Phạm Hữu Phát được các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hướng dẫn kỹ năng phòng chống cháy nổ trong chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa” - Ảnh: C.K.
Đại úy Phạm Phi Long hy sinh trong lần làm nhiệm vụ chữa cháy giữa đêm 7-9-2017. Giữa khói lửa mù mịt, anh Long và đồng đội lao vào khống chế để ngọn lửa không lan sang nhà kế bên.
Thế rồi, sàn nhà lầu 1 bất ngờ đổ sập, anh Long ra đi khi bé Hữu Phát mới gần 2 tuổi.
Tin sét đánh với vợ trẻ con thơ
Ngọn lửa được khống chế nhưng anh cũng bị tước đi mạng sống. Tin sét đánh về người anh hùng chống giặc lửa dội về trong đêm. Người vợ trẻ Nguyễn Thị Hồng Phượng chết lặng, nhìn cậu con thơ đang say giấc nồng. Lúc ấy, chị đang mang thai đứa con gái thứ hai.
Ký ức của cậu bé 2 tuổi luôn lẩn khuất đâu đó bóng hình cha với bộ đồ bảo hộ của lính chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Lớn hơn cảm nhận phần nào công việc của ba, Phát cũng muốn trở thành người lính cứu hỏa như cha.
"Phát quấn ba từ nhỏ. Ngoài giờ công tác, ba Phát luôn dành thời gian đưa con đi chơi. Nhưng giờ giấc của ba thì bất kể lúc nào, cứ nhận lệnh là lao đi nhanh nhất có thể. Mỗi lần kể về ba, Phát nghe và luôn mơ ước trở thành chiến sĩ công an như ba", chị Phượng kể.
Câu chuyện về nhọc nhằn, nguy hiểm song lính cứu hỏa luôn có mặt ở nơi nguy nan nhất để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của dân cứ đi vào suy nghĩ của Phát. Chính tấm gương quả cảm của ba và đồng đội đã truyền cho cậu niềm cảm hứng, cháy lên ước mơ làm lính cứu hỏa.
Mới đây, Phát là một trong 240 "chiến sĩ nhí" được cán bộ, chiến sĩ Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) đưa đến đơn vị để được trải nghiệm chương trình "Một ngày làm lính cứu hỏa".
Qua một ngày tìm hiểu công việc, tập cả điều lệnh, đội ngũ, được trực tiếp cầm vòi rồng xịt nước vào đám cháy, Phát cảm nhận rõ hơn sự hy sinh, công việc mà ba và các chú đã làm. "Con thích và từ lâu đã ước lớn lên sẽ thành người lính cứu hỏa như ba", Phát nung nấu ước mơ.
"Giặc lửa" đã cướp đi người cha thân yêu nhưng lại thắp sáng ước mơ để tình yêu, khao khát được nối nghiệp cha mình trong Phát ngày càng lớn lên, phấn đấu thành hiện thực trong mai này. Đại úy ĐỖ NGỌC ĐỨC (bí thư Đoàn Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP.HCM) |
Niềm tin của con trẻ
Chị Phượng kể con trai từng xem bộ phim về câu chuyện người lính cứu hỏa anh dũng hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ nhưng cậu bé không hề sợ hãi mà như càng quyết tâm nối nghiệp ba.
Mỗi lần con nói về ước mơ, người mẹ trẻ lại động viên con hãy gắng học thật tốt, khuyến khích con cứ nuôi dưỡng ước mơ để mai này hiện thực nó.
"Được trải nghiệm cùng các anh, các chú, được khoác lên mình bộ quân phục người lính cứu hỏa, con về nhà kể cho mẹ và em nghe rất say sưa", chị Phượng nói.
Qua chương trình, Phát cùng các bạn nhỏ được huấn luyện kỹ năng thoát hiểm trong sự cố cháy nổ, được trải nghiệm công việc của những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Chương trình không chỉ giúp các bạn nhỏ có thêm kỹ năng trong cuộc sống mà còn hiểu hơn về công việc của người lính phòng cháy chữa cháy với hình ảnh quen thuộc bên chiếc xe màu lửa, tiếng còi hú vang mỗi khi vào nhiệm vụ. Ở đó, họ sẵn sàng quên thân mình vì người khác.
Xúc động khi biết câu chuyện của Hữu Phát được chính những đồng đội của ba em hướng dẫn, thiếu tá Nguyễn Viết Hùng - phó đội trưởng Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông (Phòng PC07), đã làm bài thơ Mầm xanh tặng cậu bé và các "chiến sĩ nhí" tham gia chương trình hôm ấy.
Bài thơ có những câu thế này: Sáng nay nô nức rừng hoa trẻ/ Bạn nhỏ quây quanh đứng thẳng hàng/ Tranh nhau đồ cháy cầm lăng giá/ Phun nước tứ tung nắng chẳng màng/ Ngày hội trại hè lính cứu hỏa/ Hăm hở xung phong áo chỉnh tề/ Tay lăng tay giá vòi hoa nở/ Tuổi trẻ măng non ước nguyện thành/ Sáu năm trôi qua nhanh như thuở/ Bạn mới hy sinh dựng bóng hình/ Con trẻ năm 2 nay đã 8/ Nguyện tiếp bước cha dựng nước nhà/ Chữa cháy bao năm lòng không mỏi/ Hy sinh mất mát chí chẳng lùi/ Con trẻ theo cha nghề chữa cháy/ Chờ ngày tôi luyện chí thành công.
Đại úy Đỗ Ngọc Đức - bí thư Đoàn Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TP.HCM - cho biết ngoài chính sách của Nhà nước dành cho con của liệt sĩ, Đoàn thanh niên Công an TP.HCM và phòng thường xuyên chăm lo cho cậu bé sớm mồ côi cha này.
Vợ và con liệt sĩ Phạm Phi Long được xây tặng ngôi nhà tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Tuy nhiên hiện chị Phượng đang thất nghiệp do đã đóng cửa tiệm thuốc tại Long An để tiện chăm sóc, đưa đón hai con đi học. "Cùng với hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, tôi đang sắp xếp tìm kiếm công việc phù hợp để lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn, và sẽ luôn động viên con trai nuôi dưỡng ước mơ nối nghiệp thành lính cứu hỏa như ba mình", chị Phượng bộc bạch. |
Theo Tuổi Trẻ Online |