Những công việc thỏa mãn đam mê vẫn kiếm được khá tiền dịp tết

CTG - Khi đường mai và phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM mở cửa cũng là thời điểm rất nhiều sản phẩm nghệ thuật của người trẻ "xuống phố" kiếm tiền dịp tết.

Có thể nói đây là những công việc giúp các bạn trẻ vừa thỏa mãn đam mê nhưng vẫn mang về nguồn thu nhập khấm khá mỗi dịp tết đến xuân về.

Vừa vui vừa có tiền tiêu tết

Đang ngồi cặm cụi làm những bức tranh theo loại hình henna artist tại một gian hàng ở đường mai (Q.1, TP.HCM), Lê Ngọc Trân (26 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) kể đây đã là năm thứ 6 cô vẽ henna tại đây. Cứ mỗi khi đường mai mở cửa cũng là thời điểm Trân thuê gian hàng ở đây và làm không ngớt tay vì lượng khách đến vẽ henna rất đông.

Những công việc thỏa mãn đam mê vẫn kiếm được khá tiền dịp tết- Ảnh 1.
 

Mỗi dịp tết đến, Trân lại ra đường mai để vẽ henna. Công việc này mang lại cho Trân nguồn thu nhập khá ổn

ẢNH: HOA NỮ

Năm nay ngoài vẽ henna lên tay cho khách hàng, Trân còn giới thiệu một loại hình tranh henna artist. Theo Trân, loại hình này rất nổi ở Ấn Độ và các nước châu Âu nhưng tại VN chưa nhiều người biết đến. Chính vì thế, tranh thủ những ngày đầu lượng khách còn chưa quá đông, Trân thực hiện thêm các tác phẩm henna artist để treo tại gian hàng nhằm quảng bá nhiều hơn đến khách hàng.

Trân bán các tác phẩm henna artist với giá từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, tùy kích thước nhỏ hay lớn. Còn vẽ henna lên tay có giá từ 20.000 đồng đến 1 triệu đồng. Những hình nhỏ và đơn giản có giá 20.000 đồng, còn vẽ cả cánh tay thì giá khoảng 1 triệu đồng.

Vì làm chuyên nghiệp và lâu năm nên một cánh tay Trân vẽ trong vòng nửa tiếng, còn những hình nhỏ chỉ mất… vài giây.

Với tốc độ như vậy, nhưng Trân cho biết những ngày gần tết vì lượng người quá đông, một mình không làm kịp nên cô nàng phải thuê thêm người phụ. Có những hôm khách xếp hàng dài chờ Trân vẽ henna lên tay.

Nói về lý do chọn không gian ở đường mai để "hành nghề" mỗi dịp tết, Trân cho biết cứ ra đây là thấy có không khí tết, vừa vui mà làm cũng rất được, thu nhập khá ổn, tầm vài chục triệu đồng trong khoảng thời gian hơn 2 tuần.

Một trong những công việc có thể vừa thỏa mãn đam mê mà cũng mang lại nguồn thu nhập ổn vào dịp cận tết chính là làm ông, bà đồ.

Sinh viên thường được nghỉ tết sớm nên những năm gần đây, Nguyễn Thị Anh Khoa, Trường ĐH Sài Gòn, lại ra phố ông đồ để thỏa mãn đam mê… cho chữ. Khoa là một trong những bà đồ rất trẻ tại phố ông đồ năm nay. Khoa kể những năm trước cứ lúc rảnh lại ra phố ông đồ chơi, các anh chị thấy có năng khiếu nên hỗ trợ và đào tạo từ từ. Thế rồi từ ngồi phụ để hỗ trợ các ông, bà đồ, năm nay Khoa được ngồi chính để cho chữ.

"Vì còn quá trẻ nên mọi người không gọi mình là bà đồ, mà là cô đồ trẻ. Nghe mọi người gọi như vậy, mình rất vui", Khoa chia sẻ.

Những công việc thỏa mãn đam mê vẫn kiếm được khá tiền dịp tết- Ảnh 2.

Cô đồ trẻ Nguyễn Thị Anh Khoa

ẢNH: HOA NỮ

Theo Khoa, để thu hút được khách, đòi hỏi phải thay đổi phong cách sao cho hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dùng. Mỗi năm khách hàng sẽ đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới nhiều hơn.

"Những ông đồ lâu năm thì nét chữ sẽ chững chạc và gò bó theo khuôn khổ hơn. Còn những người trẻ sẽ mang khuynh hướng nghệ thuật và sự phá cách nhiều hơn. Có những câu thơ mình sáng tác dựa trên cái tên của khách hàng, cho nên những người giỏi văn chương sẽ hợp hơn với loại hình này", Khoa nói.

Với Khoa, mỗi năm tầm 2 tuần ngồi ở phố ông đồ là đủ để cô thỏa đam mê. "Sự nhộn nhịp của những ngày này và không khí đông vui ở đây làm cho mình phấn khởi, nôn nao đến tết. Thường tụi mình đã quen cảm giác làm ở phố rồi, nên cứ đến tết mà không làm ở đây là sẽ thấy như thiếu vắng điều gì đó. Làm ở đây vừa thỏa mãn đam mê vừa có thêm thu nhập", Khoa bày tỏ.

Nón lá nghệ thuật của người trẻ xuống phố

Với những chiếc nón lá được vẽ rất nghệ thuật và độc đáo, gian hàng của chị Nguyễn Thị Trinh (35 tuổi) thu hút rất nhiều người trẻ và du khách ghé đến chụp hình, thưởng lãm tại đường mai năm nay.

Những công việc thỏa mãn đam mê vẫn kiếm được khá tiền dịp tết- Ảnh 3.

Gian hàng nón lá nghệ thuật của chị Trinh thu hút nhiều khách đến chụp hình

ẢNH: HOA NỮ

Ở đó có chiếc nón "khổng lồ" với đường kính 1,5 m; những chiếc nón lá sen, nón cối với những họa tiết được vẽ kỳ công và tinh xảo; và cũng có cả những nón lá bắt trend hình ảnh TikToker Lê Tuấn Khang… Chính những sự mới lạ và độc đáo này đã thu hút rất đông bạn trẻ.

Kể về sự ra đời của những chiếc nón được vẽ nghệ thuật này, chị Trinh cho biết xuất phát từ việc kinh doanh phòng tranh và chủ yếu vẽ tranh sơn dầu, nhưng lúc đại dịch thì ế khách, không bán được. Vợ chồng chị Trinh và một người bạn là họa sĩ suy nghĩ tìm hướng đi mới. Vô tình một người khách quen đặt đơn hàng mấy chục nón lá, lúc đầu xưởng chị Trinh chỉ in hình rồi dán lên trên nón. Sau đó, nhận thấy được nhiều người yêu thích nên chị bắt đầu phát triển vẽ tranh trên nón lá.

Chị Trinh kể có những sự kiện về sinh nhật, ngày thành lập của các doanh nghiệp, công ty, họ đặt mấy ngàn nón cùng lúc. Rồi những dịp cuối năm như thế này rất nhiều sự kiện nên nhân viên ở xưởng làm không nghỉ tay để kịp trả đơn hàng cho khách.

So với một chiếc nón thông thường, sản phẩm đã được vẽ lên thì sẽ gấp đôi về mặt giá cả. Với sản phẩm nón thuộc hàng cao cấp có giá từ 400.000 - 700.000 đồng; giỏ xách từ 400.000 - 500.000 đồng. Nón lớn nhất khoảng 1,5 m có giá 3,5 triệu đồng. Nhưng có những mẫu vẽ cầu kỳ hơn có thể lên đến 5 triệu đồng, tùy theo mẫu khách hàng đặt.

Để làm ra được một sản phẩm nón nghệ thuật như vậy, đòi hỏi đội ngũ thợ vẽ rất rành nghề. Theo chị Trinh, dù một họa sĩ vẽ tốt nhưng khi vẽ trên nón cũng chưa chắc đã đẹp. Vì đặc thù trên nón rất nhiều đường vân, đặc biệt là nón lá sen, nên không hề dễ dàng trong việc vẽ tranh.

"Thông thường bên mình sẽ đào tạo khoảng 6 tháng thì mới làm được những phân khúc cao cấp, nhưng cũng phải là thợ đã biết vẽ. Còn mẫu đơn giản, bình thường thì đào tạo khoảng 2 - 3 tháng là có thể thực hiện được", chị Trinh chia sẻ.

Không chỉ có những hình ảnh phong cảnh, chân dung mà bên chị Trinh còn bắt trend theo các sự kiện "hot" trên mạng xã hội. Ngoài ra, những sự kiện lớn như Anh trai say hi thì fan cũng đặt nón để tặng các anh trai…

Chị Trinh cho biết thời gian đầu rất nhiều khó khăn, gần một năm vừa phải đào tạo thợ, vừa nghiên cứu mẫu, tìm hướng đi và khách hàng cho phù hợp… Nhưng một năm trở lại đây, việc kinh doanh của chị đã ổn định hơn rất nhiều, trung bình doanh thu từ 200 triệu đồng/tháng. Đặc biệt những ngày cuối năm thì lượng khách đặt nón tăng lên rất nhiều.

Theo TN