Cuộc thi đề ra thử thách phát triển bộ giải pháp gồm sản phẩm hoặc dịch vụ có ứng dụng công nghệ hoặc sáng kiến truyền thông nhằm hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến tại thành phố Hà Nội. Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên đến 70 triệu đồng cùng chương trình ươm tạo 3 tháng.
Cuộc thi chính thức được phát động và mở đơn đăng ký từ ngày 15/7. Mục tiêu là nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự sáng tạo của thanh niên (từ 18 - 30 tuổi) về chuyển đổi số quốc gia, nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ ở 16 tỉnh, thành: TP Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hạ Long, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Đồng Nai. Ngoài ra cuộc thi còn lan tỏa đến các bạn đang học tập và làm việc tại các nước: Mỹ, Ý và Nhật Bản.
![]() |
Theo quy định cuộc thi, các thí sinh cần dự thi theo đội, từ 2 đến 5 người. Nội dung bài dự thi sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Tính đổi mới, tính khả thi, tính tác động, nội dung ý tưởng, và thiết kế. Trên tinh thần Hackathon, các thí sinh tham gia không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghệ mà thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ 11 trường đại học. Bên cạnh đó, cuộc thi lần này cũng chứng kiến sự đóng góp và xây dựng sôi nổi của nữ giới trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ với (65,4% Nữ và 34,6% Nam).
Sau 1 tháng mở cổng đăng ký, đã có 444 đơn đăng ký gửi về Ban tổ chức (BTC), cùng 80 bài dự thi thuộc 5 chủ đề: Dịch vụ hành chính công, Y tế, Giáo dục, Tài nguyên và môi trường và Hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ban tổ chức, đến ngày 17/8, cuộc thi công bố Top 12 từ 80 bài bài dự thi gửi về cho BTC. Mười hai đội thi với nội dung ý tưởng có nhiều triển vọng để phát triển được lựa chọn tham gia vào Bootcamp đào tạo 3 ngày cùng những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực thuộc chủ đề của cuộc thi.
Tại Vòng đấu có sự góp mặt của 12 đội thi, đã vượt qua 444 đối thủ từ mọi miền Tổ quốc cũng như các du học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ, Italia và Nhật Bản.
Đây là những gương mặt tiêu biểu của cuộc thi, với những giải pháp cụ thể và sáng kiến truyền thông ứng dụng công nghệ cao nhằm hỗ trợ tăng cường chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp...
Sau nhiều giờ tranh tài, đội thi Hachi đã xuất sắc về nhất với “Ứng dụng giúp phát hiện nhu cầu của người dân và đề xuất dịch vụ công phù hợp”.
Vị trí thứ hai và ba của Cuộc thi lần lượt thuộc về các đội thi Got The Runs với “Giải pháp thúc đẩy tiếp cận hành chính công trực tuyến dành cho người khiếm thị” và HealTech với “Nền tảng quản lý bác sĩ và bệnh nhân giải quyết tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân và sắp xếp lịch làm việc hiệu quả cho bác sĩ”.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã trao giải “Truyền cảm hứng” tặng đội thi iGov với “Giải pháp kỹ thuật số cho phép tiếp nhận và xử lý các thắc mắc của người dân khi sử dụng các dịch vụ hành chính công”.
HĐ