|
Từ thu gom rác thải
Mỗi ngày chuẩn bị nhặt rau nấu cơm, bà Nguyễn Thị Hưng (thôn Thuận tiến, xã Dương Xá, Gia Lâm) đều ý thức rất rõ việc phân loại rác ngay từ nguồn. Nhà bà có 2 thùng rác đặt cạnh nhau; những đồ phế phẩm như cuống rau, vỏ quả… được bà đổ vào thùng màu xanh đựng rác hữu cơ. Những đồ phế phẩm như lọ thuỷ tinh, túi nilon, hộp xốp… được bà bỏ vào thùng màu vàng chứa rác vô cơ. Bà bảo: "Từ ngày thực hiện việc phân loại rác, nhà bà lúc nào cũng sạch sẽ. Không những thế, những phụ phẩm thuộc thể loại rác hữu cơ còn được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc ủ làm phân bón ruộng".
Bà Dương Thị Cúc - trưởng thôn Thuận Tiến cho biết, ngay từ khi triển khai việc phân loại rác, hội phụ nữ thôn đã rất hưởng ứng. Tuy lúc đầu cũng khó vì người dân chưa quen, nhưng sau đó mọi người bắt kịp rất nhanh và thực hiện rất nền nếp.
Không chỉ có việc phân loại, thu gom rác thải mà tại các huyện ngoại thành, mô hình xây dựng "đoạn đường nở hoa" cũng được người dân rất hưởng ứng. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, việc phân loại rác thải và xây dựng đoạn đường nở hoa chỉ là một trong nhiều hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường. Từ khi Thành hội phát động phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, Hội PN huyện Gia Lâm đã hưởng ứng rất tích cực, bao gồm các hoạt động: Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, đường làng, ngõ xóm xanh -sạch - đẹp… Hội PN huyện còn phổ biến vận động người dân sử dụng chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi của rác thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tại các huyện ngoại thành khác, các Hội PN còn vận động người dân tham gia vào công tác xử lý nước thải sinh hoạt từ gia đình, xử lý nước thải làng nghề và sử dụng nước hợp vệ sinh.
Đến sử dụng nguồn nước
Do có nghề sản xuất tăm hương nên từ lâu, nguồn nước tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà) đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước mặt (do người dân ngâm tre, nứa…). Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", năm 2001, xã Quảng Phú Cầu đã triển trai dự án xây dựng trạm xử lý nước ngầm ở thôn Phú Lương Hạ, công suất 200m3/ngày đêm, giải quyết vấn đề nước sạch cho gần 300 hộ dân.
Ông Nguyễn Trung Quân - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: Do nhận thức được lợi ích của việc dùng nước sạch nên người dân xã Quảng Phú Cầu đã tham gia đóng góp kinh phí rất tích cực. Sau thành công tại thôn Phú Lương Hạ, đến nay, cả 4 thôn của xã Quảng Phú Cầu đều đã có trạm xử lý nước tập trung.
Ông Nguyễn Tiến Nội - Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, hiện nguồn nước sinh hoạt của người dân ngoại thành nhiễm Asen rất nặng, có nơi gấp từ 10 - 15 lần mức độ cho phép, nặng nhất là vùng ven sông như các huyện Thạch Thất, Ứng Hoà, Quốc Oai, Thanh Trì… Ô nhiễm nguồn nước chính là nguyên nhân gây ra các bệnh đường ruột. Do đó theo ông Nội, trong khi chờ các dự án nước sạch của Nhà nước, người dân cần chủ động cải thiện nguồn nước phục vụ sinh hoạt của mình. Hiện Hà Nội còn 16.000 hộ dân nông thôn dùng giếng đào (tương đương 2 triệu người), 626.000 hộ dùng giếng khoan (tương đương 3,7 triệu người), còn lại dùng trạm cấp nước tập trung. Về lâu dài, vùng nông thôn cần xây dựng các trạm cấp nước tập trung như Quảng Phú Cầu.
Cần nâng cao nhận thức
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì việc làm thế nào để thay đổi nhận thức cho người dân là hết sức quan trọng. Muốn vậy thì công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, phụ nữ là đối tượng rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bởi họ là những người tề gia nội trợ, chăm sóc gia đình. Những năm qua, Hội PN Hà Nội đã phát động rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tốt.
Trong thời gian tới, Hội PN sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho chị em, đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả ra các huyện.
Cùng quan điểm với bà Nguyễn Quỳnh Hoa, ông Phạm Văn Khánh - Phó giám đốc Sở TN&MT cho rằng, cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân ngoại thành, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải trong trồng trọt và chăn nuôi. Riêng đối với làng nghề, cần quan tâm đến việc thu gom xử lý rác thải và nguồn nước. Hiện Sở TN&MT đang tiến hành làm điểm tại một số huyện Ứng Hoà, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thường Tín về vấn đề thu gom xử lý rác thải làng nghề. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) là quỹ đi đầu toàn quốc trong việc bảo vệ môi trường, có thể hỗ trợ người dân trong việc xây dựng các mô hình xử lý chất thải như mô hình Biogas. Do đó, người dân các huyện ngoại thành hoàn toàn có thể đề xuất phối hợp.
Theo Kinh Tế & Đô Thị