Hướng dẫn các chiến sĩ cải tạo đất - Nữ Vương
Với thế mạnh chuyên môn, những trí thức trẻ thuộc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) đã đến xã đảo Thạnh An, Cần Giờ để chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bộ đội biên phòng nuôi trồng và canh tác, bất chấp trở ngại về khí hậu và thổ nhưỡng.
Trồng rau trên… đất nhiễm mặn
Đặt chân đến Đồn biên phòng xã đảo Thạnh An, nhìn thấy chiến sĩ Trần Quốc Việt đang lúi húi cắt rau muống, nhìn xung quanh cũng không có rau gì khác ngoại trừ luống rau muống mà anh Việt đang cắt, người viết hỏi: “Ở đây mình chỉ trồng được rau muống thôi sao?”, anh Việt cho hay: “Mùa này thì chỉ trồng được rau muống thôi. Mùa nắng còn trồng được thêm rau cải. Do đất ở đây bị nhiễm mặn mà mưa xuống còn ngập úng hết, đâu có trồng được rau gì khác”.
Sau khảo sát, anh Phạm Văn Lộc, Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng trong điều kiện này, nếu muốn trồng cây được dưới đất thì việc đầu tiên phải ngăn nước mặn xâm nhập từ dưới lên. Vì thế phải làm lớp cách ly.
“Để tiết kiệm, có thể giải quyết bằng cách dùng bạt chuyên dụng thường dùng làm hồ nhân tạo, hay sử dụng trong việc nuôi thủy sản để lót. Nhưng trồng cây cần phải chú ý đến việc thoát nước, để không gây tình trạng ngập úng”, anh Lộc cặn kẽ với các chiến sĩ.
Anh Lộc cũng cho biết thay vì vận chuyển đất ra đảo tốn kém, nên phải dùng kỹ thuật để cải tạo lại đất tại chỗ (vì đất ở đây bị ngập mặn, không có chất dinh dưỡng).
“Khi đã cách ly và tưới thường xuyên trong quá trình canh tác, độ mặn giảm dần, đất sẽ không bị nhiễm mặn ngược trở lại. Khi canh tác, cần cẩn trọng để không làm thủng bạt, muốn như thế thì lớp nền phải đổ cao ít nhất 30 cm. Từ đó, chất lượng đất sẽ tốt dần lên và đảm bảo trồng cây được quanh năm”, anh Lộc chỉ dẫn.
Một chiến sĩ thắc mắc: “Vậy sau khi cải tạo và áp dụng kỹ thuật để chống xâm nhập mặn thì mình trồng được những loại rau gì?”, anh Lộc cười tươi và nói: “Rau gì cũng trồng được, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, kể cả bầu bí cũng có thể trồng được”.
Cải tạo chuồng nuôi vịt thành trại nấm
Với thế mạnh chuyên môn về trồng nấm, anh Nguyễn Hữu Trí, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật để các chiến sĩ trồng nấm ngay trên điều kiện khí hậu nắng gió ngoài đảo.
“Vấn đề quan trọng nhất khi trồng nấm cần lưu ý là nước tưới không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, sẽ làm phôi nấm bị khô, hay nhiệt độ cao cây nấm cũng không phát triển được”, anh Trí nói.
Nhìn vào điều kiện thực tại, anh Trí hướng dẫn dùng tấm cách nhiệt và tưới tạo ẩm để nhiệt độ luôn dao động từ 26 - 28 độ là nấm có thể phát triển. Gió biển thì phải chặn hướng gió chính, nhưng chỉ chặn hướng gió chính chứ không nên bịt kín vì ngoài yêu cầu không bị gió lùa thẳng thì khi trồng nấm, trại phải có ánh sáng và thoáng khí…
“Trong nấm có quá trình ươm tơ thì tránh ánh sáng nhiều, và có bước kích thích nấm mọc. Bước cảm ứng này rất quan trọng để nấm ra đồng loạt và theo sự kiểm soát của mình. Chế độ tưới giữ ẩm cũng là một trong những điều cần lưu ý, vì nếu ẩm quá có thể gây thối những cây nấm non, hay nếu khô quá phôi cũng không phát triển…”, anh Trí dặn dò.
Anh Trí cũng giúp các chiến sĩ cải tạo chuồng nuôi vịt thành trại nấm. “Nguyên tắc của trồng nấm là phải cách xa khu chăn nuôi, vì vật nuôi thường có những mầm bệnh tiềm năng. Không những thế, nguồn phân thải gây thu hút các loài côn trùng và tấn công vào nấm… Nhưng điều kiện ở đây không cho phép nên cần phải cải tạo, khử trùng cả trại bằng cách dùng nước vôi và các chất khử khuẩn để đảm bảo nấm trồng lên không bị nhiễm bệnh”, anh Trí cho biết.
Nuôi trùn quế trên đảo Bên cạnh việc cải tạo đất để trồng rau, Lê Trần Tuấn Anh, chuyên về nuôi trùn quế, cũng chỉ dẫn kỹ thuật nuôi cho chiến sĩ của đồn biên phòng (ảnh). Theo Tuấn Anh, với việc nuôi trùn quế ở đảo, vừa có thể tận dụng và tái sử dụng được rác thải hữu cơ để làm thức ăn nuôi trùn, vừa có được nguồn phân bón hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao cho cây trồng. Trùn thu được còn giúp các chiến sĩ làm mồi để nuôi vịt rất hiệu quả. “Nuôi trùn, cần canh độ ẩm và tránh mưa, tránh nắng. Ngoài này có thể tận dụng rác thải hữu cơ sinh hoạt, ủ lại 3 - 4 ngày làm thức ăn cho trùn. Nhưng cũng lưu ý, thức ăn từ rác hữu cơ không nên bỏ nhiều quá, vì trùn ăn không hết sẽ gây mùi thối”, Tuấn Anh chia sẻ. |
Theo TN