“Lên non” rồi lại “xuống biển”
Trong vòng gần 3 tháng kể từ ngày phát động, tính đến thời điểm hiện tại, cuộc thi đã có hơn 50 bài dự thi gửi về. Đó có thể là những giai điệu vui tươi, lạc quan khắc họa rõ nét hình ảnh những giáo viên giàu nhiệt huyết, đam mê với nghề nơi vùng cao, hay cũng có thể là những giai điệu trầm lắng bày tỏ tâm tình người Thầy ngoài đảo xa vọng lại.
“Sáng mai em đến lớp đón chào năm học mới, sách em treo phía trước, gạo em gùi đằng sau…” mở ra những khung cảnh đầu tiên của ca khúc Em – Cô Giáo Trẻ (tác giả Mai Viết Ngà, HCM). Quả thực là một hình ảnh rất thú vị và cảm động! Hình ảnh của cái được gọi là “thực” - chút ít gạo cô giáo trẻ gùi đằng sau, đã làm nổi bật lên cái “đạo” to lớn ở phía trước – cả một niềm đam mê to lớn với phấn đen, bảng trắng, miệt mài “cõng con chữ lên non”, gieo ánh sáng văn hóa vào lòng các em nhỏ thơ dại.
“…thiết tha yêu nghề, yêu đàn trẻ nhỏ dại khờ…” – Ảnh Facebook cô Trà Thị Thu |
Tác giả Mai Viết Ngà đã dùng thủ pháp miêu tả chân thật, khắc họa rõ nét hình ảnh một cô giáo trẻ nhỏ nhắn, vui tươi lạc quan với nụ cười trên môi, sẵn sàng “xung kích đi đầu dù bao gian khó, nhưng chẳng đổi thay...” Chúng ta tự hỏi “Điều gì níu bước chân em đến nơi sáng chiều mây phủ, núi cao, lũ quét?” Đó là vì một chữ Tâm sáng ngời, vì tình thương “…thiết tha yêu nghề, yêu đàn trẻ nhỏ dại khờ…”, can đảm gác lại những điều rộng mở nơi thị thành phồn hoa, cô giáo trẻ về với vùng cao, miệt mài bên từng trang giáo án, đóng góp chút công sức cho tuổi thơ vùng xa.
Khác với giai điệu vui tươi, lạc quan, ca khúc Cô Giáo Bản Mình (thơ Ngọc Thanh, phổ nhạc Hoàng Bình, Hà Nội) lại họa nên chân dung một giáo viên hiền từ, nhẹ nhàng, tận tâm nơi rừng cao hùng vĩ: “Bông hoa rừng đỏ thắm, Nở bên đồi tươi xinh. Cô giáo trẻ bản mình, rất say mê đèn sách. Chích chòe cười khanh khách, cô giáo mình xinh ghê, cô giảng bài miễn chê, em thuộc ngay trên lớp… Bàn tay cô thân thương nắn em từng nét chữ. Cô giáo bản mình đây như mẹ hiền của em. Cô giáo bản mình đây dạy em học những điều hay…”
Tâm huyết với nghề cũng chính là “mỏ neo”, níu chân các giáo viên ở lại nơi biển đảo xa xôi, rời xa người thân và gia đình riêng bé nhỏ, thậm chí bỏ quên cả thanh xuân của mình. Như ca khúc “Tình thầy trên hải đảo xa” của tác giả Lê Quang Linh Hùng (HCM) đã nói rằng “Hải đảo xa không ngăn cách tình người, Tuổi trẻ ta dâng hiến trọn cuộc đời, Cho quê hương cho đàn trẻ thơ dấu yêu ơi…” và rồi nơi ấy “Có cô thầy dạy nơi phương xa, nhớ quê nhà gửi phong thư xanh,… nhớ những chiều nhìn nơi xa xăm, thương về làng quê xa thẳm…”
Có ai hiểu được nỗi nhớ nhà, nhớ người thân da diết của những người Thầy nơi “đầu sóng”?! – Ảnh: Fanpage Chia Sẻ Cùng Thầy Cô |
Giải đáp một số câu hỏi thường gặp
Bước sang năm thứ 5 triển khai, Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đặc biệt phát động cuộc thi sáng tác ca khúc với chủ đề cùng tên, ngoài mục đích cổ vũ, động viên các thầy giáo cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, cuộc thi còn hướng đến kêu gọi xã hội tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ đội ngũ thầy giáo, cô giáo và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
|
Dưới đây là phần giải đáp một số câu hỏi mà các thí sinh đã gửi về cho BTC trong thời gian vừa qua:
Câu hỏi 1: Làm sao biết mình có đủ điều kiện để tham gia cuộc thi này?(Trần Chi, Cần Thơ)
Trả lời: Các tác giả phải là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài nước; nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước.
Câu hỏi 2: Tôi muốn hỏi ca khúc dự thi sáng tác ca khúc chủ đề Chia sẻ cùng Thầy cô ngoài bản nhạc gửi dự thi thì có bắt buộc phải gửi cà đĩa thu âm ca khúc hay không? (Trần Quốc Dũng, HCM).
Trả lời: Ban tổ chức không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi đối với mỗi tác giả, các tác phẩm dự thi phải có đủ phần nhạc và lời bằng tiếng Việt, đánh máy vi tính hoặc chép tay rõ ràng trên giấy khổ A4, và gửi kèm đĩa CD đã thu thanh bài hát.
Các tác giả hãy gửi công trình sáng tác của mình về Cổng tri thức Thánh Gióng, tầng 2, 64 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài bì thư ghi rõ thông tin: Tham gia Cuộc thi sáng tác ca khúc “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Câu hỏi 3: Tôi muốn tham gia nhưng sợ nhiều bài dự thi gửi về quá, mình cạnh tranh không nỗi… (Nick facebook Tiny Hà, Hà Nội)
Trả lời: Cuộc thi năm nay, BTC khuyến khích những tác phẩm dự thi có giai điệu đẹp, cấu trúc gọn gàng, nhưng vẫn bảo đảm được phong cách mới và sáng tạo. Lời ca nên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, gần gũi với đời sống nhân dân, mang tính cộng đồng cao, phù hợp với thanh niên. Nếu tác phẩm dự thi của thí sinh thỏa mãn được những điều kiện này, tin chắc rằng tỉ lệ “chọi” cao hay thấp sẽ không còn là vấn đề quan trọng.
Câu hỏi 4: Chúng tôi muốn biết thêm thông tin về cuộc thi lần này. (Nguyễn Thị Minh Châu, Đà Nẵng)
Trả lời: Cuộc thi được phát động từ ngày 25-7 đến 25-10-2019 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 50 triệu đồng. Tác phẩm tham dự phải là tác phẩm mới, bảo đảm chưa đăng ký tham gia ở các cuộc thi khác, chưa công bố trên mọi hình thức ở trung ương cũng như địa phương và không có tranh chấp bản quyền.
Các tác phẩm tham dự sẽ được Ban giám khảo xét duyệt chấm điểm tại 2 vòng, bao gồm vòng sơ khảo và vòng chung khảo. Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào dịp 20-11-2019 tại Hà Nội.
Mọi ý kiến đóng góp, thắc mắc về chương trình, xin vui lòng gọi về đường dây nóng 024.62782663 hoặc truy cập website http://www.chiasecungthayco.com và fanpage https://www.facebook.com/chiasecungthayco/
CTV