|
Là một cán bộ chương trình tại WCS Việt Nam, anh Việt giám sát công tác nghiên cứu, huấn luyện và các cuộc kiểm tra đột xuất gần đây nhằm vào các nhà hàng thịt thú rừng, những kẻ buôn lậu và săn động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam.
Anh Việt xem động vật hoang dã là di sản thiên nhiên của dân tộc Việt Nam và là tài sản cần được bảo vệ cho mọi người và các thế hệ tương lai.
|
Giờ đây, WCS đang đứng trước mục tiêu mới - đơn giản nhưng đầy thách thức: chấm dứt việc tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam. WSC đang nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề quan trọng này.
Phóng viên của Dtinews(trang tiếng Anh của báo Dân trí) đã có cuộc phỏng vấn với Anh Việt về vấn đề này.
Những sự thật đáng lo ngại và báo động nhất về tiêu thụ và săn bắt động vật hoang dã tại Việt Nam là gì, thưa anh?
Điều đáng báo động nhất là nhiều người săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã không cho rằng ăn hoặc săn bắt động vật hoang dã nguy cấp là vấn đề lớn. Họ không hiểu rằng những động vật này đang bị nguy hiểm, vì việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn lỏng lẻo, vì thế họ không sợ bị trừng phạt.
Tôi tin rằng chúng ta đang bắt đầu thay đổi quan điểm này. Mọi người đang dần nhận ra rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Cùng lúc đó chúng ta cũng phải nghiêm khắc hơn. Đã đến lúc chúng ta nói “đủ rồi” và hãy kêu gọi mọi người cùng hành động trong cuộc chiến này.
Xin anh cho biết các mục tiêu chính của WCS tại Việt Nam?
Mục tiêu của WCS là ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã nguy cấp và Việt Nam là mặt trận quan trọng trong cuộc chiến này. Thứ nhất, Việt Nam là một nước tiêu thụ lớn động vật hoang dã nguy cấp, nhưng cũng là nơi quá cảnh - thu gom động vật hoang dã từ khắp nơi trên thế giới để đưa tới các thị trường mới, đặc biệt là Trung Quốc. Trong chiến lược toàn cầu của WCS, thành công tại Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn.
Cho tới nay WCS đã đạt được thành công gì tại Việt Nam?
Công việc của chúng tôi cho đến nay là tạo đà để chiến thắng trong cuộc chiến này. Công việc bắt đầu với việc thu thập dữ liệu xác thực cho WCS và tìm ra các giải pháp cho tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam. Bước tiếp theo là hợp tác với các cơ quan chức năng.
|
Ở mỗi bước, chúng tôi đang xây dựng sự đồng lòng và một phong trào nhằm chống lại sự triệt tiêu di sản thiên nhiên của Việt Nam. Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng vấn đề này nghiêm trọng như thế nào.
Đợt truy quét gần đây tại Lâm Đồng, trong đó 350kg động vật hoang dã bị thu giữ, đã được báo chí Việt Nam đăng tải rộng rãi. Vụ việc cũng được đăng tải trên tờ New York Times và Huffington Post của Mỹ. Thế giới đang dõi theo Việt Nam về vấn đề này. Uy tín của đất nước đang bị ảnh hưởng - không chỉ về vấn đề môi trường mà còn về các vấn đề rộng hơn như cam kết thực thi pháp luật.
WCS hợp tác như thế nào với chính phủ và các cơ quan liên quan tại Việt Nam?
WCS đã phát triển và tìm kiếm cơ hội để hợp tác với các cơ quan khác nhau tại Việt Nam có liên quan tới buôn bán động vật hoang dã. Ở cấp quốc gia, chúng tôi đang hợp tác với Cục kiểm lâm (FPD - MARD), văn phòng CITIES Việt Nam, Cục bảo tồn đa dạng sinh học (MONRE) và Cục hải quan. Ở cấp tỉnh, chúng tôi có các đối tác các Chi cục kiểm lâm, cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế, bộ đội biên phòng, hải quan và quản lý thị trường.
Và bước tiếp theo là hợp tác với các các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Bằng chứng cho thấy những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh là các đối tượng ăn thịt động vật hoang dã nhiều nhất. Chúng tôi đang trong quá trình chuẩn bị hợp tác với các công ty ký cam kết cấm việc tiêu thụ này.
Chúng tôi hợp tác với chính phủ Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn gặp phải các vấn đề về các ưu tiên và nguồn lực. Tất nhiên, chúng tôi muốn cuộc chiến này phải được ưu tiên cao hơn và có nguồn lực lớn hơn nhiều. Chúng tôi muốn chính phủ Việt Nam kiên quyết rằng chính phủ không dung thứ cho bất kỳ hành động buôn lậu và săn bắt động vật hoang dã nào, đồng thời cam kết loại điều đó ra khỏi lãnh thổ. Nếu có ý chí, cuộc chiến này mới thắng lợi.
WCS có nỗ lực để giáo dục và nâng cao ý thức của công chúng?
|
Tôi nghĩ đó là bước tiếp theo. Cho tới nay chúng tôi mới hợp tác với các đối tác và với chính phủ. Giờ đây chúng tôi đang bắt đầu chuyển hướng về phía công chúng và mong muốn cam kết của họ đối với vấn đề này.
Anh sẽ làm gì để thay đổi quan điểm của những người thực sự tin vào lợi ích của việc ăn thịt động vật hoang dã?
Chúng ta phải cho họ thấy rằng quan điểm của họ là không có cơ sở khoa học. Ngày càng có bằng chứng cho thấy rằng trong một số trường hợp động vật hoang dã có thể nhiễm bệnh. Chúng ta phải giáo dục mọi người rằng ăn thịt động vật hoang dã là trái phép. Mọi người cũng cần nhận ra rằng đó là di sản thiên nhiên của Việt Nam. Một khi đã biến mất, nó sẽ biến mất mãi mãi. Đó là vẻ đẹp của Việt Nam và động vật hoang dã cũng là một phần trong đó.
Hình phạt tại Việt Nam có đủ nghiêm để ngăn chặn những vi phạm trong tương lai hay không?
Hình phạt nặng nhất cho các vụ án hình sự là 7 năm tù giam và 500 triệu đồng cho các trường hợp vi phạm hành chính. Chúng tôi tin rằng hình phạt nghiêm khắc hơn sẽ chỉ được đưa ra một khi đây được xem là ưu tiên lớn hơn và có một mong muốn lớn hơn là chấm dứt ăn thịt động vật hoang dã.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Theo Dân trí