Thầy giáo trẻ ứng dụng công nghệ để cùng học sinh vượt qua mùa dịch an toàn

(CTG) Đến với nghề giáo như một sự an bài của số phận, vượt qua nghịch cảnh, thầy Vũ Trường Hải (SN 1987, THPT Trần Hưng Đạo, Q. Gò Vấp, TP. HCM) đã nỗ lực tìm tòi, ứng dụng công nghệ giúp học sinh hoàn thành tốt chương trình giáo dục trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

“Nghề giáo” đến với thầy Vũ Trường Hải như một sự sắp đặt của số phận. Lúc học cấp 2, thầy mơ ước thành một bác sĩ, vì thế thầy đặt quyết tâm học thật giỏi môn Toán-Hóa-Sinh và vì thế hai môn Hóa-Sinh luôn là niềm tự hào của thầy. Niềm mơ ước ấy vẫn còn nguyên vẹn cho đến cuối năm cấp 3, hoàn cảnh gia đình đã làm thầy thay đổi suy nghĩ: “Nếu đậu ĐH Y dược, thì 7 năm học và ít nhất 3-5 năm nữa mới thật sự được gọi là “ông Bác sĩ”, chi phí chừng ấy năm ăn học, thực hành… quả là một bài toán khó cho mình”. Gia đình nghèo khó làm thầy Hải phải từ bỏ ước mơ của mình. Thầy Hải chuyển hướng sang ngành Sư phạm, và thầy chọn Sư phạm Hóa. Nhưng khoa Hóa lại chỉ tuyển khối A nên thầy đành chuyển sang khoa Giáo dục Thể chất. Từng là vận động viên điền kinh hàng đầu của quận Gò Vấp, lên cấp 3 thầy lại là vận động viên tuyển Thành phố môn Vật tự do, được hưởng lương hàng tháng nên việc thi đậu đối với thầy không quá sức. 

Trong những năm đại học, thầy làm thêm rất nhiều việc: từ bồi bàn quán ăn, quán cà phê, nhân viên siêu thị, nhân viên Lotteria…đến giữ xe ở công viên, cứu hộ tại Đầm Sen nước và các việc thời vụ như bảo vệ, cảnh vệ các chương trình lớn của Thành phố, rồi đóng vai quần chúng một số phim, lập nhóm diễn kịch kiếm thêm tiền từ các dịp Rằm tháng 7, Noel ở các Chùa, Nhà thờ… Những năm tháng đó thật sự rất quý báu với thầy, nó rèn luyện thầy thành một người nhanh nhẹn, biết chia sẻ, biết chịu đựng và tràn đầy lòng yêu thương con người – những đức tính không thể thiếu nếu bạn muốn thành nhà giáo.

Nói về nghề giáo hiện tại, thầy rất thích giảng dạy những học sinh “cá biệt” những lớp “có tiếng” mặc dù đa số giáo viên đều ngán. thầy không quan niệm có học sinh “hạnh kiểm yếu” – nghe có vẻ hơi nặng nề đối với các em. Theo thầy đó chỉ là các em chưa ngoan, các em đánh nhau- do chúng ta không kiểm soát, quản lý các em tốt trước khi xảy ra vụ việc, các em vô lễ - là do chúng ta chưa hiểu, chưa làm cho các em phục. Đối với các em đó chỉ có cách làm các em phục thì chắc chắn các em sẽ nghe lời, ngoan ngoãn và tiến bộ. Thầy Hải tâm sự: “Nói thật tôi cũng là một học sinh quậy có tiếng thời đi học, nhưng kiểu quậy của học sinh 8X khác xa bây giờ. Bây giờ các em được tiếp cận nhiều kênh, nhiều loại hình giải trí quá nên cũng khó quản lý được các em. Chỉ với sự quan tâm, sự bao dung và tình yêu thương con trẻ mới giúp chúng ta dìu dắt các thế hệ học sinh cập bến tri thức một cách đúng đắn, tiến bộ”.

Đến với nghề giáo như sự an bài của số phận nhưng thầy Vũ Trường Hải đã thực sự dùng cả trái tim để "cảm hóa" và truyền thụ đạo đức, kiến thức cho các thế hệ học trò

Nói về cái tâm với nghề, vật lộn mưu sinh đó là “câu chuyện nghề” của giáo viên trẻ. Sự đam mê đã giúp họ đến với nghề giáo, tuy vậy để “trả giá” cho sự đam mê ấy thì áp lực mưu sinh vẫn đang hàng ngày đè nặng lên đôi vai họ nhiều hơn so với những nghề nghiệp khác. Có thể thấy, trừ một số nhỏ giáo viên trẻ sinh ra trong gia đình khá giả, được cha mẹ chu cấp thì không phải bận tâm suy nghĩ nhiều tới đồng lương hàng tháng. Nhưng với những giáo viên trẻ tự thân vận động, và kể cả những giáo viên được đi tu nghiệp ở nước ngoài trở về nước giảng dạy thì vấn đề thu nhập bằng nghề luôn là bài toán khó buộc giáo viên trẻ phải “ưỡn” mình lên để sống. Với thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/tháng lương cơ bản cộng các khoản phụ khác cho giáo viên trẻ mới đi dạy thì chi tiêu cho cuộc sống khá khó khăn. Dẫu có thể tiết kiệm những chi tiêu về ăn uống, quần áo... song chi phí cho nhu cầu về tinh thần lại hàng trăm thứ. Từ tiền điện thoại, thăm hỏi ốm đau, cưới xin bạn bè, liên hoan... chẳng cái nào bớt được. Với đồng thu nhập từ lương, để đảm bảo cho cuộc sống độc thân đã khó khăn chưa nói tới việc khi giáo viên lập gia đình và có 1-2 đứa con. 

Thầy Hải (ngoài cùng bên trái) dẫn đoàn học sinh tham gia thi đấu Futsal trong Hội khỏe Phù Đổng năm học 2019 - 2020

Đồng lương không đủ chi tiêu, hầu hết giáo viên buộc phải chọn con đường làm thêm. Giáo viên đại học thì đi luyện thi đại học, luyện thi học sinh giỏi, giáo viên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thì dạy thêm tại các trung tâm, làm gia sư tại nhà, gia sư cho nhóm trẻ do phụ huynh tự tổ chức. Những giáo viên môn phụ như nhạc, họa... đầu quân vào các nhà văn hóa, trung tâm năng khiếu hoặc đến tận nhà kèm thêm ngoại ngữ, đàn, hát, nhảy múa. Với giáo viên các môn như Công dân, Nghề, Thể dục…thật sự khó khăn để làm thêm đúng chuyên ngành. Tương tự là giáo viên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… không thể kiếm thêm bằng nghề thì lao vào trồng rau nuôi lợn... lấy công làm lãi, ổn định cuộc sống. Đời sống cho giáo viên, trong nhiều năm qua đã được Nhà nước và Ngành giáo dục quan tâm hơn với nhiều chính sách đãi ngộ. Tuy vậy, thu nhập từ đồng lương vẫn chưa thể giúp giáo viên chỉ chuyên tâm vào việc cống hiến chất xám. Thậm chí, nhiều giáo viên phải bỏ nghề để mưu sinh bằng những công việc có thu nhập cao, ổn định hơn. “Thu nhập nghề giáo tốt hơn trong tương lai vẫn đang là mong ước của tất cả giáo viên đang hàng ngày tận tâm cống hiến cho nghề. “Chỉ mong sao đất nước ngày càng phát triển để nghề giáo thực sự tương xứng với câu “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”” - thầy Hải trăn trở.

Thế nhưng bất chấp khó khăn về vật chất, thầy Hải và các thầy cô giáo vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để giúp đỡ học trò phát triển hoàn thiện về thể chất để sẵn sàng chinh phục những thử thách ở tương lai. Với bộ môn Thể dục, học online trong giai đoạn cả Thành phố phải thực hiện giãn cách, phòng chống dịch bệnh Covid 19 thật sự gặp nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu ở một số bạn bè trong nhóm dạy kỹ năng sống của công ty giáo dục Sức trẻ mới, thầy thấy ứng dụng Padlet của Google mang nhiều hiệu quả, nhất là đối với môn Thể dục. Trong ứng dụng Padlet, học sinh có thể tương tác cùng giáo viên ngay lúc học, cũng như sau lúc học muốn nộp bài tập hay đặt câu hỏi đều được. “Điều mà tôi nhận thấy đó là, ứng dụng này cho phép đăng tải video dung lượng nhỏ rất tiện, mà môn chúng tôi cần nhất là các video quay lại các động tác hay các kỹ thuật, bài tập thể lực” - thầy Hải chia sẻ. 

Nhận thấy tính tiện lợi, thầy Hải nhanh chóng ứng dụng Padlet vào giảng dạy Giáo dục Thể chất cho học sinh trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách để phòng chống dịch

Trước khi phát hiện và tìm hiểu ứng dụng này, tổ chuyên môn đã họp bàn xem các em nộp clip như thế nào, nộp qua zalo thì tốn dung lượng, không kiểm soát, thống kê không nổi (các em nộp khác khung thời gian, khác lớp…), nộp qua email, youtube… đều bất khả thi, khó khăn. Sau khi thầy phát hiện và hướng dẫn tổ chuyên môn cách làm, cả tổ đã rất vui mừng và ủng hộ. Thật ra ứng dụng này không mới mẻ gì, nhưng rất nhiều thầy cô giáo ít tiếp xúc, chưa từng dạy online môn Thể dục nên nó như cơn mưa khi trời nắng hạn. Ở đó, các thầy cô như thầy đã tạo mỗi lớp một trang Padlet riêng, mỗi em có một khung riêng theo số thứ tự của mình, các em nộp clip bài tập lên đó hết sức tiện lợi và việc kiểm tra cũng dễ dàng. Các em học sinh cũng rất vui, yêu thích ứng dụng này, các em có thể tương tác, bình luận, tự đánh giá cho nhau (tặng sao, chấm điểm, like…). Có các chế độ kiểm duyệt trước khi mọi người thấy nên các thầy cô hoàn toàn kiểm soát được các sự cố không mong muốn. Thầy Hải cảm thấy rất vui khi giúp đỡ được nhiều bạn bè trong giai đoạn này, mong muốn lan tỏa sáng kiến này đến rộng rãi các bạn đồng nghiệp xa gần khắp nơi.

Nhờ tâm huyết và đóng góp tích cực cho công tác giáo dục, thầy Hải đã vinh dự nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở", Bằng khen của Thành đoàn, Bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, thầy Hải vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19.