Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo”: Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên

(CTG) Vượt qua 10 dự án trong vòng chung kết toàn quốc cuộc thi, dự án “Nhà máy sản xuất, chế biến rượu 9 Chum xuất khẩu và sản xuất sản phẩm từ bã rượu” của tác giả Trần Văn Xuân, tỉnh Tuyên Quang đã giành giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023.

Sáng nay 25/12/2023, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo” năm 2023.

Anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và anh Bùi Thành Đô, CEO ThinkZone Ventures trao giải Nhất cho dự án Nhà máy sản xuất, chế biến rượu 9 Chum xuất khẩu và sản xuất sản phẩm từ bã rượu (tác giả Trần Văn Xuân, ở Tuyên Quang).

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Kim Quy, Uỷ viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Xuân Hiếu, Uỷ viên BCH, Phó Trưởng ban ĐKTHTN Trung ương Đoàn, Uỷ viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp; anh Bùi Thành Đô, CEO ThinkZone Ventures; chị Mentor Jenny Nguyễn, Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ, Trưởng làng AI Techfest, Phó chủ tịch CLB DNT khởi nghiệp YBC 211k thành viên; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp; các chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hơn 200 bạn đoàn viên, hội viên thanh niên.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu, Uỷ viên BCH, Phó Trưởng ban ĐKTHTN Trung ương Đoàn, Uỷ viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, anh Nguyễn Xuân Hiếu, Uỷ viên BCH, Phó Trưởng ban ĐKTHTN Trung ương Đoàn cho biết, với mục tiêu nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra. Năm 2022, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030”

Nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chương trình, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Kế hoạch của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Qua 01 năm triển khai, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cấp Trung ương do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức đã được triển khai đồng bộ, thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên, thanh niên và doanh nghiệp tại địa phương quan tâm và tham gia.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu, Uỷ viên BCH, Phó Trưởng ban ĐKTHTN Trung ương Đoàn, Uỷ viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam và anh Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp trao gói tư vấn doanh nghiệp trị giá 100 triệu đồng dành cho 10 dự án lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi.

“Ngoài việc tổ chức các khóa tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho hơn 1.000 thanh niên và gần 500 doanh nghiệp, chủ cở sở sản xuất kinh doanh tại địa phương; tổ chức các Ngày hội “Tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên” tập trung vào một số địa bàn đặc thù đông đảo lực lượng thanh niên dân tộc thiểu số; tổ chức Diễn đàn và tập huấn chuyển đổi số trong truyền thông Quảng bá sản phẩm OCOP cho gần 1.000 thanh niên nông thôn, thì điểm nhấn trong các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là Hành trình “Thanh niên khởi nghiệp” với một chuỗi các hoạt động đa dạng, phong phú, cung cấp kiến thức, tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh”, anh Hiếu nói.

“Thông qua Hành trình sẽ giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy nhu cầu khởi nghiệp chính đáng của các bạn thanh niên và đặc biệt có thể giúp kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ thanh niên tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các dự án. Qua đó tiếp sức giúp các dự án tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong tương lai”, anh Nguyễn Xuân Hiếu nhấn mạnh.

BTC trao giải Nhì và Ba cho các dự án.

Được phát động từ tháng 8/2023 đến nay, Cuộc thi tìm kiếm dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên đã nhận hơn 80 hồ sơ đến từ 43 tỉnh, thành phố. Cuộc thi đã trải qua tại 03 khu vực (thành phố Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Tp. Hồ Chí Minh) với các hoạt động như: Tập huấn nâng cao năng lực số trong các hoạt động khởi nghiệp cho Hội viên, thanh niên; Hội thảo giao lưu giữa thanh niên với các chuyên gia và doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương; Hội chợ triển lãm trưng bày, giới thiệu và giao thương các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên địa phương.

Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 10 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất để tham dự Vòng chung kết cuộc thi. 10 dự án lọt vào vòng chung kết đến từ rất nhiều nhóm lĩnh vực như: Nông nghiệp, sản xuất, thực phẩm cho đến công nghiệp, tự động hóa và đặc biệt có cả những dự án startup phần mềm ứng dụng, AI…

Các dự án tham gia vòng chung kết sẽ có thời gian trình bày ý tưởng, dự án của mình trong vòng 7 phút và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo.

Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến rượu 9 Chum xuất khẩu và sản xuất sản phẩm từ bã rượu (tác giả Trần Văn Xuân, ở Tuyên Quang) trình bày tại vòng Chung kết.

Kết quả giải Nhất đã được trao cho dự án Nhà máy sản xuất, chế biến rượu 9 Chum xuất khẩu và sản xuất sản phẩm từ bã rượu (tác giả Trần Văn Xuân, ở Tuyên Quang) nhận được tiền mặt trị giá 20 triệu đồng và 01 Khóa tập huấn “Scale-up Simulation”, trị giá 10.000 USD, được thiết kế bởi các nhà sáng lập từ Silicon Valley (Hoa Kỳ) do Quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures tài trợ; giải Nhì là dự án Đậu phộng tỏi ớt Huenuts - Phong vị cố đô, khai vị quốc dân (tác giả Lê Minh Hiếu, ở Thừa Thiên Huế) nhận được tiền mặt trị giá 15 triệu đồng; giải Ba thuộc về dự án Sản xuất các sản phẩm từ cá bống sông Trà (tác giả Thượng Thị Bình Uyên, ở Quảng Ngãi) nhận được tiền mặt trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, các dự án đạt giải sẽ nhận được 01 gói Hỗ trợ truyền thông trị giá 50 triệu đồng.

Hành trình và Chung kết cuộc thi cũng nhận được sự quan tâm, tham gia và hỗ trợ của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm như ThinkZone, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, với nhiều phần quà giá trị cho 10 dự án như: Gói tư vấn hoàn thiện về ý tưởng, tối ưu quy trình vận hành, sản xuất dịch vụ, phương án marketing, đào tạo miễn phí về AI, Bigdata, hỗ trợ miễn phí CRM bán hàng, tặng tài khoản hồ dữ liệu SMCC, kết nối quỹ đầu tư... trị giá 100 triệu đồng; gói truyền thông trị giá 50 triệu đồng mỗi công ty (Banner quảng cáo về sản phẩm dịch vụ trong 3 tháng, kèm đăng 10 bài viết tuyên truyền trên Mạng Xã hội Khởi nghiệp khoinghiep.net.vn) dành cho 03 dự án đạt giải Nhất – Nhì – Ba; Ngoài tiền mặt dành cho 03 dự án, Quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone tài trợ cho dự án đạt giải Nhất tham dự Khóa tập huấn “Scale-up Simulation”, trị giá 10.000$, được thiết kế bởi các nhà sáng lập từ Silicon Valley (Hoa Kỳ).

Tại chương trình, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp – đơn vị đồng hành cùng chương trình cũng dành tặng một phần quà, đó là Gói tư vấn doanh nghiệp trị giá 100 triệu đồng dành cho 10 dự án lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi.

CTG