Tốt nghiệp đại học, bán vé số rồi làm chủ cửa hàng hoa

(CTG) Đó là hành trình của Nguyễn Thị Dung (30 tuổi, ngụ P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM), người không may bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, nhưng đã không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Từng làm nhiều nghề để mưu sinh, giờ đây Nguyễn Thị Dung khởi nghiệp bằng cửa hàng hoa cho riêng mình  /// Phạm Hữu
Từng làm nhiều nghề để mưu sinh, giờ đây Nguyễn Thị Dung khởi nghiệp bằng cửa hàng hoa cho riêng mình
 
Bị gọi là đứa ngọng, lật đật
 
Ngay từ khi mới lọt lòng, Dung được bác sĩ chẩn đoán ngưng thở. Trong lúc cha Dung nán lại, nhìn mặt con lần cuối, bất ngờ Dung thoi thóp và được bác sĩ cứu sống.
 
Sau sự cố đó, cơ thể Dung biểu hiện khác thường, miệng méo xệch, dáng người và tay chân co quắp.
 
Năm 3 tuổi, Dung theo gia đình từ Nam Định vào TP.HCM mưu sinh. Từ tiểu học, THCS đến THPT, sức học của Dung không ổn định. Dung sống trong sự mặc cảm vì bị bạn bè kỳ thị. Tuy vậy, không vì thế mà cô gái tật nguyền này không cố gắng. “Năm cuối THPT, tôi là học sinh yếu nhất lớp. Tôi đi học bị các bạn trêu là con ngọng, con lật đật. Nhiều lúc bị bạn ném đá làm tôi rất là buồn. Đó là một áp lực tâm lý lớn với tôi. Từ đó, tôi quyết tâm học hơn, và nghĩ phải đậu đại học để mọi người không còn coi thường mình nữa”, Dung kể lại.
 
Tốt nghiệp đại học, bán vé số rồi làm chủ cửa hàng hoa - ảnh 1

Sau thời gian học nghề vất vả, Dung đã biết cách tự cắm hoa để bán

 
Năm 2010, cả lớp đều ngạc nhiên, cảm phục cô gái nhỏ đã đậu ngành công nghiệp thực phẩm, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. 4 năm sau, cầm tấm bằng cử nhân mơ ước, Dung ròng rã 6 tháng trời đi tìm việc, nhưng khó khăn lại đến khi nhiều công ty tuyển dụng đều “lắc đầu” vì cô là người khuyết tật.
 
Đậu đại học, đi bán vé số
 
Bán vé số là công việc đầu tiên trong đời Dung. “Sau đó, tôi nghỉ bán vé số. Trong lần ra chợ với bố mẹ, tôi xin nhờ cô chú chỉ cách bán tôm cua. Hết bán tôm cua tôi lại đi bán chả cá, mỗi ngày bán cũng được 100.000 đồng. Tôi cũng sống được qua ngày”, Dung nói.
 
Rồi thêm một lần nữa, cô lại bị áp lực tâm lý đè nặng. “Mày học đại học mà sao đi bán dạo như vậy”, một người bạn học “đá xéo” khiến niềm tin mưu sinh của Dung như đóng sầm lại. Mỗi ngày, Dung nghĩ cách để giải thoát bản thân. Sau đó, cô đi bán hoa thời vụ mùa tết. Thức khuya, dậy sớm, Dung với bạn đi mua từng bó hoa về bán ở chợ, dần dần thu nhập từ bán hoa ổn định hơn.
 
“Một lần tôi ngồi suy nghĩ, mình đi học đại học sao không tìm cách buôn bán khác. Rồi tôi lên mạng tìm hiểu nghề hoa. Tôi quyết định làm lại từ đầu một lần nữa bằng nghề hoa”, Dung chia sẻ.
 
Trở thành bà chủ
 
Điệp khúc ám ảnh đi xin việc lại hiện về với cô gái trẻ. Dung tiếp tục bị các cửa hàng hoa từ chối vì khuyết tật và thiếu kỹ năng nghề nghiệp. May mắn Dung được một tiệm hoa nhận vào vừa làm vừa học việc. Từ nhân viên, Dung được đưa lên làm thợ phụ cắm hoa.
 
Khi nhìn lại hành trình học nghề của mình, Dung cho biết: “Nó quá vất vả, quá gian truân. Có những lúc tôi muốn buông tất cả. Người ta học bó hoa trong vòng một tiếng, còn tôi học trong vòng một tháng. Vì đôi tay của tôi mở rộng không được, đầu óc tôi chậm chạp. Nhưng tôi cũng phải cố gắng. Vì anh chủ cửa hàng hoa đã tạo cơ hội cho tôi”.
 
Học dần dần, thành quả đầu tiên Dung đã cắm được một bình hoa nho nhỏ sau một năm học việc. Theo dung, làm việc gì cũng cần cố gắng, người khuyết tật phải kiên trì gấp nhiều lần hơn.  
 
Khi tay nghề thành thục, Dung quyết đứng trên đôi chân của mình. Tháng 9.2020, một tiệm hoa nho nhỏ ở Q.Tân Phú, TP.HCM của Dung được thành hình. Cô đã làm chủ sau nhiều năm lăn lộn với đủ thứ nghề. Cô nhận được nhiều ủng hộ từ hội đồng hương, hội nhóm khuyết tật giúp cô thêm mạnh mẽ. Tiệm hoa nhỏ nhắn đó lắm lúc chỉ một mình Dung cáng đáng. Một mình mua hoa, cắm hoa, có khi đi giao hoa cho khách hàng.
 
Đợt dịch Covid-19, tiệm hoa của Dung cũng hoạt động cầm chừng. Cô vừa bán ở tiệm vừa bán trực tuyến. Từ ý tưởng khởi nghiệp cửa hàng hoa, Dung ước mơ sẽ giúp cho nhiều người khuyết tật khác bớt khó khăn trên con đường lập nghiệp.
 
Nguồn: TNO