Đã không bao giờ anh quay trở lại để lấy chiếc khăn của mình
Trong hành trình ra thăm quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã được đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (thuộc xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Nơi đây đã để lại nhiều xúc động cho du khách, không chỉ bởi không gian tươi đẹp, xanh mát hướng ra biển cả mênh mông mà còn bởi lưu giữ kỷ vật của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ngày 14.3.1988, tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa. Tất cả những gì hiện hữu ở đây đã gợi lại khúc bi tráng về 64 liệt sĩ Gạc Ma đã vĩnh viễn nằm dưới lòng biển khơi, để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Công trình trung tâm của Khu tưởng niệm là Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma sừng sững, hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẳm. Tượng đài có tên "Những người nằm lại phía chân trời" khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu chủ quyền trên đảo Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc giữa mênh mông biển trời Trường Sa và hóa thành Vòng tròn bất tử.
Trong số những kỷ vật của các liệt sĩ được lưu giữ ở đây, câu chuyện về chiếc khăn (kỷ vật số 13) khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Chiếc khăn là do mẹ của liệt sĩ Vũ Văn Thắng (quê Thái Bình) tặng lại bảo tàng bởi chủ nhân của nó đã mãi mãi không về. Chiếc khăn này, anh cũng chưa từng quàng. Trước khi lên đường ra Trường Sa thì miền Bắc còn đang lạnh. Mẹ liệt sĩ đan khăn và dặn con cầm ra đảo quàng cho đỡ lạnh. Bà không biết rằng ở đảo quanh năm chỉ có nắng, gió, bão, mà không có mùa đông. Vì thế người con đã nói: "Mẹ ơi, mẹ để ở nhà, quàng trước đi, để mồ hôi của mẹ thấm vào chiếc khăn. Khi con về lấy đưa ra đảo, con nhớ mẹ, con quàng cho đỡ nhớ". Thế nhưng, đã không bao giờ anh quay trở lại để lấy chiếc khăn của mình.
Ở vị trí số 6 là chiếc áo của liệt sĩ Phạm Huy Sơn (quê Nghệ An), cũng được vợ anh tặng lại cho bảo tàng. Đây là chiếc áo y sĩ, trước khi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, anh đã để áo ở nhà cho vợ và dặn: "Khi nào con nhớ cha, thì đem áo ra đắp cho con đỡ nhớ". Anh còn hứa với vợ là sẽ về đưa con đi khám bệnh vì cháu bị bệnh não, nhưng anh không thực hiện được lời hứa của mình…
Xin thắp một nén hương cho người nằm dưới biển
Cũng tại khu tưởng niệm, chúng tôi đã được nghe kể những câu chuyện xúc động về tấm di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị (quê Quảng Bình). Trước đây, trên tấm bảng ghi danh các liệt sĩ không có ảnh của anh, vì gia đình chỉ có một bức ảnh duy nhất anh chụp chung với bạn, nhưng cũng đã bị một cơn bão cuốn trôi.
Năm 2019, trong một lần đến đây, PGS-TS Ngô Văn Minh (Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực III) rất day dứt khi nhìn thấy một ô trống thiếu di ảnh. Ông hứa: "Tôi sẽ đi tìm di ảnh cho anh". Trong những chuyến giảng dạy tại Quảng Bình, quê hương của liệt sĩ Trần Quốc Trị, ông luôn chia sẻ thông tin với nhiều học viên các khóa về tâm tư đi tìm di ảnh cho anh. Sau nhiều tháng tìm kiếm, ông may mắn tìm được di ảnh của anh ở nơi lưu giữ hồ sơ làm chứng minh thư. Vậy là anh đã được về "đoàn tụ" với gia đình và 63 đồng đội tại khu tưởng niệm.
Đến thăm khu mộ gió, khu vực tâm linh nhất của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chúng tôi lặng đi vì xúc động. Mộ không có hài cốt, chỉ nhờ gió đưa hương hồn các anh hội tụ về đây. Trước mộ đặt bia tưởng niệm, ghi danh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. "Cha ơi con đã đến đây rồi", giọng thiếu tá Lê Thị Minh Thủy (con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ ở Thanh Hóa, hy sinh tại đảo Gạc Ma) khóc nghẹn, khi chạm tay lên tấm bia ghi tên cha mình. Đây cũng là lần đầu tiên sau 35 năm cha hy sinh, chị mới được đến thắp hương cho cha mình tại khu mộ gió. Bàn tay chị níu mãi vào dòng tên cha mà không muốn rời đi, khiến ai cũng rưng rưng xúc động. Chị cũng mồ côi cả mẹ cùng năm cha hy sinh vì mẹ chị đã không chịu nổi cú sốc đau đớn đó.
Chứng kiến hình ảnh này, nhà thơ Đinh Văn Hồng đã có bài thơ động viên chị Thủy: Thủy ơi em ơi. Hãy nén lại đau thương. Con đường còn dài lắm. Bên em. Còn đồng đội. Bên em. Còn nhân dân. Lau nước mắt đi em. Cha không lạnh đâu em. Cả trăm triệu đồng bào. Nước mắt ấm Biển Đông. Cho tháng năm Cha vắng. Kìa lá cờ chiến thắng. Giữa vòng tròn bất tử. Em ơi, đồng chí ơi. Giữa biển khơi mênh mông. Bia tưởng niệm hùng dũng. Gọi tên các Anh hùng. Cùng chúng ta giữ đảo. Xích lại gần anh bảo. Rồi sẽ có một ngày. Mình tát cạn Biển Đông. Đón Cha và đồng đội. Về thăm lại quê hương. Cha mãi là tấm gương. Của biết bao thế hệ. Dưới lá cờ tuyên thệ. Gìn giữ Tổ quốc mình.
Nhà thơ cũng đã gửi cho tôi nhiều bài thơ về Trường Sa, Hoàng Sa với sự tri ân sâu sắc những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong bài Một lần ra biển ông viết: Lấy máu mình giữ biển mãi màu xanh. Giữ lấy chủ quyền ông cha tạo dựng. Nơi biển cả bao linh hồn chứa đựng. Câu chuyện thần tiên khi biển yên bình. Phía đất liền những ngọn nến lung linh. Thả ra biển gọi hồn thiêng đất nước.