“Chúng ta không thể mãi ăn đong”

(CTG) Khi tham gia 1 sân chơi lớn, được cọ sát với những quốc gia rất mạnh mới thấy chiến lược đào tạo của Việt Nam vẫn còn cảnh “ăn đong”.

Với 1 Huy chương Bạc, 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đứng thứ 25/63 quốc gia tham dự là 1 bước tiến dài của đoàn Việt Nam sau 7 năm tham gia đấu trường về tay nghề quốc tế. Tuy nhiên, khi tham gia 1 sân chơi lớn, được cọ sát với những quốc gia rất mạnh mới thấy chiến lược đào tạo của Việt Nam vẫn còn cảnh “ăn đong”.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh chúc mừng thí sinh đoạt Huy chương Bạc Trương Thế Diệu.

Được xem là kỳ thi được đầu tư bài bản nhất từ trước đến nay, trong 19 tuyển thủ, đa phần được đào tạo trong nước dưới sự dẫn dắt của những chuyên gia hàng đầu thì cũng đã có những thí sinh được đào tạo dài hạn ở nước ngoài, được đi cọ sát với nhiều cuộc thi ở các nước trong khu vực.

Kỳ thi được đánh giá là có sự khác biệt rất lớn giữa các thí sinh. Trong suốt 4 ngày thi đấu, những thí sinh có được sự chuẩn bị tốt ở nhiều phương diện đã thể hiện bản lĩnh của mình trong từng bài thi, trong những tình huống cụ thể.

Trương Thế Diệu dự thi nghề Phay CNC rất “lì” khi vấp phải những thiết bị chưa 1 lần “chạm mặt” như con dao phi 6; Nhóm Nguyễn Văn Hưng; Nguyễn Văn Quân với nghề Cơ điện tử đối mặt với tình huống thiếu thiết bị nhưng vẫn điềm tĩnh xử lý những công đoạn khác để chạy tiến độ…

1 Huy chương Bạc, 8 chứng chỉ nghề nghiệp xuất sắc, đứng thứ 25/63 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự là kết quả tốt nhất của đoàn Việt Nam sau 7 lần tham dự kỳ thi Tay nghề thế giới. Điều này cũng khẳng định sự đầu tư “đáng đồng tiền bát gạo” của Nhà nước cũng như sự chung tay của các tổ chức, nhà tài trợ khi thực hiện mô hình xã hội hóa. 12/18 nghề xã hội hóa, trong đó có 1 số nghề có mức đầu tư tới 2 tỷ/thí sinh cho thấy sự khát khao khẳng định năng lực tay nghề Việt Nam trên trường quốc tế đồng thời cũng gợi mở những “dự án” tay nghề trong tương lai.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội: “Điều may mắn của chúng tôi là luôn có sự đồng hành của các nhà tài trợ. Các em được chuyên gia tốt nhất thế giới, người đã đoạt giải nhất kỳ thi năm 2017 hướng dẫn. Các em có hơn 1 năm sang Hàn Quốc đào tạo nên trưởng thành rất nhanh về tay nghề cũng như tâm lý thi đấu”.

Với tấm Huy chương Bạc cho nghề Phay CNC là 1 minh chứng cho quá trình đào tạo đúng hướng. Chiến lược mà Viện Đào tạo Kỹ năng nghề DENSO Việt Nam thực hiện không chỉ là sự đầu tư về thời gian (hơn 2 năm) với những chuyên gia tốt nhất mà còn là sự cọ sát ở nhiều kỳ cuộc thi khu vực và thế giới để có 1 Thế Diệu Giỏi về kỹ năng, tay nghề và “lì” trong thi đấu.

Những "người hùng" trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí

Không thể mãi “ăn đong”

Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng chúng ta sẽ rất “khó lớn” nếu như mãi mặc mãi chiếc áo đã chật. Ở các nước mạnh tham dự Worldskills đều có quá trình chuẩn bị cho kỳ thi rất dài, có những nghề được “vào lò” tôi luyện tới 4-5 năm. Họ cũng có những bước tập rượt ở những sân chơi nhỏ hơn trước khi ra đấu trường quốc tế.

Trong khi đó không ít nghề, thí sinh của chúng ta chỉ có 10 thậm chí là 3 tháng để tập luyện. Có lẽ trong lịch sử Woldskills, hiếm có thí sinh nào như Nguyễn Xuân Lực của Việt Nam. Với nghề Sơn ô tô nhưng Lực cũng chỉ có 3 tháng để tập rượt. Ngày lên đường không Huấn luyện viên, không phiên dịch (quy định của Wk), Lực “1 mình 1 ngựa” đến ứng thí ở đấu trường quốc tế. Bởi sự “quá đặc biệt” và những cố gắng của Lực trong quá trình thi nên em đã được Ban tổ chức trao phần thưởng “thí sinh có tiềm năng”… Mừng cho em nhưng không thể không nói là chạnh lòng.

Một chút tiếc nuối cho nghề xây gạch bởi những sai sót không đáng có.

Việc thiết bị, nguyên vật liệu trong quá trình tập luyện khác xa về kích cỡ, kiểu dáng so với tiêu chuẩn kỳ thi cũng không phải là chuyện hiếm. Hay việc lựa chọn thí sinh dự thi, ở nhiều trường cũng phải “nước đến chân với nhảy”. Quá trình xét duyệt hồ sơ lên các cấp cũng rất mất thời gian khiến quá trình đào tạo bị “chín ép”.

Mục tiêu của kỳ thi đã hoàn thành xuất sắc thế nhưng vẫn có rất nhiều những “giá như”, từ khâu tổ chức đến khâu đào tạo thí sinh cả về mặt kỹ năng, tâm lý và cả ý thức kỷ luật. Một Bùi Duy Kiệm sẽ rất sáng giá với nghề xây gạch nếu như không mắc phải những lỗi sơ đẳng kỹ thuật và an toàn lao động (tự động cắt thiết bị chỉ vì kích cỡ quá dài; không đeo kính bảo hộ).

Một điểm tựa tâm lý như ý kiến của chuyên gia nghề xây gạch, ông Đặng Đình Vệ: “Ở phần lớn các đoàn tham dự kỳ thi năm nay họ đều có chuyên gia tâm lý đi cùng để hỗ trợ về mặt tâm lý cho thí sinh nhưng nước ta thì không. Đành rằng chúng ta đã có những buổi tập huấn tâm lý ở trong nước nhưng khi đi thi rất nhiều vấn đề phát sinh cần có sự hỗ trơ của các chuyên gia. Đây thực sự là điểm dự tinh thần cho các em”.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Phó trưởng đoàn cùng thí sinh Trương Thế Diệu tại lễ bế mạc Worlskills Kazan 2019.

“Chúng ta không thể mãi ăn đong”. Đó là khẳng định của ông Trương Anh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó trưởng đoàn, đại biểu chính thức của Việt Nam tại kỳ thi.

“Ở mỗi bài thi Tay nghề thế giới là 1 dự án rất lớn đòi hỏi sự chuẩn mực không chỉ là chuyên môn mà còn là thái độ liên quan kỹ năng mềm, đoàn của chung ta vẫn có một số thí sinh bị nhắc nhở do dành vi thái độ. Giải pháp thời gian tới sẽ xây dựng đề án để đề xuất chiến lược dài hơi chứ không thể ăn đong mãi như thế này. Worldskills cũng đã xây dựng chiến lược đến 2025; 2030. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng ta cũng phải chuẩn bị mọi mặt thì mới hy vọng vượt lên”, ông Dũng nói.

Những ngày thi đấu căng thẳng, chứng kiến những giọt mồ hôi của các thí sinh rơi trên đấu trường Woldskills Kazan, nỗi phấp phỏng đến mất ăn mất ngủ của các thành viên và cả niềm vui, nỗi buồn khi nhận kết quả mới thấy sự đổi màu của tấm huy chương mới thực sự gian nan và danh giá. Hơn cả, 1 chiến lược đào tạo cũng dần được Demo trong tư tưởng các nhà lãnh đạo với tinh thần: Bàn bản, chuyên nghiệp chứ không thể mãi “ăn đong”!/.

Hoàng Long