Khi nhiều người sẵn sàng rút cạn ví vì... Labubu

(CTG) Mới đây, dòng trạng thái trên Facebook với nội dung "Lương 10 triệu đồng/tháng sẵn sàng dành ra 8 triệu đồng mua Labubu. Còn mọi người thì sao nào?" khiến dân mạng chú ý. Điều này làm nhiều người tự hỏi: Labubu có gì mà khiến giới trẻ phát cuồng đến vậy?

Hết mình vì đam mê

Dù xếp hàng mấy tiếng đồng hồ, thức đêm vạ vật để săn Labubu nhưng Trần Minh Anh (20 tuổi), ngụ đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Bình Tân, TP.HCM vẫn không bỏ cuộc. Cô cho biết Labubu rất đáng yêu. Khi thấy bạn bè ai cũng có, cô cũng muốn sắm cho mình một con. Đợt mở bán Labubu, cô còn nhờ bố chở từ nhà đến Q.7 lúc 2 giờ để xếp hàng cho kịp.

"Theo quy định, mỗi người chỉ mua được hai con. Hai bố con sẽ mua được 4 con. Vì thế, mình quyết định dùng tiền tiết kiệm, xin thêm tiền của bố để mua", cô kể.

Khi nhiều người sẵn sàng rút cạn ví vì... Labubu- Ảnh 1.
 
 Người trẻ vạ vật xuyên đêm để săn Labubu vào giữa tháng 8

PHƯƠNG VYMinh Anh không phải người duy nhất mê Labubu. Dưới phần bình luận dòng trạng thái kể trên, nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Có người cho biết dù lương chỉ 5 triệu đồng, nhưng không ngần ngại săn đủ mọi phiên bản Labubu. Thậm chí, có bạn đang thất nghiệp nhưng vẫn liên tục "chốt đơn".

Theo anh Lê Phúc (30 tuổi), nhân viên thiết kế tại một công ty ở đường Pasteur, Q.3, TP.HCM, trào lưu Labubu thực sự bùng nổ khi Lisa (nhóm nhạc BLACKPINK) đăng ảnh con "quái vật răng thỏ" trên Instagram. Sau đó, Labubu nhanh chóng gây sốt toàn cầu, khiến nhiều nơi cháy hàng. Vì vậy, nhiều người phải mua lại từ những người bán với giá rất cao.

Dù đã sở hữu hai con Labubu nhưng lúc nào anh Phúc cũng cảm thấy chưa đủ. Anh đành chọn cách tham gia nhiều "trận chiến" trên sàn thương mại điện tử để "săn" Labubu với giá gốc, nhưng thường xuyên thất bại vì không kịp giành mua trước người khác.

Giải mã 'cơn sốt săn Labubu': quần áo phụ kiện gần đắt ngang đồ người mặc

Khi nhiều người sẵn sàng rút cạn ví vì... Labubu- Ảnh 2.

Anh Lê Phúc cùng bộ sưu tập 7 con Labubu

PHƯƠNG VY

Không bỏ cuộc, anh Phúc lùng sục khắp diễn đàn, theo dõi thông tin mở bán Labubu với hy vọng sẽ mua được "quái vật răng thỏ" độc đáo này. Hiện tại, anh đã sở hữu trong tay 7 con Labubu dễ thương.

Trào lưu này cũng khiến anh Đỗ Tuấn Thanh (31 tuổi), nhân viên văn phòng, ngụ đường Trần Quang Diệu, P.14, Q.3 phát cuồng. Anh thú nhận đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền cho niềm đam mê này. Hiện anh đang sở hữu hơn 110 con Labubu mô hình nhựa lẫn thú bông.

Không chỉ chi tiền mua Labubu, anh Thanh còn phải tốn thêm một khoản kha khá để mua quần áo, phụ kiện cho Labubu thay đổi hằng ngày. Anh còn sắm thêm tủ trong suốt để trưng bày. "Đam mê không bao giờ là đủ", anh nói.

Khi nhiều người sẵn sàng rút cạn ví vì... Labubu- Ảnh 3.

Anh Thanh đã có nguyên một bộ sưu tập "quái vật răng thỏ"

NVCC

Trong khi đó, Trương Ngọc Khanh (23 tuổi), làm việc ở đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM, lựa chọn cách đặt cược sự may rủi trong việc chơi "xổ số" (khoảng 300.000 đồng/lượt) với hy vọng trúng một con Labubu. Theo Khanh, để chơi "xổ số", người chơi sẽ mua vé theo một số ngẫu nhiên của người bán Labubu cung cấp. Sau đó hồi hộp chờ xem mình có trúng hay không. Nếu không trúng, sẽ mất trọn số tiền đặt trước đó. "Số tiền chơi có khi còn nhiều hơn tiền mua một con Labubu qua trung gian. Nhưng mình vui vì được "đu theo trào lưu" cùng thần tượng", cô bộc bạch.

Còn chồng của chị Hồ Ni Na (32 tuổi), ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, H.Nhà Bè, TP.HCM năn nỉ vợ đừng mua thêm đồ chơi nữa. Tính đến thời điểm này, chị Na đã có đủ hai phiên bản Labubu, kèm theo các loại khác như Teddy Lulu, Kimmom, Cry Baby… trên dưới 50 con và mong muốn sắm thêm một vài con khác vào bộ sưu tập.

Hiện tại, nhiều bạn trẻ không thể thống kê được chính xác số tiền bỏ ra cho thú chơi Labubu. Chị Na có khoảng 50 con, giá trị khoảng hơn 50 triệu đồng, anh Phúc tốn cỡ hơn 5 triệu đồng… Con số này chưa bao gồm chi phí mua quần áo và phụ kiện.

Khi nhiều người sẵn sàng rút cạn ví vì... Labubu- Ảnh 4.

Bộ sưu tập đồ chơi đắt đỏ của chị Ni Na

NVCC

Chị Na bộc bạch: "Thú vui này có nhiều ý kiến trái chiều. Với người không thấy hứng thú như chồng mình thì họ sẽ cảm thấy vô nghĩa. Trong đam mê này, mình tìm thấy niềm vui".

Đồng tình với quan điểm này, anh Tuấn Thanh cho biết việc chi tiền mua đồ chơi là sở thích cá nhân. Mọi người có quyền tạo niềm vui cho mình qua việc tiết kiệm, tăng thêm thu nhập để mua những thứ yêu thích.

Chạy theo trào lưu cũng nên phù hợp với điều kiện

Ông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập truyền thông Trăng Đen, cho rằng Labubu thành công nhờ chiến lược marketing quốc tế và bài bản, với giá trị tinh thần vượt trội hơn vật chất.

Ông Long cho rằng không nên phán xét việc người trẻ chi tiền cho Labubu, nhưng họ cần hiểu rõ giá trị và mong muốn từ món đồ. Nếu chỉ chạy theo trào lưu mà không cảm nhận được giá trị tinh thần, việc mua sắm có thể trở nên uổng phí. Ông khuyên bạn trẻ nên quản lý tài chính thông minh, tránh để chi tiêu cho trào lưu ảnh hưởng đến các nhu cầu thiết yếu.

Còn thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng nhãn hàng đã khai thác vào tâm lý muốn thể hiện bản thân của giới trẻ. Ông nói hiện nay chuyện người trẻ chạy theo xu hướng là rất bình thường.

"Nhu cầu thể hiện bản thân của các bạn trong độ tuổi này là rất lớn. Đa số các bạn không muốn mình bị lạc hậu, bỏ lại phía sau. Việc chạy theo trào lưu, sưu tầm những món đồ hot vừa thể hiện cá tính bản thân, vừa được nhiều người ghi nhận và đánh giá cao trong những mối quan hệ cùng trang lứa. Tuy nhiên, việc chạy theo trào lưu phải phù hợp với điều kiện mỗi người. Đừng bất chấp tất cả để có được món hàng xa xỉ nhưng không thực sự cần thiết", thạc sĩ Thành nói.

Theo ông Thành, việc chạy theo trào lưu không đúng cách sẽ ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống, sức khỏe, công việc hay học tập. Khi đó, những hành động này không còn là biểu hiện của sự "sành điệu" mà trở thành những hành vi thiếu nhận thức, dẫn đến tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực.

 Theo TN