Hành trình đến với đảo Nam Du

(CTG) Khi được mời tham gia chương trình 'Biển đảo yêu thương' do Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp với nhóm Khám bệnh nhân đạo Trái tim nhỏ TP.HCM tổ chức, tôi háo hức vì có cơ hội thực hiện ước mơ trải nghiệm cuộc sống trên đảo.

Đoàn công tác đến thăm một hộ nghèo trên đảo, chủ hộ phải nghỉ công việc đánh bắt thuê do bị suy tim nặng. /// ẢNH: NVCC
Đoàn công tác đến thăm một hộ nghèo trên đảo, chủ hộ phải nghỉ công việc đánh bắt thuê do bị suy tim nặng.
 
Trải nghiệm cuộc sống lính đảo
 
Nam Du là hòn đảo được ví như “vịnh Hạ Long thứ 2 của Việt Nam”. Ngay khi đến đảo, tôi ngỡ ngàng vì khung cảnh không giống trí tưởng tượng của mình, như khi đặt chân đến các địa điểm du lịch khác. Vừa bước xuống tàu đã có một bạn bộ đội biên phòng chờ sẵn. Leo lên xe máy, chúng tôi đi qua những con đường vừa dốc cao, vừa bé, có những đoạn chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua.
 
Đồn biên phòng Nam Du nằm trên một ngọn đồi cao, có hướng nhìn ra toàn bộ bãi biển cực kỳ đẹp. Khi thấy một chiến sĩ bế tôi từ xe máy vào khu tiếp khách của đồn, dường như những người trong đồn đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Có thể mọi người không tin được chuyện một cô gái khuyết tật nặng lại có thể ra tận đảo để truyền lửa cho các anh. Khung cảnh nên thơ của Đồn biên phòng Nam Du khiến tôi không thể cầm lòng mà mạnh dạn đề xuất với anh chính trị viên trưởng của đồn cho tôi ở lại một đêm để được trải nghiệm cuộc sống của các chiến sĩ.
 
Từ trước đến giờ tôi đã nghe những khó khăn thiếu thốn của các chiến sĩ biên phòng và cũng đã từng ở cùng các chiến sĩ biên giới Bình Phước vào những ngày cả nước gồng mình chống dịch Covid-19. Và nay tôi được ra tận đảo xa để trải nghiệm của sống của những chiến sĩ nơi hải đảo.
 
Có những chuyện dễ gây ấn tượng như các anh vừa ăn cơm vừa phải canh chừng bóng điện, khi thấy hơi yếu là phải tắt một lúc rồi bật lên lại. Tôi cũng sẽ không bao giờ quên khung cảnh buổi giao lưu chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ mà phải tắt điện đến 3, 4 lần. Mọi người ở dưới đã phải sử dựng đèn flash của điện thoại di động để chiếu sáng sân khấu.
 
Hành trình đến với đảo Nam Du - ảnh 1

Tác giả vượt gần 300 cây số đến đảo Nam Du để chia sẻ sự khó khăn cùng người dân trên đảo

 
Trao điều tử tế
 
8 giờ sáng chủ nhật, người dân trên đảo tập trung tại Trường tiểu học An Sơn. Hơn 300 người được chia thành từng tốp ngồi xếp hàng chờ đến lượt khám chữa bệnh. 
 
Tôi và anh Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Bình Phước, cùng với các chiến sĩ và đoàn viên tranh thủ đi thăm những gia đình khó khăn nhất trên đảo.
 
Ở đó tôi được nghe những câu chuyện ít người biết. Những ngôi nhà sát vách liền kề mà không cần phải có cửa, bởi trong nhà không có gì để mất. Những người đàn ông già yếu ngày ngày ngồi ngóng trông ra biển để hoài niệm về một thời thanh xuân của mình. Họ đã bán sức khỏe của mình cho biển cả để kiếm những đồng tiền ít ỏi nuôi sống gia đình. Để rồi khi mới chỉ 50, 60 tuổi đã phải hứng chịu rất nhiều bệnh tật hiểm nghèo. Ở đó có những gia đình có đến 3 người bệnh phải nằm một chỗ và gánh nặng mưu sinh đè lên vai người phụ nữ già yếu, ngày ngày đi làm thuê kiếm sống.
 
Chúng tôi đến thăm một gia đình trong một ngõ cụt trên đảo. Hai vợ chồng già ngồi hai góc, vợ bị liệt, còn chồng bị tai biến. Con cái người thì bỏ xác ngoài biển khơi, người phải lo cho gia đình nhỏ nên mọi sinh hoạt ăn uống phải nhờ hàng xóm giúp đỡ. Khi chúng tôi đến thăm, cụ ông xúc động đến bật khóc.
 
Nguồn: TNO