Ban Dân vận Trung ương khảo sát về thực hiện bài học “Dân là gốc” tại Trung ương Đoàn

(CTG) Sáng nay 30/5/2024, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương khảo sát về việc thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát và anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam chủ trì buổi làm việc.

Dự và chủ trì buổi làm việc có ông Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát và anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam…

Phát biểu tại chương trình ông Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, đề tài khảo sát lần này của Trung ương là đề tài lớn, quan trọng, khẳng định "Bài học dân là gốc”, “Dân là trung tâm”. Đồng thời khẳng định, bài học dân làm gốc đã xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dân tộc ta. Chính vì vậy từ khi thành lập Đảng, Đảng ta luôn xác định dân là gốc, dân là trung tâm, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc.

Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn có đổi mới để đáp ứng yêu cầu, đỏi hỏi của thực tiễn, nhất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được cụ thể hóa với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên Việt Nam.

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, hôm nay khảo sát ở Trung ương Đoàn để nghe việc thực hiện bài học “Dân là gốc”. Dân ở đây là thanh niên, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Qua đó, chắt lọc những vấn đề căn cốt về công tác dân vận. “Thanh niên Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong giai đoạn kiến thiết đất nước. Trong thời kỳ đổi mới đây mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thanh niên luôn phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần xung kích tình nguyện, nhiệt tình cách mạng, hăng hái tiên phong, ham học hỏi, có óc sáng tạo đã và đang chứng tỏ bản lĩnh sức trẻ, tinh thần dám nghĩ dám làm, ra sức tu dưỡng học tập rèn luyện, tích cực lao động sản xuất tiến vào khoa học công nghệ cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế”, ông Quang nói.

Tổ chức Đoàn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cách thức triển khai và chủ động tìm tòi hướng đi mới phù hợp với điều kiện cách mạng dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển thời đại và nhu cầu nguyện vọng của thanh thiếu nhi.

Ông Nguyễn Tuấn Quang cho rằng, với chức năng của mình, Trung ương Đoàn đã lấy thanh niên là gốc, là trung tâm, chủ thể trong các hoạt động của mình, thúc đẩy thanh niên thể hiện vai trò, vị trí của mình trong các phong trào hành động cách mạng; phát huy vai trò xung kích tình nguyện, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công tác mở rộng mặt trận đoàn kết thanh niên.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị, tại buổi làm việc hôm nay, các đại biểu tập trung đánh giá đúng khách quan kết quả vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc lấy lợi ích thanh niên làm trung tâm trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, phát huy sức mạnh của thanh niên trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, vai trò xung kích tình nguyện sáng tạo của thanh niên mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; tìm ra những tồn tại hạn chế trong vận dụng bài học trong thời gian qua; xác định những vấn đề đang tồn tại, yếu tố tác động trong các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến sự phát triển của thanh niên; giải pháp thực hiện hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu.

Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho rằng việc khảo sát này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với Ban Dân vận Trung ương, mà qua những kết quả được nghiên cứu, sẽ giúp cho các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có tổ chức Đoàn, Hội sẽ có những giải pháp triển khai mới về công tác đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện bài học "Dân là gốc", "Dân là trung tâm"…

Bên cạnh đó, anh Lương cho rằng cần xem xét tập hợp thanh niên trên không gian mạng, đây chính là một kênh thông để tổ chức Đoàn, Hội tập hợp các bạn thanh niên, đồng thời giúp các bạn hiểu rõ, nắm được các thông tin xấu, độc….

Anh Nguyễn Kim Quy báo cáo về công tác đoàn kết, tập hợp và phát huy thanh niên trong thực hiện Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Báo cáo về công tác đoàn kết, tập hợp và phát huy thanh niên trong thực hiện Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” góp phần xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Anh Nguyễn Kim Quy, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn cho biết, trong thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm khơi dậy khát vọng cống hiến, sức sáng tạo, tính tự chủ và phát huy sức mạnh của thanh thiếu niên; đồng thời chú trọng thiết kế các chương trình, hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh thiếu niên.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi đã được các cấp bộ Đoàn quan tâm, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, trong đó việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được coi là nhiệm vụ trọng tâm và trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi; giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cảnh giác cách mạng cho đoàn viên, thanh niên được đẩy mạnh. Trung ương Đoàn đã chủ động xây dựng, tham mưu với Chính phủ phê duyệt chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số, tận dụng không gian mạng trong công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt trên nhiều nền tảng số và bước đầu đem lại hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời cũng tiên phong thực hiện việc kết nối hệ thống các trang cộng đồng trên mạng xã hội để tạo sự đồng bộ, lan tỏa trong công tác tuyên truyền, giáo dục, tiêu biểu như ra mắt ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam” để kết nối, thông tin, tuyên truyền và định hướng, giáo dục thanh niên và ứng dụng “Làm việc tốt” nhằm triển khai chương trình “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”…

Quang cảnh buổi làm việc.

Trong hoạt động đồng hành với thanh thiếu niên các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích học sinh, sinh viên thi đua học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, xây dựng tinh thần tự học, học tập suốt đời, tích cực tham gia xây dựng xã hội học tập trong thanh niên. Các cấp bộ Đoàn đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giáo dục trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, ứng xử, giải quyết các vấn đề, phản biện, làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập, nâng cao thái độ tích cực của thanh niên trong học tập, lao động, cuộc sống… với phương thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, sở thích, nguyện vọng chính đáng của thanh thiếu niên.

Công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên. Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn với Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thanh niên được tăng cường. Với phương châm “Đoàn mạnh, Hội rộng”, tổ chức Hội các cấp triển khai có hiệu quả các hoạt động tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích, thanh niên lập thân, khởi nghiệp, lập nghiệp. Tăng cường sử dụng mạng xã hội để lắng nghe ý kiến và định hướng tư tưởng cho thanh niên. Tích cực chuyển đổi sang các mô hình câu lạc bộ, tổ, đội nhóm theo sở thích và triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm kết nối các tổ, đội, nhóm thanh niên tự tổ chức góp phần thu hút, tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội.

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn, Hội đã chú trọng tổ chức các hoạt động cụ thể chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho thanh niên, qua đó phát hiện, tập hợp, phát huy lực lượng nòng cốt, hạt nhân trong các hoạt động để thực hiện công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên. Các cấp bộ đoàn đã tích cực triển khai các giải pháp hiệu quả trong tập hợp và hỗ trợ thanh niên các khối đối tượng đặc thù; phối hợp tham mưu cơ chế, chính sách, kết nối, phát huy tài năng trẻ trên các lĩnh vực, văn nghệ sĩ trẻ và trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với sứ mệnh đại diện tiếng nói nguyện vọng của thanh niên Việt Nam đã tập trung nhiều hoạt động hướng về thanh niên, đưa thanh niên trở thành “Chủ thể” trong tổ chức và triển khai các chủ trương, hoạt động của Đoàn. Các cấp bộ Đoàn luôn dành thời gian lắng nghe, nắm bắt nguyện vọng, tình cảm của thanh thiếu niên, từ đó tham mưu, đề xuất với Đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của thanh thiếu niên.

Nội dung Bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” đã được cụ thể hóa thông qua các nội dung tại Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, XII. Đồng thời cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong các hoạt động của Đoàn, Hội. Trung ương Đoàn đã tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ xây dựng các chính sách hướng về thanh niên, tạo cơ chế để thanh niên trở thành chủ thể, trung tâm của sự phát triển bền vững, như: Luật Thanh niên; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cảm ơn lãnh đạo Trung ương Đoàn và các ban, đơn vị chức năng đã có sự chuẩn bị kỹ, có nhiều ý kiến cung cấp nhiều thông tin bổ ích, thiết thực. Đoàn khảo sát tiếp thu các thông tin, ý kiến tại hội nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, các ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc của Trung ương Đoàn đóng góp cho Đề tài.

CTG