THÙY MỴNguyễn Thùy Mỵ, trưởng bộ phận truyền thông công ty này, cho biết để tạo nên sản phẩm mút xốp chỉn chu và chất lượng nhất phải trải qua nhiều công đoạn như: cắt, gọt, tỉa, tạo hình cơ bản bằng máy cắt CNC. Tiếp theo là mài, chà nhám các bề mặt của mô hình xốp để sản phẩm mịn màng, bóng loáng. Kế đến là chạm trổ, điêu khắc cho sản phẩm hiện rõ được đường nét, cuối cùng là tô, sơn màu.
Sau khi những khối xốp được máy CNC cắt gọt, Phan Văn Minh (24 tuổi) lập tức đem đi chà nhám. Minh kể lại: "Trước đây, mình làm bên chà nhám những sản phẩm gỗ. Nhưng thời gian qua mặt hàng này không được ưa chuộng, công ty giảm nhân sự nên chuyển qua lĩnh vực mút xốp".
Theo Minh chà nhám lên mút xốp cần thật nhẹ nhàng, cẩn trọng nếu không thì nguyên liệu mềm nhẹ này sẽ bị mất nét, "ăn" vào bên trong. Khi đó, mọi người phải dùng một loại bột đắp vào phần lỗi, tốn rất nhiều thời gian.
Sau khi Minh chà nhám xong, anh Lương Văn Trường (34 tuổi), sẽ dùng bàn tay điêu luyện để điêu khắc, chạm trổ lên mô hình mút xốp sao cho sản phẩm rõ nét, đáp ứng được mong muốn của khách hàng nhất.
"Không chỉ đòi hỏi chuyên môn cao mà người làm ở khâu chạm trổ, điêu khắc các khối tượng mút xốp cũng cần có năng khiếu. Đối với mô hình con vật, tượng người… cần phải thi công nhiều phân đoạn hơn, đặc biệt là những chi tiết nhỏ", anh Trường nói.
Chà nhám sản phẩm mút xốp
Theo anh Trường trong điêu khắc, mút xốp là vật liệu có ưu điểm về thời gian thi công nhanh, nhẹ, bền, giá thành rẻ và vận chuyển dễ dàng. Mô hình mút xốp được sử dụng nhiều trong các sự kiện, trang trí cho các dịp lễ, tết, làm điểm nhấn trong trung tâm thương mại...; cũng như được dùng cho những công trình nghệ thuật rất lớn, lên đến hàng chục ngàn mét khối.
Ngồi kế bên anh Trường và tỉ mỉ tô màu từng đường nét lên mô hình mút xốp tượng người, Trần Minh Hoàng (24 tuổi), chia sẻ: "Vẽ trên tờ giấy ta có thể dùng thước, canh tỷ lệ. Còn đây là chất liệu mút xốp nên bề mặt sẽ không trơn láng, phẳng như giấy được. Do đó, người làm cần phải tập trung cao độ và có thể mất rất nhiều thời gian".
Hoàng học ngành thiết kế thời trang tại một trường đại học ở TP.HCM. Để kiếm thêm thu nhập, Hoàng chọn công việc làm mô hình mút xốp (khâu vẽ, bước cuối cùng hoàn thiện mô hình). Nhờ chịu khó, siêng năng, Hoàng được nhận làm nhân viên chính thức tại xưởng sau khi ra trường. Sau vài tháng làm chính thức ở khâu vẽ mô hình mút xốp, Hoàng được đề cử lên vị trí trưởng bộ phận.
Những tháng cuối năm, nhân công ở xưởng luôn tất bật ngày đêm để hoàn thành sản phẩm mô hình mút xốp giao cho khách. "Ngoài giờ hành chính thì những tháng cận tết chúng mình sẽ tăng ca vào buổi tối. Nếu chịu khó, một tháng có thể kiếm gần 20 triệu đồng", Hoàng cho hay.
Theo TNO