Chàng trai vẽ tranh trên nón lá Huế

(CTG) Nhắc về Huế, người ta dễ nhớ ngay đến "chiếc nón bài thơ" đã quá quen thuộc trong thơ nhạc. Và có một chàng trai xứ Huế đang làm nhiều du khách mộng mơ khi ngắm những bức tranh trên nón lá.

 

Chàng trai vẽ tranh trên nón lá Huế - Ảnh 1.
 

Phan Quang Nhật và những chiếc nón lá vừa được vẽ tranh bên hiên nhà ươm nắng - Ảnh: LINH CHI

Niềm đam mê hội họa đã đưa Phan Quang Nhật (30 tuổi) đến với vẽ tranh trên nón lá. May mắn là chàng trai 9X ấy đang nhận được phản hồi tích cực của du khách khiến anh tự tin hơn với con đường lập nghiệp từ chính niềm đam mê của mình.

Duyên nghề

Một chiều dạo bước trên cầu Trường Tiền, nhìn các thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài cùng vành nón che nghiêng chụp hình bên dòng sông Hương, ý tưởng vẽ những bức tranh phong cảnh quê hương, xứ sở lên vành nón lá chợt nảy ra trong đầu Nhật. Nghĩ là làm, Nhật về nhà pha màu rồi bắt đầu mày mò vẽ.

Những sản phẩm đầu tay, cái bị lem màu, cái thì màu chảy, nét vẽ cũng thiếu hài hòa, màu sắc chưa bắt mắt. Nhưng anh chàng xứ Huế chưa từng nản lòng vì thực ra trước đó cũng chưa qua bất kỳ lớp đào tạo vẽ trên nón nào cả. 

"Không có việc gì là không thể, người khác làm được mình cũng làm được. Nếu chưa được chắc là do mình chưa đủ cố gắng và kiên trì", Nhật nghĩ vậy rồi lại lao vào vẽ.

Mất chừng hơn năm trời cộng với phá hàng loạt chiếc nón, Nhật bắt đầu giới thiệu những sản phẩm đầu tiên ra thị trường. Sản phẩm ưng ý, anh đăng lên các trang mạng xã hội, bạn bè cũng quan tâm, ủng hộ. Dần dà, một vài công ty lữ hành biết và tìm đến Nhật đặt hàng.

Anh chàng khoe hiện nón lá vẽ tranh của mình đã tỏa đi khắp cả nước, nhiều nhất là các trung tâm du lịch lớn: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Bình...

Huế vốn được mệnh danh là xứ mộng mơ nên Nhật cũng chủ yếu chọn vẽ trên nón tranh phong cảnh hữu tình. Khi là hình ảnh người phụ nữ ngồi bên bờ sông đợi đò, khi là dòng sông phẳng lặng đầy ánh nắng phản chiếu lên người ngư phủ đang chầm chậm buông lưới, lúc là cánh đồng xanh mướt với người nông dân đang cuốc đất và đàn chim sải cánh trên bầu trời, có khi là chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, dòng sông Hương thơ mộng nơi mảnh đất Nhật sinh ra và lớn lên.

Tôi hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích và góp phần đưa những nét đẹp xứ Huế lên chiếc nón bài thơ.

PHAN QUANG NHẬT

Sống được với đam mê

12 năm theo nghề vẽ, 5 năm vẽ tranh trên nón lá, chàng trai ấy chẳng thể nhớ mình đã vẽ bao nhiêu chiếc nón, bao nhiêu bức tranh. Hồi đó, gia đình khó khăn nên Nhật không có cơ hội theo đuổi con đường học vấn. Nhật mê hội họa từ nhỏ nên 18 tuổi, anh xin đi học nghề vẽ tranh lụa. Và sau 7 năm theo nghề vẽ tranh lụa, Nhật rẽ sang vẽ tranh trên nón lá.

Dù vậy Nhật chưa bao giờ thấy nhàm chán với công việc đang làm. Bởi mỗi ngày làm việc anh lại được thỏa sức sáng tạo và càng làm càng thấy mê. Có lẽ mảnh đất quê hương với nhiều phong cảnh hữu tình đã là chất liệu bất tận giúp anh sáng tạo. 

Những lúc thảnh thơi, Nhật chọn đi thong dong đây đó hoặc ra khỏi thành phố, loanh quanh trên những cánh đồng quê, nơi bến sông, đình làng để tìm cảm hứng và chất liệu mới cho công việc.

Hồi mới làm, mỗi ngày Nhật chỉ vẽ được tầm vài ba chiếc, bây giờ quen việc, mỗi ngày có thể vẽ 20 - 30 chiếc nón. Có những ngày ý tưởng đến cuồn cuộn, Nhật vẽ hết chiếc này đến chiếc khác, quên cả thời gian. Mãi cho đến khi tiếng gà gáy vang, Nhật mới nhận ra đã tàn đêm và rời khỏi những mảng màu rực rỡ.

"Con đường lập nghiệp của mình chắc cũng còn gian nan, nhưng mình như được tiếp lửa bởi chính sự yêu thích và đón nhận của người tiêu dùng, mình tin vào con đường đã chọn, sống được với đam mê" - Nhật chia sẻ.

Du khách trải nghiệm tự vẽ tranh

Từ trung tâm TP Huế (Thừa Thiên Huế) ngược lên phía Thủy Biều, men theo con đường nhỏ quanh hồ sen trước điện Voi Ré, tới cuối con đường đất là căn nhà nhỏ của gia đình Nhật. Nắng sáng vàng ươm phủ lên những chiếc nón Nhật vừa vẽ xong đang phơi nắng trước hiên nhà.

Chiếc bàn nhỏ kê dưới bụi tre xanh rì có bình hoa sen thơm ngát. Mấy người khách Tây đang trải nghiệm tự vẽ tranh trên nón lá, vui vẻ nói cười cùng nhau. Một vài công ty du lịch lữ hành kết nối để đưa khách đến nhà Nhật trải nghiệm vẽ tranh trên nón lá sau khi dẫn khách tham quan các điểm di tích Hổ Quyền - điện Voi Ré gần đó.

Những ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ nơi này lại rộn rã tiếng nói cười của các đoàn khách lần lượt ghé thăm. Và những chiếc nón lá sau khi được khách tự vẽ cũng sẽ theo chân họ chu du khắp chốn.

Theo TT