Bạn là người hướng nội sợ cô đơn hay hướng ngoại ngại đông đúc? - Ảnh minh họa: PSD
Tính cách đó có ý nghĩa gì trong cuộc sống? Xác định sai, bạn có thể đang tự tạo ra nhiều mâu thuẫn và rắc rối cho bản thân.
Sống hướng nội hay hướng ngoại để làm gì?
Theo GS.TS Vũ Gia Hiền, hiệu trưởng Trường cao đẳng Khoa học - Công nghệ TP.HCM, hướng nội (introvert) không có nghĩa là thích cô đơn, và hướng ngoại (extrovert) không có nghĩa là thích sự đông đúc.
GS.TS Vũ Gia Hiền cho biết gần đây ông cũng nghe một số học trò và bệnh nhân của mình đề cập đến khái niệm "hướng nội sợ cô đơn". Ông cho rằng khái niệm này miêu tả một người chưa chủ động, chưa tự giác hướng nội, bởi họ chưa trả lời được câu hỏi "hướng nội để làm gì?". Nếu có mục đích và phương châm sống rõ ràng, dù là hướng nội hay hướng ngoại cũng không phải vấn đề xấu.
Cần hiểu hướng nội hoặc hướng ngoại là cách tiếp cận với các vấn đề trong cuộc sống để được là chính mình, cảm thấy thoải mái trong mọi hoạt động, và phát huy được điểm mạnh của bản thân trong cuộc sống.
Hướng nội hay hướng ngoại là sự quyết tâm, ý chí, chủ động và cố gắng của một cá nhân. Khi trạng thái này đạt đến mức độ cực đại sẽ khiến người đó bị ức chế, mất cân bằng và xuất hiện những yêu cầu trái ngược với tính cách hằng ngày.
Người hướng nội khi đã vượt quá ngưỡng thì bắt đầu muốn được chia sẻ, gặp gỡ, giao tiếp nhiều hơn để giải tỏa những chất chứa trong lòng. Trong khi đó, người hướng ngoại có thể lại muốn ở một mình, yên tĩnh để suy nghĩ và thư giãn nhiều hơn.
"Hướng nội sợ cô đơn" hay "hướng ngoại sợ đông đúc" là khi mục đích, ý chí ta nói muốn, nhưng nội lực ta không đủ để đạt được điều ta mong muốn.
Hướng nội nên là một trạng thái sống tích cực, chủ động của mỗi cá nhân, tiếp nhận cuộc sống một cách chọn lọc. Người hướng nội thường dành nhiều thời gian để lắng nghe bản thân sâu hơn, đắm mình trong những suy nghĩ riêng tư, quan tâm đến môi trường sống và làm việc, những người bạn thực sự thân thiết, cẩn trọng trước khi phát ngôn và hành động.
Điều này giúp cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn và hạn chế bị những yếu tố tiêu cực xung quanh tác động.
Hướng ngoại là người thích sống trong các tương tác xã hội đa chiều, thường không thích hoặc rất ít khi ở một mình, có nhiều bạn bè, không ngại giao lưu, giàu năng lượng và có xu hướng lãnh đạo. Điều này giúp cuộc sống của họ sôi động, dễ dàng bộc lộ cá tính, cảm xúc, quan điểm cá nhân và không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.
Ví dụ, một nhà tu hành chọn ở tại một vùng núi cao, thực tập thiền định mỗi ngày, tránh xa mọi thị phi bởi họ có mục đích sống, phương pháp tu tập rõ ràng, có điểm tựa tâm linh để được chữa lành và tìm về trạng thái cân bằng nhất. Nhưng với một người bình thường, nếu không có mục đích cụ thể, họ sẽ cảm thấy cô đơn, dần chuyển sang sợ hãi, trầm cảm.
GS.TS Vũ Gia Hiền khẳng định, nếu trả lời được câu hỏi "sống hướng nội hoặc hướng ngoại để làm gì trong học tập, công việc và các mối quan hệ xung quanh?", bạn sẽ biết lựa chọn việc nào nên làm, thông tin nào nghe được và nên tiếp thu, mối quan hệ nào nên xây dựng và duy trì.
Khi ấy, bạn không còn phải hối tiếc những điều trái với phương châm sống đã đặt ra, không còn hướng nội sợ cô đơn hay hướng ngoại sợ đông đúc. Sự nhất quán giữa tính cách và hành động là điều tuyệt vời nhất.
Phần lớn là người hướng trung (ambivert)
Trên thực tế, GS.TS Vũ Gia Hiền cũng cho biết hướng nội và hướng ngoại thuần túy hiếm xảy ra. Phần lớn là người hướng trung khi có cả hai xu hướng, chỉ khác nhau ở chỗ hướng nội hay hướng ngoại mới là tính cách cốt lõi, nổi trội.
Hướng trung chia ra làm hai nhóm cụ thể: người hướng ngoại hướng nội sẽ có tính hướng ngoại là cốt lõi, và người hướng nội hướng ngoại sẽ có tính hướng nội là cốt lõi.
Theo Adam M. Grant - giáo sư tâm lý học tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), phần lớn mọi người không thể xác định rõ mình là người hướng ngoại hay hướng nội. Ông ước tính rằng hơn một nửa dân số là người hướng trung. Mặc dù tính cách được hình thành từ khi được sinh ra, nhưng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh sống có thể tác động và làm thay đổi.
Biểu hiện của người hướng trung là luôn sẵn sàng và chấp nhận mọi chuyện xảy đến, linh hoạt điều chỉnh hành vi cho phù hợp với từng tình huống, đối tượng, vừa biết giao tiếp tốt cũng vừa biết lắng nghe, có nhiều bạn bè, nhưng khi ở một mình vẫn cảm thấy dễ chịu, dễ dàng kết nối với nhiều típ người khác nhau và mang đến sự tin tưởng, cân bằng, thoải mái cho các mối quan hệ.
"Nếu bạn có những đặc điểm trên, chúc mừng bạn, bởi những biểu hiện của người hướng trung là một thế mạnh trong tính cách mang lại nhiều lợi ích, thành công trong cuộc sống", ông Hiền nhấn mạnh.
Qua một bài kiểm tra với 340 nhân viên chăm sóc khách hàng qua điện thoại, giáo sư Adam M. Grant nhận thấy rằng 51% người hướng trung bán được nhiều sản phẩm hơn so với một nhân viên bán hàng trung bình. Những nhân viên này có tính cách đứng trong khoảng giữa của người hướng nội và hướng ngoại.
Ông Adam M. Grant nhận định, người hướng trung có cơ hội thành công cao hơn, vì họ dễ thích nghi. Họ biết khi nào nên thể hiện bản thân nhiều hơn, hoặc khi nào nên thu mình lại cho phù hợp. Còn người hướng ngoại thường không biết khi nào nên bộc lộ cá tính. Người hướng nội thì quá dè dặt trong việc thể hiện bản thân.
Để hiểu mình hướng nội, hướng ngoại hay hướng trung: Lắng nghe bản thân nhiều hơn
Sức khỏe tinh thần được củng cố một phần từ sức khỏe thể chất, nên việc luyện tập thể thao, dinh dưỡng hợp lý ngoài tăng cường đề kháng, cho vóc dáng cân đối cũng giúp tinh thần của bạn vào trạng thái cân bằng và suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh.
Hướng nội không có nghĩa là chỉ tập yoga, dưỡng sinh, đi bộ, ngồi thiền..., hay hướng ngoại chỉ tập đấm bốc, đá bóng, cầu lông... Người hướng ngoại vẫn cần ngồi thiền, tịnh tâm, tìm cho mình một khoảng lặng nhất định để tĩnh tâm và thư giãn. Người hướng nội vẫn cần tìm những môn thể thao đối kháng, sức mạnh hoặc tốc độ để giải tỏa nhiều hơn. Hãy chơi thể thao theo điều kiện sức khỏe, sở thích của mình để củng cố sức khỏe tâm thần.
Qua điều trị tâm lý, ông Hiền cho biết nhiều trường hợp quá hướng nội hoặc quá hướng ngoại đã sinh ra trầm cảm, mất ngủ và chứng sợ hãi.
"Nguồn căn của vấn đề vẫn là chưa tìm được mục đích, ý nghĩa của việc sống hướng nội, hướng ngoại hay hướng trung. Vì thế, bạn chưa tìm được hoạt động, công việc, môi trường và đối tác phù hợp.
Hãy lắng nghe bản thân nhiều hơn. Đừng ngại ra ngoài trò chuyện, gặp gỡ, vì dù là tính cách nào, bạn cũng nên được chia sẻ và cho lời khuyên từ mọi người. Bạn nên nhớ, chúng ta không sống một mình trên thế giới này, luôn phải tương tác dù ít hay nhiều. Điều đó là cần thiết", ông Hiền chia sẻ.
THEO TUOITRE