Cô giáo người Mường tạo "cơn địa chấn" giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao

(CTG) Cô giáo người Mường Hà Ánh Phượng (SN 1991, trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã tạo nên "cơn địa chấn" về sáng tạo giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao của Phú Thọ và học sinh nghèo tại 4 châu lục với mô hình lớp học xuyên biên giới và được Tổ chức giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh “Top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu”.

Với quan điểm “bất cứ học sinh nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất”, cô giáo Hà Ánh Phượng đã tạo nên những lớp học xuyên biên giới cho học sinh nghèo ở cả 4 châu lục.

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo của tỉnh Phú Thọ, Hà Ánh Phượng hiểu hơn ai hết sự khó khăn của những học sinh miền núi khi tiếp cận với con chữ, đặc biệt là ngoại ngữ. Tuy nhiên, những đứa trẻ miền trung du này như lời của cô Phượng chia sẻ thì: “Dù sau giờ học các em vẫn phải đi làm đồi, làm rừng nhưng hơn hết, các em luôn có ước mơ, năng lực và rất độc lập”. Và cô Phượng đã lấy chính mình  là minh chứng sống động cho niềm tin này.

Ước mơ trở thành cô giáo của Hà Ánh Phượng bắt đầu từ khi còn là một cô bé. Khi  đó, Ánh Phượng đã xem một phóng sự thực hiện về những giáo viên vùng cao, những người đã phải đến từng nhà học sinh thuyết phục phụ huynh cho con đi học. Ước mơ của Phượng lại được chắp cánh chính từ người bố của cô. Nhà đối diện trường học, Hà Ánh Phượng thích cảm giác được thử làm cô giáo đứng trên bục giảng và bố cô khi đó đã đi chặt gỗ về, ghép thành tấm bảng, để con gái tập làm cô giáo. Thậm chí, bố Phượng còn nhiều lần đi cả quãng đường 20 km, chỉ để mua cho con gái một cuốn sách tham khảo. “Tôi luôn thầm biết ơn bố, mẹ, những người luôn tạo ra môi trường học tập tích cực cho các con”, cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.


Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên  trường THPT Hương Cần, Phú Thọ, người được Tổ chức giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh vào “top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu” - giải thưởng được xem là "giải Nobel của ngành giáo dục", bởi những đóng góp cho học sinh nghèo tại 4 châu lục. Ảnh: VNP


Cô Hà Ánh Phượng trong Lễ gặp mặt tuyên dương giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tư liệu


Với quan điểm bất cứ học sinh nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất, cô giáo Hà Ánh Phượng đã mở những lớp học xuyên biên giới, mang lại lợi ích cho nhiều học sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Tư liệu


Cô Hà Ánh Phượng với tư cách khách mời trong một buổi giao lưu, chia sẻ cùng các em học sinh tại một trường THPT ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu


Cô Hà Ánh Phượng trong buổi ghi hình giảng dạy tại trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ. Ảnh: VNP

Buổi học kết nối xuyên biên giới của cô Hà Ánh Phượng và học sinh trên toàn cầu qua màn hình. Ảnh: Tư liệu

Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt chung như bao học sinh miền núi khác, để nuôi dưỡng niềm đam mê với môn tiếng Anh, Hà Ánh Phượng đã tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận với môn ngoại ngữ này như xem những bản tin trên truyền hình, tìm mua những tờ báo tiếng anh cũ... Tuổi thơ của Phượng đã lớn lên trong niềm ấp ủ một ngày nào đó sẽ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh, góp phần thay đổi nhận thức của những con người sống tại vùng miền núi nghèo khó quê mình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu của Đại học Hà Nội, Hà Ánh Phượng được một Công ty dược của Pakistan mời về làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên cô đã từ chối để quyết định tiếp tục theo học Thạc sỹ ngành Sư phạm tiếng Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội), với dự định quay về đổi mới giáo dục quê nhà.

Là một giáo viên trẻ có năng lực và nhiều hoài bão, nên mặc dù về dạy học ở một ngôi trường miền núi, Hà Ánh Phượng vẫn luôn tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên các diễn đàn toàn cầu. Cô là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft, nơi quy tụ giáo viên toàn cầu cùng thiết kế bài giảng và tham gia phát triển chuyên môn hàng tuần.



Để có những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, cô Hà Ánh Phượng cùng đồng nghiệp thường xuyên thảo luận cùng nhau trước khi đưa ra những phương pháp tối ưu nhất cho học sinh. Ảnh: Khánh Long


Cô Hà Ánh Phượng và học sinh của mình trong Dự án nói không với ống hút nhựa... Ảnh: Tư liệu


... và cũng là Dự án được Tiến sĩ kinh tế hàng đầu của Singapore Hoàng Triết Vấn tư vấn và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Ảnh: Tư liệu

Tham gia giảng dạy ở Trường THPT Hương Cần, cô Phượng có những sáng kiến, sáng tạo đột phá trong giáo dục, đặc biệt giúp học sinh của mình vượt qua khó khăn trong việc học tiếng Anh nhờ áp dụng mô hình lớp học xuyên biên giới, kết nối học trò với các trường nước ngoài qua ứng dụng Skype. Mỗi tiết học tiếng Anh được cô giáo Hà Ánh Phượng xây dựng thành một buổi học trực tuyến xuyên biên giới. Khi là điểm cầu Washington, điểm cầu Ấn Độ,… và điểm cầu còn lại chính là lớp học miền núi của cô giáo Hà Ánh Phượng.

Không chỉ thành công với lớp học xuyên biên giới, năm học 2019 - 2020, cô Phượng còn trực tiếp hướng dẫn, đồng hành cùng hơn 90 học sinh Trường THPT Hương Cần thực hiện dự án quốc tế mang tên “Nói không với ống hút nhựa”. Buổi thuyết trình về dự án “nói không với ống hút nhựa” của cô giáo Hà Ánh Phượng và học trò đã kết nối đến học sinh đến từ hơn 7 quốc gia tới từ 4 châu lục. Trong tiết học này, các cô cậu học trò người dân tộc Mường của cô Phượng đã mang đến những sản phẩm ống hút tre do chính mình làm ra và tự tin thuyết trình dự án với mong muốn lan toả tinh thần bảo vệ môi trường tới bạn bè quốc tế.

Cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ: “Nhìn những ánh mắt lấp lánh, tự tin khi giao tiếp tiếng Anh của học trò, tôi tin rằng các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai”. Không chỉ dạy học tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng còn dành thời gian dạy các lớp online miễn phí, cho trẻ em nghèo tại Ấn Độ, Nam Phi,…

Trong tương lai, cô giáo trẻ Hà Ánh Phượng dự định sẽ phát triển một kênh Youtube chuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh, đồng thời chia sẻ các hoạt động phát triển chuyên môn, các dự án liên quan đến dạy học vì mục tiêu phát triển bền vững.
 
Với những đóng góp cho công tác giáo dục, cô Phượng đã vinh dự nhận thư khen ngợi của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
 
Đặc biệt dịp này, cô Phượng vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
 
Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các giáo viên người dân tộc thiểu số  đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. 
 

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các đơn vị phối hợp nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Nguồn: Tổng hợp