Liều vay gần 1 tỷ đồng để khởi nghiệp
Anh Lê Đình Lâm (SN 1992, trú xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, Nghệ An) hiện là ông chủ cơ sở giò bê nổi tiếng. Trước khi có thành công như hôm nay, chàng trai trẻ đã trải qua nhiều khó khăn.
Tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền - Đại học Y khoa Vinh năm 2014, anh Lâm về làm việc tại phòng mạch của gia đình. Anh phụ trách mảng cơ xương khớp, mỗi ngày thăm khám cho hơn 10 bệnh nhân, thu nhập hơn 1 triệu đồng. Vợ anh - chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (SN 1994) sau khi tốt nghiệp loại ưu cũng được nhận vào làm ở một cơ quan nhà nước cấp huyện.
Tuy nhiên, sau khi cưới, vợ chồng anh Lâm lại quyết định từ bỏ công việc đúng chuyên ngành để về quê khởi nghiệp từ giò bê. “Gia đình vợ tôi có một nhà hàng thịt bê nổi tiếng ở địa phương. Đến nhà chơi, tôi thấy bố mẹ vợ làm thịt bê, chế biến nhiều món ăn ngon phục vụ thực khách nên nảy ra ý tưởng làm sản phẩm từ thịt bê mang thương hiệu riêng”, anh Lâm chia sẻ.
Năm 2016, anh Lâm vay gần 1 tỉ đồng mua kho đông lạnh, máy hút chân không... rồi mở xưởng trên khu đất rộng hơn 100 m2 của gia đình ở gần chợ Nam Nghĩa. Chàng trai 9x nói rất áp lực, bởi chưa có kinh nghiệm làm giò bê, phải tự lần mò tìm công thức, xem các video trên mạng, học hỏi cách chế biến rồi mua thịt bê về cân đong đo đếm số lượng, gia vị cho phù hợp.
“Do mới làm nên không đều tay, giò lúc ngon lúc dở. Mẻ thì luộc lâu quá nên bị chín kỹ, vỡ hết. Mẻ thì quá mặn, phải bỏ đi, nấu mẻ mới. Làm hỏng nhiều quá có lúc tôi cũng nản lòng lắm, nhưng vợ chồng bảo ban nhau, khắc phục dần. Bố mẹ tôi biết chuyện, nhắc lại bảo sướng không muốn cứ chuốc lấy khổ. Nhưng ông bà sau đó cũng thương, thức xuyên đêm gói giò hỗ trợ”, anh Lâm nói về những khó khăn khi mới khởi nghiệp.
Doanh thu 10 tỉ đồng/năm
Giò bê là một trong những đặc sản của Nghệ An với hương vị đậm đà. Ông chủ 9x cho biết, khi bắt tay vào làm, anh xác định mình làm sau thì phải làm loại giò chất lượng nhất, khách ăn một lần nhớ mãi và vị của sản phẩm phải thật riêng, không lẫn với bất kỳ loại giò bê nào khác.
Xưởng làm giò bê nhà anh Lâm tạo việc làm cho 11 lao động tại địa phương với thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày. |
“Bí quyết để giò ngon là thịt bê phải tươi, là loại bê cỏ 4-5 tháng tuổi, nếu già hơn sẽ dai. Mỗi mẻ giò làm nhiều công đoạn, hàng ngày thợ phải dậy lúc 2 giờ sáng để mổ bê, đến đầu giờ sáng thái thịt, tẩm ướp gia vị. Gần trưa, thợ bỏ nồi nấu trong 1,5 tiếng, giữa giờ chiều đóng gói thành phẩm”, anh Lâm cho hay.
Sau khi đúc rút được kinh nghiệm, hoàn chỉnh công thức, anh Lâm cho ra các mẻ giò chất lượng. Lúc này, anh gặp khó trong việc tiêu thụ. Thị trường trong huyện hẹp, anh phải lái xe rong ruổi đến các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thực phẩm ở trong và ngoài tỉnh đặt vấn đề hợp tác. Nhiều người thấy anh đưa ra mức giá phải chăng, định ký hợp đồng, nhưng lo ngại chất lượng.
Anh Lâm khởi nghiệp thành công với sản phẩm giò bê, mang về doanh thu hơn 10 tỉ đồng/năm. |
Tự tin giò chuẩn, anh Lâm sẵn sàng tiếp đón đối tác đến thị sát, ăn ở tại nhà để theo dõi, tìm hiểu quá trình chế biến giò bê từ khâu giết mổ đến thành phẩm. Vì vậy, sau gần một năm khởi nghiệp, vợ chồng anh Lâm đã có được những đơn hàng lớn, lượng khách tăng. Ngoài thị trường trong nước, cơ sở của anh Lâm có một số đơn hàng ở Hàn Quốc, Singapore.
Vào mùa du lịch hè và dịp Tết, xưởng cung cấp ra thị trường khoảng 1-2 tấn giò. |
Từ đầu tháng 10 âm lịch, ngoài 6 lao động thường xuyên, cơ sở sản xuất giò bê của anh Lâm phải thuê thêm 4-6 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày mới có thể kịp trả đơn hàng cho khách.
Trung bình, mỗi tháng, xưởng sản xuất của anh Lâm cung cấp ra thị trường từ 500 - 600kg giò bê. Vào mùa du lịch hè và dịp Tết, xưởng cung cấp ra thị trường khoảng 1-2 tấn giò. Doanh thu một năm hơn 10 tỷ đồng.
Ông Hồ Đình Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn chia sẻ: “Khởi nghiệp từ con số 0 với sản phẩm giò bê là một quyết định đầy táo bạo. Lê Đình Lâm là hình mẫu cho thanh niên theo đuổi ý tưởng làm giàu từ những đặc sản quê nhà”. |
Theo TPO |