi sáng 31/12, Tỉnh đoàn Bình Dương cũng cho khởi công xây dựng Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân cho người lao động trẻ tại KCN Mỹ Phước 3 (H.Bến Cát) với vốn đầu tư 57 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 8.2012. Hi vọng rằng trong tương lai gần, chúng tôi sẽ có thể thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân ở các tỉnh, thành có từ 5 Khu chế xuất trở lên”.

Bên cạnh đó, TW Đoàn, TW Hội đã và đang cho triển khai dự án đào tạo khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên, sinh viên và mô hình chương trình “1000 doanh nhân trẻ đỡ đầu cho 1000 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên”. Dù mới được phát động chính thức từ 15/10/2010 nhưng đã có không ít doanh nhân cam kết bảo trợ ý tưởng khởi nghiệp chủ yếu bằng các hình thức tư vấn tài chính, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi… như doanh nhân Nguyễn Văn Lê, TGĐ Ngân hàng SHB. Đến tháng 6/2011, 1000 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên được thẩm định sẽ được cam kết hỗ trợ, giúp thanh niên nông thôn, thanh niên nghèo khai thác triệt để khả năng phát triển sản xuất.

Tổ chức Đoàn, Hội tại các trường học cũng có nhiều mô hình hỗ trợ hiệu quả các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình có thể kể đến là câu chuyện của trường Cao đẳng Sư phạm TW TP. Hồ Chí Minh. 40% sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của trường đã nhận được sự hỗ trợ trong nhiều năm qua như hỗ trợ vốn không lãi suất, hỗ trợ tiền về quê ăn Tết, hỗ trợ việc làm thêm… Chị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường CĐ Sư phạm TW TP. HCM, chia sẻ: “Một trong những mô hình hay hỗ trợ tốt cho các bạn sinh viên là chương trình “Đồng hành cùng Sinh viên” (tặng quà Tết cho sinh viên ăn Tết xa nhà, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn). Chúng tôi luôn mong muốn xây dựng được không gian sinh hoạt, mô hình hỗ trợ thiết thực cho sinh viên để các bạn cảm thấy tổ chức Đoàn, Hội như một ngôi nhà chung, người bạn đồng hành của các bạn sinh viên”.


Phi Khuyên