|
Đi để chia sẻ và cống hiến
Những ngày cuối tháng 8, thời tiết trên đất nước chùa Tháp như không chiều lòng khách. Cái nắng như đổ lửa, nóng rát cả da thịt. Thế nhưng, sự khắc nghiệt của thời tiết không gây khó khăn đối với các chiến sĩ tình nguyện TPHCM, bởi ở họ luôn tràn đầy nhiệt huyết “đi để chia sẻ và cống hiến”.
Bác sĩ Võ Thị Anh Đào, giảng viên Trường ĐH Y dược TPHCM, 2 năm liên tiếp tham gia khám chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo Campuchia, chia sẻ: “Mỗi lần đến với người nghèo, dù ở đâu tôi đều có cảm giác rất vui. Mỗi chuyến đi là một quá trình trải nghiệm, là cơ hội để chúng tôi được chia sẻ, được đóng góp. Vinh hạnh của những người khoác áo blouse trắng là cống hiến và được phục vụ nhân dân”. Bác sĩ Đào cũng cho biết, để tham gia những chuyến tình nguyện dài ngày là không dễ, thế nhưng nếu có điều kiện, chị sẽ cố gắng thu xếp tham gia.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Bến Tre, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Đàn (25 tuổi) càng thấu hiểu nỗi khổ của người dân nghèo. Vì vậy, đến với người nghèo, chia sẻ và giúp đỡ họ luôn là điều thôi thúc anh mỗi khi có cơ hội. Không đếm được bao nhiêu lần anh tạm gác những ngày nghỉ cuối tuần, vác ba lô lên đường đến với bà con nghèo vùng sâu vùng xa trong nước. Riêng đây là lần đầu tiên anh tham gia chuyến tình nguyện vượt biên giới đến với nước bạn Campuchia. Bác sĩ Đàn cho biết: “Đến tận nơi, trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, tôi không khỏi bất ngờ khi nhận thấy mạng lưới y tế cơ sở tại các địa phương này còn rất yếu, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân là vô cùng hiếm. Đến đúng nơi người dân cần mình, giúp đúng đối tượng, niềm vui của người bác sĩ càng nhân lên gấp bội, mọi mệt nhọc bỗng tan biến”.
“Có bệnh nhân mang căn bệnh hiểm nghèo đến khám bệnh với hy vọng là được chữa khỏi. Thế nhưng, với điều kiện và cơ số thuốc cho phép, chúng tôi không thể làm gì khác là trấn an và hướng dẫn họ đến nơi điều trị đúng phác đồ, biết rằng họ sẽ rất khó khăn về kinh phí. Điều đó khiến chúng tôi day dứt”, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP tâm sự.
Tình huống khiến các bác sĩ trong đoàn dở khóc dở cười là khi không ít người dân đến khám bệnh đều bày tỏ mong muốn đầu tiên là được… đo huyết áp vì thấy hay hay. Và cũng có rất nhiều bệnh nhân tha thiết đòi bác sĩ cho được siêu âm và đo điện tim với lý do: “Tui thấy cái máy đó rất lạ, đẹp”.
Hết việc chứ không hết giờ
Ngày đầu tiên, theo dự kiến, đoàn sẽ khám cho khoảng 1.000 người dân tỉnh Kampong Speu (cách chỗ nghỉ 60km). Gần 1 giờ chiều, cái nắng càng trở nên gay gắt. Đã quá giờ ăn trưa hơn 1 tiếng đồng hồ, thế nhưng tại các phòng khám bệnh (phòng học của học sinh cấp 1), không bác sĩ nào chịu nghỉ. Ai cũng cố khám vì không muốn để người dân chờ lâu. Đến khi bị hối thúc nhiều lần, các bác sĩ mới thay phiên nhau đứng dậy đi ăn. “Mặc dù bụng rất đói, nhưng nhìn qua cửa sổ thấy nhiều người dân ngồi chờ dưới nắng, ăn ổ bánh mì khô khốc, chúng tôi không đành lòng để họ phải chờ thêm”, bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Nguyệt tâm sự.
Buổi chiều, người dân tuy không có giấy mời nhưng nghe nói có bác sĩ Việt Nam sang khám bệnh liền tìm đến ngày càng đông. Rút kinh nghiệm từ những chuyến đi trước nên cơ số thuốc mà đoàn mang theo luôn nhiều hơn dự kiến, tuy nhiên cũng chỉ trong khả năng cho phép. Hơn 5 giờ chiều, số người dân được khám bệnh, phát thuốc lên đến hơn 1.200 người. Các bác sĩ mệt mỏi sau một ngày làm việc hết công suất nhưng ai cũng cảm thấy rất vui.
Ngày thứ hai, dự kiến đoàn khám bệnh cho 600 người dân sinh sống trong khu vực hồ Tonle Sap, tỉnh Kampong Chnang - nơi tập trung khoảng 50% dân số là người Việt sinh sống nhưng con số người dân được khám lên đến gần 900 người. Địa điểm khám bệnh là ngôi trường cấp 1, 2 nằm bên cạnh một nhánh sông của Biển Hồ. Không có cầu nên để qua sông, người dân và đoàn bác sĩ tình nguyện phải đi bằng ghe. Khi hiểu được thiện chí và tinh thần tình nguyện của đoàn, một hộ gia đình người Campuchia không ngần ngại cho mượn chiếc ghe lớn làm phương tiện đi lại. Phòng khám, chữa răng cũng được tổ chức ngay trên ghe để thuận tiện cho người dân và bác sĩ.
Không những các y, bác sĩ trẻ Việt Nam luôn cố gắng hết mình với suy nghĩ “làm hết việc chứ không hết giờ”, mà các sinh viên Việt Nam du học tại Campuchia cũng như các thành viên trong Văn phòng Quốc hội Vương quốc Campuchia rất tích cực hỗ trợ phiên dịch, phát thuốc. Anh Lay Sapang, cán bộ Vụ Hợp tác Quốc tế (Văn phòng Quốc hội Vương quốc Campuchia), nguyên là sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội bộc bạch: “Tinh thần tình nguyện của các bác sĩ Việt Nam tuyệt vời quá, các bạn đã không ngại khó ngại khổ giúp đỡ người dân nghèo Campuchia, góp phần tô thắm tình hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước chúng ta ngày càng tốt đẹp”. Anh Hoàng Văn Nhân, cựu du học sinh Việt Nam tại Campuchia cho biết, theo kế hoạch anh chỉ có thể tham gia phiên dịch cho đoàn được ngày đầu nhưng thấy số lượng người dân đông, tinh thần làm việc của anh em hăng say nên anh đã thu xếp và tham gia suốt hành trình.
Theo SGGP