Trước con đường vào UBND huyện Trường Sa
|
Chúng tôi đến Bộ Chỉ huy Vùng 4 Hải quân với phía sau là thành phố Nha Trang đầy nắng và gió của một thành phố du lịch mà mùa hạ này mọi khách sạn đều "cháy" phòng. Cái khoảng cách non nửa trăm cây số ấy là khoảng cách trái ngược của hòa bình và sự gian khổ hy sinh để gìn giữ hòa bình; của những du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng với những cảnh giác, trách nhiệm trước biển trời của Tổ quốc.
Ai đã đến sân bay quốc tế Cam Ranh để vào thành phố Nha Trang xin dừng lại trước tượng đài bên đường gần đó để ngẫm về cái giá của hòa bình, ổn định và chủ quyền đất nước. Hai bên Tượng đài Cam Ranh có những tấm bia ghi danh 44 quân nhân Liên Xô/Nga và 176 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại Cam Ranh và khu vực miền Trung vì hoà bình và ổn định khu vực. Đứng đầu danh sách bên phía Việt Nam là các liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang đã hy sinh sáng ngày 14/3/1988 khi bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc tại khu vực các bãi, đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao: Anh hùng, liệt sĩ trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146; Anh hùng, liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604; Anh hùng, liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương, Chỉ huy phó đảo Gạc Ma, Thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ... Họ đã chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền dân tộc, bảo vệ từng thước đất cha ông với tất cả lòng kiêu hãnh dân tộc thành ý chí kiên cường "còn người, còn đảo"...
22 năm trôi qua rồi nhưng như còn đâu đây tiếng hô của thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, để máu của chúng ta tô thắm cờ truyền thống". Tổ 3 người gồm anh và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh đã lấy máu của mình để bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi đá Gạc Ma.
Từ lâu đời, Trường Sa và Hoàng Sa đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là một sự thật không thể và không cần phải bàn cãi. Thế nhưng vì những mưu toan, bất chấp lẽ phải và lòng tự trọng, phía nước ngoài đã tìm mọi cách chiếm giữ. Ngày 19/1/1974 khi chúng ta tập trung chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, họ đã ngang nhiên dùng vũ lực chiếm đoạt Hoàng Sa trong tay quân đội Sài Gòn. Đầu năm 1988, họ cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Những người con đất Việt vì chủ quyền đất nước đã hạ quyết tâm giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Từ 17 giờ ngày 13/3, nhiều tàu chiến nước ngoài áp sát và chạy vòng quanh đảo của ta khiêu khích và đe dọa song những trái tim quả cảm của Hải quân Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế và kiên trì bảo vệ đảo, giữ vững nguyên tắc, không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển, phù hợp với Công ước về Luật Biển quốc tế năm 1982 và tập quán quốc tế vì lợi ích, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Không đe dọa được, 7 giờ 30 sáng ngày 14/3, phía nước ngoài ngang nhiên nổ súng, trắng trợn tấn công. Các chiến sĩ hải quân, công binh từ các con tàu HQ-604 đã xếp thành những vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Tàu HQ-605, HQ- 505 trên các đảo Cô Lin, Len Đao cũng kiên cường giữ đảo. 64 người anh hùng đã ngã xuống ở Gạc Ma cùng tuổi trẻ và lòng yêu nước vì biển đảo quê hương. Cô Lin, Len Đao vẫn thuộc chủ quyền nước Việt. Và Trường Sa cho đến nay rồi cả sau này vẫn mãi là tiền tiêu giữ chủ quyền đất nước, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ra khơi...
Trong các tour du lịch Nha Trang sao không thể có chương trình tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền dân tộc nhỉ? Có thể trong những chuyến du lịch đầy những nụ cười ấy có thêm những giọt nước mắt tưởng nhớ bởi những giọt nước mắt ấy quý biết chừng nào khi tẩy rửa được tâm hồn và làm hiểu rõ hơn cái giá của những nụ cười giữa thành phố du lịch đầy nắng và gió này.
Những người giữ cho "biển lặng"
Xe chúng tôi qua cổng khu quân sự đã thấy xe của Hải quân Vùng 4 đậu sẵn chờ dẫn đường về Bộ Chỉ huy. Không được dẫn chắc chắn lạc bởi ở đây ngang dọc chằng chịt tới 150km đường. Bạn đọc liệu có tin trong khu vực này có cả bến... xe buýt nội bộ? Đó là sự thật và những con đường ngang dọc ấy như thế trận quốc phòng toàn dân hướng ra Trường Sa.
Đại tá, Chính ủy Vùng 4 Hải quân Đặng Minh Hải cùng các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn phòng thủ biển; sĩ quan tác chiến, hậu cần, kỹ thuật; sĩ quan chỉ huy hạm tàu niềm nở tiếp đón chúng tôi như những người thân trong nhà. Gặp các anh và đến các đơn vị, xuống tàu thăm các chiến sĩ, mỗi người trong đoàn đều cảm nhận chính họ là những người đã giữ cho "biển lặng". Những người lính ấy không chỉ canh giữ biển trời Tổ quốc mà còn thực hiện chiến lược gắn kinh tế với quốc phòng, trong đó hải quân là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân miền Trung và miền Nam đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Theo Sức khỏe & Đời sống