Năm ấy, vì nấu bếp ăn hít phải bụi than nhiều khiến chị bị ho nặng nên được chuyển ra làm ở tổ bảo vệ cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi đến cơ quan, qua cổng bảo vệ chỉ mỉm cười gật đầu và nhận từ chị lời chào thân tình mở đầu một ngày bình an rồi đi, rồi lao vào công việc. Chẳng mấy ai để ý đến chị nữa và cũng không thấy chị có gì đặc biệt.
Bỗng một ngày, nhiều người chúng tôi ở nhà hướng lên màn hình ti vi xem các hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30-4 thì... Ôi trời ơi! Tôi không thể tin ở mắt mình: Chị Dương Thị Nấp, đúng là chị-người bảo vệ cơ quan chúng tôi lại là nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Chị đang vui cười với những đồng đội của mình. Ti vi đang giới thiệu về Trung đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa kiên cường, quả cảm vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét đường rừng dưới làn bom đạn để chở lương thực và súng đạn ra chiến trường. Rõ ràng trước mắt chúng tôi, một chị Nấp trong bộ quân phục sao mũ sáng ngời đang tươi cười, hồ hởi, khỏe khoắn bên “tổ lái” toàn nữ của mình. Không còn vẻ gì của một người thầm lặng canh gác cơ quan, không có vẻ gì của một phụ nữ quá lứa nhỡ thì trông buồn buồn, khắc khổ đầy vẻ chịu đựng. Lúc ấy, trong tôi trào dâng một tình cảm bừng thức lạ thường: Kính phục, nể trọng, tin yêu...
Chị Dương Thị Nấp sinh năm 1944, tại thôn Động Xá, xã Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1965, chị Nấp làm đơn tình nguyện đi Thanh niên xung phong. Sau 3 năm gian khổ ở Công trường 130 tham gia xây dựng sân bay Yên Bái, năm 1968, chị được chuyển sang Quân đội, biên chế vào Đại đội 4, Binh trạm 12, Bộ tư lệnh 559 và vinh dự được chọn đi đào tạo lái xe cấp tốc tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Khóa huấn luyện vỏn vẹn 45 ngày. Không thi cử, không làm lễ cấp bằng tốt nghiệp long trọng, cứ học xong là lên đường đi nhận nhiệm vụ.
Tháng 12-1968, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn ra đời (sau này phát triển thành đại đội), đều là những cô gái trẻ trung chưa chồng. Chị Nấp là một trong số nữ lái xe được về Đại đội 2, Binh trạm 12 nhận xe chở hàng ngay tức khắc. Vừa hồi hộp vừa lo sợ, vinh dự, thắc thỏm lại có cả vui mừng, e ngại... là tâm trạng chung của các chị lúc ấy. Hầu hết đều xuất thân từ những làng quê nghèo, nhà nghèo, chưa bao giờ được ngồi ô tô chứ nói gì đến lái ô tô, vậy mà giờ đây các chị lại điều khiển hẳn chiếc xe to, vượt qua mưa bom bão đạn hằng ngày. Bỗng thấy vừa tự hào, vừa lo sợ làm sao!
Chiến sĩ lái xe Dương Thị Nấp thời ở Trường Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm vượt mọi gian khổ để góp sức mình làm nên thắng lợi, Dương Thị Nấp-người con gái nhỏ nhắn có phần yếu đuối đó đã lái chiếc xe GAZ-63 số hiệu 6153 chở chuyến gạo đầu tiên vào chiến trường. Lần đầu lái xe trên thực địa, lại đi đêm bằng đèn gầm, đường núi ngoằn ngoèo, trèo đèo vượt dốc; vừa phải lái xe bảo đảm an toàn, vừa sẵn sàng tránh máy bay địch oanh tạc, chị Nấp lo lắng và căng thẳng vô cùng. Nhưng rồi chuyến đi ấy đã về đích trọn vẹn.
“Đầu xuôi đuôi lọt”, từ đấy chị có đủ tự tin, vững vàng ôm vô lăng với hàng chục chuyến xe tiếp theo chở lương thực, thực phẩm và vũ khí, đạn dược vào chiến trường cho các đơn vị. Mỗi chuyến xe an toàn trở về là mỗi lần chị vui như vừa lập chiến công. Đúng như câu thơ tôi viết về chiến sĩ lái xe Trường Sơn: Tuổi xuân đương sức đương thì/ Nghe tiền tuyến gọi là đi chiến trường/ Chưa người yêu để yêu thương/ Đã thành lính xế mở đường Trường Sơn/ Bom rơi, pháo dập ngàn cơn/ Người-xe nguyên vẹn là ơn số trời...
Chị Nấp là trường hợp được “ơn số trời” như vậy. Có lần chị bị sốt rét nặng, đắp hai chăn bông mà vẫn rét run cầm cập. Cứ nghĩ mình sẽ chết là nước mắt chị lại tuôn hai hàng, cảm giác không trụ nổi rõ mồn một. Lúc đó, lời bố dặn lại vang lên trong đầu chị, thế là nghiến răng vượt lên gian khổ. Khi khỏi sốt rét, chị lại bị điếc đặc hai tai do uống nhiều thuốc ký ninh. Chị kể, một năm gần Tết, chị được giao nhiệm vụ lái xe ra Nghệ An để nhận thực phẩm đưa vào chiến trường phục vụ bộ đội ăn Tết. Đường đi thì nhỏ, lại chạy ban đêm bằng đèn gầm nên xe đi rất chậm. Bỗng có lệnh báo động, tiếng máy bay địch ù ù phía sau. Các xe của đơn vị khác bấm còi inh ỏi xin đường để chạy thật nhanh mà chị không nghe thấy. Có một “lính xế” nam tức quá nhảy xuống khỏi ca bin, vừa quát tháo, vừa cầm cái tay quay chạy thẳng đến buồng lái của chị định đánh cho bõ tức. Nhưng vừa nhìn thấy “xế nữ”, chàng ta khựng lại và cười xòa: “Tưởng thằng nào, hóa ra là thím. Thôi cho qua”.
Một lần khác, chị Nấp cũng lái xe đi chở hàng một mình. Xe vừa tới phà Bến Thủy, lẽ ra phải cài số 2, chị lại vào số 3, thế là xe bị mất lực tải, sặc xăng, chết máy giữa đường. May sao, các lái xe nam ở các xe trên đường đã xúm vào giúp chị. Cả tiếng đồng hồ sau, xe của chị Nấp mới được sửa xong và tiếp tục hành trình.
Chị Nấp có dáng vóc nhỏ, gầy yếu, xe của chị thì nhiều lần ấn nút đề nổ mà nó chỉ xoẹt xoẹt rồi ì ra, khiến chị rất sợ. Vì mỗi lần như vậy là chị phải gồng mình lấy sức để quay cái tay quay ma-ni-ven. Có lúc quay đến đứt hơi, quặn ruột mà máy vẫn không chịu nổ. Rồi mỗi lần xe trục trặc, chị phải dùng miệng hút xăng. Rồi chị cũng biết nhảy “phốc” một bước là lên ca-bin, “choách” một cái là chân đã chạm đất, cũng chui gầm sửa máy, tháo lốp vá săm... hệt cánh mày râu. Lái xe ở chiến trường đối với nam giới đã vất vả, nhưng với nữ giới thì sự vất vả ấy dường như tăng lên gấp đôi. Thế nhưng các chị đã làm và đã vượt qua...
Ở chiến trường và tuyến đường Trường Sơn, không có thứ gì làm riêng cho nữ giới. Kể cả những câu mắng chửi, chị em cũng “được hưởng” như đàn ông. Ấy là những lần chở thương binh trên xe. Chị em đã cố gắng lái thật êm, thật nhẹ nhàng nhưng vì đường rừng gập ghềnh, lại nhiều hố bom nên xe bị xóc liên tục, khiến thương binh nằm trên xe đau đớn không chịu nổi, mắng tài xế. Tất nhiên chị Nấp và các nữ tài xế khác thương anh em nên nín nhịn mà đi, cố gắng lái cho êm, cho giảm xóc.
Cựu chiến binh Dương Thị Nấp (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội trong một lần gặp mặt. Ảnh: TRƯỜNG SƠN |
Ngoài những nỗi khổ trên đường lái xe như nam giới, chị em còn có nỗi khổ riêng. Nhiều lắm những kỷ niệm gian nan của cuộc đời nữ lái xe Trường Sơn Dương Thị Nấp. Trong những kỷ niệm ấy có nhiều lần chết hụt tưởng không về được quê hương. Ấy là lần có quả bom rơi xuống chẹn ngay cửa hang mà chị và các đồng đội vừa chạy vào trú ẩn. May sao có các chiến sĩ công binh kịp thời đến cứu. Rồi có những lần xe vừa đi qua thì bom giội xuống. Chỉ chậm vài tích tắc là có thể đã tan cả người lẫn xe.
Quả là “người-xe nguyên vẹn là ơn số trời” nên bao năm lái xe, chở hàng vạn tấn hàng vào ra dọc đường Trường Sơn qua các trọng điểm, túi bom, chị Nấp và cả Trung đội nữ lái xe vẫn trở về nguyên vẹn sau ngày đất nước thống nhất. Nhưng nguyên vẹn chỉ thể xác thì đâu đã hoàn toàn nguyên vẹn! Các chị em trở về khi phần lớn đã quá lứa nhỡ thì, không lấy được chồng hoặc có lấy cũng làm lẽ, hoặc làm mẹ đơn thân.
Chị Nấp cũng không ngoại lệ. Chị xin anh trai một cháu trai về làm con nuôi mong nhờ cậy tuổi già. Chị Dương Thị Nấp về cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lao công, cấp dưỡng rồi bảo vệ. Lương chị những ngày ấy chỉ 32 đồng, cuộc sống đơn thân và sức khỏe yếu, lại thêm đứa con nuôi nên chị phải rất cố gắng để vượt qua mọi chật vật cuộc sống. May sao chị cũng được cơ quan Hội phân cho căn phòng 15m2để hai mẹ con sinh sống. Rồi khi đã 45 tuổi, chị được giới thiệu và lấy anh Lê Văn Tiết. Vợ anh Tiết đã mất, để lại 5 đứa con và một mẹ già. Nhưng bấy giờ chỉ có người con út và mẹ già ở với anh. Về với anh, chị thêm vai trò làm vợ và làm mẹ, chung vai cùng chồng gánh vác trách nhiệm nuôi hai đứa con và bà mẹ già yếu. Thế nhưng những năm ấy, chị vẫn luôn đạt danh hiệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà...
Bây giờ con chị cũng đã trưởng thành. Chị không còn phải bươn chải. Mà muốn bươn chải cũng không được, vì tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều. Thời trẻ gian nan quá sức, do hút xăng bằng miệng, do hơi độc của khói xăng, bom đạn... đã ngấm vào người, giờ trỗi dậy hoành hành khiến chị bị huyết áp cao, bệnh về tim mạch, phải đặt máy trợ tim, từng bị thủng dạ dày phải đi cấp cứu. Và đôi chân của một thời nhảy thoăn thoắt lên những chiếc xe tải vượt Trường Sơn... giờ không còn vững nữa. Chị bị ngã và hiện đang phải chống gậy dò dẫm đi.
Nhà chị vẫn là căn phòng 15m2 trong ngõ 30, phố Hàn Thuyên (Hà Nội). Trên tường nhà treo đầy những bức ảnh Trung đội nữ lái xe và tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba lấp lánh trong khung kính. Căn phòng giờ có đến 6 người sinh sống nên khá chật chội. Nhưng chị Nấp vẫn vui lắm mỗi khi gặp lại đồng đội hoặc có ai nhắc đến những năm tháng Trường Sơn đời chị... Ôi những chiến sĩ lái xe năm xưa, các chị là hoa của Trường Sơn một thời. Thật giản dị mà là nguồn cảm xúc cho thơ và cho thế hệ đi sau ngỡ ngàng cảm phục: Đất nước mình nhiều điều giản dị/ Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi (thơ Phạm Tiến Duật).
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai Theo sknc.qdnd
|